Tiếng Việt | English

17/11/2021 - 08:04

COVID-19 thế giới 17/11: Dịch căng lên tại châu Âu, có nước chỉ còn 20 giường bệnh có máy thở

Hệ thống y tế của Slovakia, một quốc gia châu Âu, đang căng mình trước đợt lây nhiễm COVID-19 mới. Cả nước này chỉ còn 20 giường bệnh có máy thở cho bệnh nhân COVID-19.

Bên trong phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19 tại Freising thuộc miền nam Đức ngày 16-11 - Ảnh: AFP

Trong tuyên bố ngày 16/11, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger thừa nhận các bệnh viện của nước này đang trong tình trạng nguy cấp. "Chúng ta cần thắt chặt đáng kể các hạn chế trong 3 tuần tới để làm dịu tình hình tại các bệnh viện", ông Heger nói và kêu gọi người dân đi tiêm chủng.

Slovakia là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất ở châu Âu, với 45% dân số được tiêm chủng so với mức trung bình của EU là 64,9%, theo dữ liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu.

Đất nước có 5,5 triệu dân này ghi nhận trung bình 6.500 ca nhiễm mới/ngày khiến hệ thống y tế quá tải. Hiện chỉ còn 20 giường trang bị máy thở trên toàn quốc, theo Bộ Y tế Slovakia.

Hãng tin Reuters nhận định châu Âu một lần nữa trở thành tâm chấn của đại dịch, khiến các quốc gia như Slovakia và nước láng giềng Áo phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế ngay trước thềm Giáng sinh.

Ngày 16-11, người dân thành phố Munich (Đức) cũng phải nhận một tin "cay đắng" khi chính quyền địa phương quyết định hủy phiên chợ Giáng sinh thường niên vì dịch bùng phát.

Sau quyết định của Munich, các thành phố lớn khác ở Đức cũng cân nhắc hủy bỏ hoặc thu hẹp quy mô phiên chợ Giáng sinh, vốn là nơi người dân đến vui chơi và sắm sửa những vật dụng trang hoàng cho đêm Noel.

Tại Hy Lạp, hàng ngàn quán xá trên khắp nước này đã đóng cửa một ngày nhằm phản đối quy định mà họ cho là bất công, theo báo The Guardian ngày 16-11.

Bất kỳ nhà hàng hoặc quán cà phê nào bị phát hiện phục vụ khách hàng mà không có giấy tờ phù hợp có nguy cơ bị phạt 5.000 euro và bị đóng cửa tạm thời. Tuy nhiên khách hàng chỉ bị phạt 300 euro.

Khoảng một tuần sau quy định trên, các chủ doanh nghiệp tuyên bố doanh thu của họ đã sụt giảm 50%, vào thời điểm họ đang khó khăn và sắp phá sản, sa thải hàng loạt lao động.

Bên kia Đại Tây Dương, nước Mỹ đang chuẩn bị cho giai đoạn xem COVID-19 như một bệnh đặc hữu, không thể loại bỏ và cần phải sống chung.

"Mọi người sẽ vẫn bị nhiễm bệnh, vẫn có thể vẫn phải nhập viện. Nhưng mức độ sẽ thấp đến mức chúng ta không nghĩ về nó mọi lúc và nó không ảnh hưởng đến những gì chúng ta làm", chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Mỹ Anthony Fauci nêu suy nghĩ ngày 16-11.

Theo ông Fauci, để COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm hay thủy đậu, vẫn cần rất nhiều người xắn tay áo tiêm 2 mũi đầu tiên và các mũi tăng cường.

Nếu tất cả người Mỹ đều được tiêm mũi bổ sung, quốc gia này sẽ kiểm soát được virus trong mùa xuân năm 2022, theo ông Fauci.

Cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn những tranh cãi về việc bao nhiêu ca nhiễm/ngày thì được xem là bình thường, không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cũng như mức độ bảo vệ của mũi bổ sung.

Hiện vẫn có một luồng quan điểm tin rằng khi có đủ thuốc điều trị COVID-19, một nước có thể kiểm soát được dịch bệnh và xem nó như căn bệnh đặc hữu.

Tại Mỹ, Pfizer cho biết đã hoàn tất việc nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) thuốc trị COVID-19 Paxlovid. Các dữ liệu, bao gồm dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy loại thuốc này giảm 89% nguy cơ tử vong và nhập viện, đã được nộp lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).

Theo người phát ngôn của Pfizer, dữ liệu mà công ty gởi đến FDA là từ việc thử nghiệm thuốc trên những người chưa được tiêm chủng, có nguy cơ cao. Một hội đồng cố vấn độc lập của FDA sẽ xem xét đơn xin EUA của Pfizer vào cuối tháng 11 này, theo Reuters.

Mỹ dự kiến sẽ chi 5 tỉ USD để mua số thuốc Paxlovid đủ cho 10 triệu liệu trình điều trị, theo báo New York Times. Nước này trước đó cũng đã chi hơn 2 tỉ USD cho thuốc trị COVID-19 của hãng Merck./.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích