Tiếng Việt | English

14/03/2017 - 09:29

Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nâng cao giá trị sản xuất

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị gia tăng được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đang được tỉnh Long An quan tâm thực hiện. Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.


Lợi nhuận mang lại từ cây thanh long 350 -500 triệu đồng/ha/năm

Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi

Thời gian qua, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp đời sống nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển hơn rất nhiều. Huyện Châu Thành là một ví dụ về chuyển đổi từ trồng cây lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long xuất khẩu. Từ đó, đời sống người dân được nâng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 7.721ha thanh long, trong đó gần 5.500ha thanh long cho trái, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành.

Nông dân Nguyễn Thanh Xưng (xã Thanh Vĩnh Đông) cho biết: “Cây thanh long hiện nay mang lại lợi nhuận cho người dân rất cao. Trước đây, gia đình tôi trồng lúa, trung bình mỗi năm chỉ kiếm hai ba chục triệu đồng là mừng lắm rồi! Hiện tại, gia đình tôi có gần 2ha đất trồng thanh long, trung bình mỗi năm thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Với giá thanh long hiện nay, ruột trắng từ 13.000-18.000 đồng/kg, ruột đỏ từ 45.000-50.000 đồng/kg, đang là tín hiệu vui cho nhà nông”.

Bên cạnh thanh long, chanh cũng là cây trồng mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, diện tích trồng chanh toàn tỉnh là 8.367ha, trong đó có gần 5.822ha cho trái, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Với giá chanh hiện nay: Có hạt từ 9.000-12.000 đồng/kg, không hạt từ 17.000-20.000 đồng/kg, ước tính nông dân có lãi trên 50 triệu đồng/ha.

Khác với nhiều địa phương, huyện Thạnh Hóa đang đưa các loại cây trồng: Khóm (dứa), khoai mỡ, chanh,... vào sản xuất đại trà. Những loại cây này đã và đang mang lại hiệu quả cao cho nông dân.

Ông Lê Thành Tài (xã Tân Tây) cho biết: “Trước kia, gia đình tôi sản xuất lúa, khoai mỡ nhưng hiệu quả không cao. Tôi thấy người dân ở tỉnh Tiền Giang, giáp ranh với địa bàn, chuyên canh cây khóm đạt năng suất, chất lượng. So sánh thổ nhưỡng giữa hai vùng tương đối giống nhau nên gia đình tôi mạnh dạn chuyển sang trồng khóm để phát triển sản xuất. Sau khi học tập kinh nghiệm, kỹ thuật, gia đình tôi chuyển dần diện tích trồng lúa, khoai mỡ sang trồng khóm. Cây khóm chịu hạn, phèn tương đối tốt nên thích nghi cao với vùng đất này.Chuyển sang trồng khóm được 3-4 năm nay, với diện tích 4,5ha, kết quả bước đầu đạt như mong muốn, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập bình quân từ 100-150 triệu đồng/ha (tùy thời điểm và giá), trừ các chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 80-120 triệu đồng/ha. "

"Tuy kết quả bước đầu khả quan nhưng trồng khóm gặp khá nhiều rủi ro, chi phí đầu tư cao, công chăm sóc tương đối lớn, thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng khá nhiều đến năng suất, chất lượng của khóm. Bên cạnh đó, giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định đặt ra thách thức lớn với những người trồng khóm (có nhiều thời điểm thương lái không mua, giá thấp, người dân chấp nhận lỗ để bán sản phẩm)”. - ông Lê Thành Tài (xã Tân Tây) cho biết thêm.


Cây chanh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Những năm qua, tỉnh chuyển đổi trên 12.700ha đất lúa sang trồng các cây khác: Thanh long, chanh, bắp, mè, đậu phộng, dưa hấu, khóm, rau các loại,... bước đầu mang lại hiệu quả cao. Lợi nhuận mang lại từ cây chanh 100-250 triệu đồng/ha/năm, cây thanh long 350-500 triệu đồng/ha/năm, bắp lai 8-12 triệu đồng/ha, bắp giống trên 25 triệu đồng/ha, rau các loại trên 70 triệu đồng/ha.

Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn thông tin: “Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều người dân trên địa bàn chuyển đổi cây trồng từ lúa, khoai mỡ sang trồng khóm. Bước đầu tạo được tín hiệu tích cực, ổn định cuộc sống, kinh tế các hộ dân đi lên. Xã được tỉnh quy hoạch vùng chuyên canh khóm với diện tích 600ha, hiện xã trồng được 338ha. Người dân trong vùng quy hoạch khóm được cấp trên đầu tư trạm bơm điện, đê bao và hỗ trợ chi phí con giống (700 đồng/con giống). Khó khăn lớn nhất của người trồng khóm vẫn là giá cả, thị trường. Vì vậy, xã kiến nghị tỉnh, các ngành chức năng có giải pháp về đầu ra cho cây khóm để người dân yên tâm sản xuất”.

Tại huyện Tân Hưng, vào vụ Xuân Hè, người dân chọn phát triển cây mè, rau trồng xen canh với lúa, tăng thu nhập cho gia đình, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, góp phần ổn định cuộc sống. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Lê Văn Thủy, trên địa bàn huyện vài năm trở lại đây, người dân bắt đầu trồng mè, tập trung chủ yếu tại các xã: Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà, Hưng Thạnh và Vĩnh Châu B. Vụ Xuân Hè năm 2016, toàn huyện xuống giống trên 1.000ha mè, năng suất khoảng 7,5 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, người dân có lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng/ha. Vụ Xuân Hè năm 2017, đến thời điểm này, huyện gieo sạ khoảng 400ha mè. Tuy cây mè mang lại hiệu quả cao nhưng cũng còn khó khăn là đầu ra chưa ổn định, giá cả bấp bênh.

Còn tại huyện Thủ Thừa, sau thời gian thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện về phát triển đàn bò thịt trên địa bàn, năm 2017, tổng đàn bò của huyện tiếp tục tăng lên theo đúng mục tiêu nghị quyết. Đây là nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có tổng đàn bò thịt 5.000 con, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Năm 2016, huyện Thủ Thừa có trên 740 hộ nuôi bò thịt với trên 2.000 con, đạt kế hoạch đề ra.

Hiện nay, không riêng huyện Thủ Thừa mà tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, nghề chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao do ít tốn công chăm sóc và nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ, rơm. Ước tính mỗi năm, lợi nhuận trung bình từ việc chăn nuôi bò khoảng 6-7 triệu đồng/con.


Cây khóm cũng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng: Hiện nay, nhiều cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao (chanh, thanh long, bắp, rau màu các loại, mè,...) góp phần tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư một số cây, con thành vùng chuyên canh hàng hóa lớn, chủ lực và có lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh một số cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả, tỉnh xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lựa chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi để thực hiện ƯDCNC vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch). Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm: 20.000ha sản xuất lúa ƯDCNC trong vùng lúa cao sản xuất khẩu gần 40.000ha ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại 3 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt 500-1.000 con theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ.

Triển khai đề án nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên nền tảng nội lực là chủ yếu, trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí địa lý và KT-XH, thế mạnh và tiềm năng về đối tượng; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; phòng, chống dịch bệnh cho các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đáp ứng mục tiêu tăng năng suất và chất lượng, bảo đảm tính cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường; tổ chức sản xuất lấy liên kết sản xuất và tiêu thụ làm trung tâm, trong đó, tập trung phát triển kinh tế hợp tác, lấy nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại làm chủ thể. Bên cạnh đó, ngành phối hợp tăng cường công tác xúc tiến thương mại, khảo sát, đánh giá nhu cầu và yêu cầu của thị trường để có định hướng phù hợp, đầu ra sản phẩm ổn định./.

Lê Huỳnh-Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết