Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)
Kinh tế thế giới năm 2021 sẽ thoát đáy và dần hồi phục, đó là nhận định chung của các chuyên gia cũng như tổ chức khắp toàn cầu.
Tuy nhiên, khi "bóng ma" COVID-19 dần đi qua, kinh tế thế giới sẽ hồi phục như thế nào? Đâu là động lực? Và sẽ có những khác biệt gì giữa các ngành nghề trong quá trình hồi phục kinh tế?
Kinh tế thế giới sẽ hồi phục theo hình thữ V?
Năm 2020, kinh tế thế giới chao đảo vì đại dịch COVID-19. Câu chuyện cân bằng giữa "sinh mệnh" và "sinh kế’ làm đau đầu lãnh đạo không ít nước. Tới cuối năm, khi vắcxin ngừa COVID-19 xuất hiện, lạc quan đã tăng dần, lấn át bi quan.
Năm 2021 có thể bắt đầu không thuận lợi, nhưng các chuyên gia, tổ chức đều cho rằng kinh tế thế giới năm 2021 sẽ tốt dần lên cùng với thời gian.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định kinh tế thế giới dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2021, đạt mức tăng trưởng khoảng 5,2%.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán kinh tế thế giới sẽ phục hồi khoảng 4,2% trong năm 2021, tuy thấp hơn một chút so với dự đoán trước đó, nhưng kinh tế thế giới đã thoát khỏi thời điểm tồi tệ nhất.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 5/1, nửa đầu năm 2021, kinh tế thế giới vẫn ở trong tình trạng suy sụp, nhưng cả năm dự kiến sẽ tăng trưởng 4%.
Về phần mình, các tập đoàn tài chính ngân hàng đa quốc gia cũng có cái nhìn lạc quan về năm 2021 hơn là năm 2020.
JPMorgan Chase & Co. dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5% vào năm 2021.
Mặc dù đà tăng trưởng kinh tế không mạnh vào đầu năm, nhưng việc thế giới phát triển thành công vắcxin ngừa COVID-19 và dỡ bỏ dần các hạn chế về đi lại, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong cả năm 2021 là tương đối lạc quan.
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng Mỹ (BoA) dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,4% vào năm 2021.
BoA cũng cho rằng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế thế giới năm 2021 sẽ khởi đầu với nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhờ việc tiêm chủng rộng rãi và có thêm nhiều chính sách kích thích tài chính, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi vào giữa năm; tỷ lệ lạm phát toàn cầu sẽ duy trì ở mức tương đối thấp và hầu hết các ngân hàng trung ương của các nước tiếp tục thực hiện chính sách lãi suất gần bằng 0.
MSCI là một công ty uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu để đo lường hiệu quả hoạt động đầu tư.
Bộ phận phân tích của MSCI dự đoán kinh tế thế giới có thể tăng trưởng ở mức 6,4% trong năm 2021, trước tiên được dẫn dắt bởi các nền kinh tế mới nổi, tiếp đó là các nền kinh tế phát triển như Âu-Mỹ và kinh tế thế giới sẽ hồi phục theo hình chữ V.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Đường Kiện Vỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tài chính, Ngân hàng Giao thông Trung Quốc, tiến triển về vắcxin sẽ quyết định tiến trình hồi phục kinh tế, trở thành nhân tố then chốt phá vỡ cục diện khó khăn trong chống dịch và tái khởi động kinh tế thế giới. Đường Kiện Vỹ cũng cho rằng kinh tế thế giới năm 2021 sẽ hồi phục theo hình chữ V.
Trung Quốc tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế thế giới
Đại dịch COVID-19 càn quét toàn cầu. Các nền kinh tế trên thế giới đều bị thiệt hại nặng nề. Do phải phong tỏa để chống COVID-19, kinh tế Trung Quốc đã suy giảm kỷ lục trong quý 1/2020 (-6,8%), nhưng đã tránh được suy thoái kỹ thuật khi trở lại tăng trưởng dương (3,2%) trong quý 2/2020.
Bắt đầu từ nửa cuối năm 2020, kinh tế Trung Quốc có xu hướng phục hồi mạnh mẽ. Đây là thành tích không dễ dàng trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phát đi nhiều dấu hiệu khả quan.
Trước việc Trung Quốc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và không ngừng mở rộng phạm vi phục hồi kinh tế, các tổ chức quốc tế lớn cũng đã nâng mức triển vọng tăng trưởng trong tương lai của kinh tế Trung Quốc.
Công nhân làm việc bên trong một xưởng may ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 13/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự kiến đạt 1,9% vào năm 2020, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương.
OECD gần đây cũng đưa ra dự báo kinh tế, nêu rõ các nền kinh tế lớn trên toàn cầu dự kiến sẽ đạt được sự phục hồi lớn hơn vào năm 2021, nhưng Trung Quốc vẫn dẫn đầu thế giới và GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 8%, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế khác.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương Alicia García Herrero thuộc của Ngân hàng Ngoại thương Pháp (Natixis) cũng cho rằng hoạt động kinh tế tổng thể của Trung Quốc tốt hơn so với các nước phương Tây và các nền kinh tế mới nổi khác.
Hiện nay, sản xuất của Trung Quốc cơ bản đã phục hồi, nhưng nhu cầu phục hồi vẫn còn tương đối thấp.
Do tình hình phòng chống dịch trong nước của Trung Quốc tiếp tục được củng cố, nhu cầu nội địa của Trung Quốc dự kiến sẽ dần phục hồi trong tương lai.
Theo Alicia, việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Sự phục hồi đầu tiên của kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn dắt sự phục hồi kinh tế thế giới và trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc Xing Ziqiang của tập đoàn Morgan Stanley nhận định công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng đã giúp Trung Quốc tranh thủ được không ít thời gian cho sự phục hồi kinh tế.
Trong năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế phục hồi đầu tiên từ dịch bệnh toàn cầu kể cả về nguồn cung lẫn ngành xây dựng cơ sở hạ tầng và xuất khẩu, tổng sản lượng đã trở lại mức trước khi có dịch.
Năm 2021 sẽ là nửa cuối của quá trình phục hồi kinh tế Trung Quốc và các nhân tố nội sinh như tiêu dùng tư nhân và đầu tư sản xuất sẽ trở thành động lực chính, thúc đẩy các hoạt động kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đại dịch, từ đó bù đắp tác động ngắn hạn của đại dịch lên tăng trưởng kinh tế.
Theo Zhou Jingtong, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc, tác động của đại dịch đối với kinh tế Trung Quốc năm 2021 sẽ suy yếu đáng kể, và tốc độ tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm có thể tăng lên mức tương đối cao trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng trong một số quý có thể đạt 8%, thậm chí 10%.
Nhiều nhà quan sát quốc tế cũng chỉ ra rằng từ tín hiệu do Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương năm 2020 đưa ra, kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò "đầu tàu" trong năm 2021, góp phần phục hồi kinh tế thế giới.
Xu thế chuyển đổi số hóa, xanh hóa sẽ được đẩy mạnh
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Stephen Foreman thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Oxford, trạng thái bình thường mới từ tác động của đại dịch đối với bối cảnh kinh tế toàn cầu đang hình thành.
Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng vĩnh viễn, trong khi một số những ngành khác lại đứng trước cơ hội thay đổi. Cụ thể, Stephen Foreman đã tổng kết sự phát triển công nghiệp toàn cầu năm 2021 thành 6 xu hướng chính.
Một là toàn cầu hóa vẫn tiếp diễn. Mặc dù đại dịch đã bộc lộ sự mong manh trong chuỗi cung ứng của một số nền kinh tế và sự xuất hiện của "toàn cầu hóa ngược" trong chuỗi cung ứng là điều đáng lo ngại, nhưng việc điều chỉnh chuỗi cung ứng cần có thời gian và không thể hoàn thành trong một sớm một chiều.
Stephen Foreman tin rằng tỷ trọng thương mại toàn cầu trong GDP toàn cầu sẽ tăng trở lại vào năm 2021 và tiếp tục tăng trong những thập kỷ tới.
Hai là sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, sẽ thúc đẩy sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi. Điều này cũng sẽ giúp ngành công nghiệp phục hồi nhanh hơn so với ngành dịch vụ. Đồng thời, do các nước vẫn đang thực hiện các biện pháp hạn chế ở các mức độ khác nhau, nên dịch vụ tiêu dùng vẫn sẽ là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh.
Xu hướng thứ 3 và thứ 4 liên quan đến số hóa. Trong khi dịch bệnh đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu, nó cũng có tác động đến các ngành xây dựng và bán lẻ truyền thống.
Ví dụ, dịch bệnh đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành chăm sóc sức khỏe.
Dự kiến, các ngành công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe toàn cầu sẽ trở lại mức trước dịch vào giữa năm 2021, thương mại điện tử và thanh toán điện tử sẽ tiếp tục phát triển trên toàn cầu.
Tác động của đại dịch đối với ngành bán lẻ truyền thống sẽ còn được lan sang ngành xây dựng.
Đây là thách thức do chuyển đổi kỹ thuật số mang lại. Ví dụ như Mỹ, vào năm 2021, ngành xây dựng thương mại sẽ đi vào suy thoái do nhu cầu sụt giảm. Nhiều công ty có văn phòng cố định chọn làm việc từ xa, khiến các quán cà phê và các cơ sở hỗ trợ xung quanh văn phòng rơi vào tình trạng lạnh lẽo.
Năm là du lịch chặng ngắn sẽ phục hồi đầu tiên và du lịch quốc tế, vốn duy trì xu hướng tăng trưởng mạnh trước dịch bệnh, sẽ vẫn khó có thể trở lại bình thường trong năm 2021.
Cuối cùng là quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tiếp tục tăng tốc.
Viện Nghiên cứu Kinh tế Oxford dẫn dự báo của LMC Automotive rằng vào năm 2021, tỷ trọng doanh số bán xe động cơ lai (xe hybrid) toàn cầu trong doanh số bán xe mới sẽ tiếp tục tăng từ 11% của năm 2020 lên 17%, tỷ trọng xe hơi chạy hoàn toàn bằng điện cũng tăng từ mức khoảng 3% lên 4%, trong đó thị trường châu Âu và Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1/3 toàn cầu. Xu hướng này cũng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng vận tải điện.
Các công ty hóa chất liên quan và các mặt hàng như đồng cũng sẽ được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch./.
Theo TTXVN