Cử tri Pháp bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Solesmes, Đông Bắc nước Pháp ngày 07/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đây được xem là cuộc bầu cử gay cấn nhất trong lịch sử nước Pháp từ trước đến nay, và kết quả của nó sẽ không chỉ tác động tới tình hình bên trong biên giới nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu, mà là cả Liên minh châu Âu (EU).
Gần 67.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp bắt đầu mở cửa để đón hơn 45 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn đi bỏ phiếu. Trước đó, người dân Pháp ở nước ngoài và một số vùng lãnh thổ hải ngoại tới các điểm bỏ phiếu sớm để đưa ra sự lựa chọn của mình.
Hơn 50.000 cảnh sát được huy động cùng nhiều biện pháp tăng cường an ninh được triển khai để bảo đảm cho cuộc bầu cử quan trọng này.
Trước đó, ngày 06/5, cảnh sát Pháp phát lệnh truy nã 3 đối tượng tình nghi âm mưu tấn công khủng bố, trong đó có 2 công dân Bỉ và một người mang quốc tịch Afghanistan.
Lựa chọn của cử tri Pháp trong ngày 07/5 sẽ quyết định nước Pháp đi theo một trong 2 con đường phát triển hoàn toàn trái ngược, do 2 ứng cử viên, một người theo đường lối trung dung ủng hộ toàn cầu hóa và hội nhập sâu hơn với EU, và một người theo xu hướng cực hữu, chủ trương đóng cửa biên giới và xóa sổ đồng tiền chung châu Âu, đưa ra.
Trong 2 tuần kể từ sau vòng 1 cuộc bầu cử, cả hai ứng cử viên là cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, 39 tuổi, và cựu Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu Marine Le Pen, 49 tuổi, đều tận dụng triệt để thời gian để vận động lá phiếu của cử tri, trong bối cảnh số cử tri do dự vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Theo các cuộc thăm dò dư luận ngay trước bầu cử, được truyền thông Pháp công bố tối 06/5, ông Marcon được 62% số ý kiến ủng hộ, còn tỷ lệ dành cho bà Le Pen là 38%.
Ông Macron liên tục duy trì ưu thế sau vòng 1, nhất là sau phần thể hiện được đánh giá là thuyết phục hơn trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng hôm 03/5. Chủ trương của ông xây dựng một nước Pháp cởi mở, với khả năng cạnh tranh cao hơn, hội nhập sâu hơn với EU được chính giới Pháp ủng hộ.
Nhiều ứng cử viên thất bại ở vòng 1 kêu gọi cử tri dồn phiếu cho ông Macron. Phát biểu với báo giới trước giờ bỏ phiếu, ông cho biết cảm thấy khá thoải mái và quyết tâm, đồng thời hy vọng các cử tri Pháp sẽ ủng hộ các cam kết tranh cử của mình.
Tuy nhiên, bà Le Pen cũng tỏ rõ những kinh nghiệm chính trường của mình, đưa ra nhiều chiêu tranh cử quyết liệt và gây bất ngờ. Giới phân tích cho rằng, bà Le Pen tập trung khai thác tâm lý hoang mang của cử tri Pháp trước các nguy cơ khủng bố ngày một tăng ở châu Âu với các cam kết ngăn chặn người nhập cư, bảo vệ biên giới và tăng ngân sách quốc phòng; đồng thời tìm cách lôi kéo lá phiếu của tầng lớp người lao động trong bối cảnh kinh tế Pháp đang trì trệ. Điều này giúp cho phe cực hữu của bà tiến gần tới chiến thắng nhất từ trước tới nay.
Các cuộc khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở vòng 2 có thể thấp hơn nhiều so với tại vòng 1, vì phần đông cử tri không ủng hộ bà Le Pen nhưng cũng không muốn chỉ để ngăn chặn ứng cử viên cực hữu này mà bỏ phiếu cho ông Macron. Chính vì vậy, họ có thể chọn bỏ phiếu trắng hoặc không đi bỏ phiếu.
Theo giới phân tích, sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp thể hiện rất rõ ràng trong cuộc bầu cử năm nay. Cuộc bầu cử này cũng sẽ đi vào lịch sử do sự vắng mặt của hai chính đảng lớn từng thay nhau lãnh đạo nước Pháp trong nhiều thập kỷ qua, đó là đảng Cộng hòa thuộc cánh hữu và đảng Xã hội thuộc cánh tả.
Và không chỉ người dân Pháp đang hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử, mà cả châu Âu cũng đang “nín thở” theo dõi với tâm lý lo ngại nguy cơ "Frexit" - tức nước Pháp rời EU - có thể xảy ra một khi bà Le Pen đắc cử.
Dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào rạng sáng 08/5 và tổng thống mới của nước Pháp sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 14/5 này./.
TTXVN