Tiếng Việt | English

05/04/2016 - 18:25

Đà Lạt, nhớ...

Với tôi, Đà Lạt có bao nhiêu niềm nhớ, nhưng tôi nhớ nhất là lần đi với Chi hội Văn học thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Long An dự trại sáng tác ở Đà Lạt. Chúng tôi được bố trí ở một ngôi biệt thự hai tầng đồ sộ, cổ kính, nằm trên ngọn đồi cao khá xa trung tâm thành phố sương mù.

Tại đây, mỗi sáng sớm chúng tôi hay tranh nhau ra bao lơn săn ảnh “Đà Lạt sương mờ” như trong thơ Hàn Mặc Tử: “…Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ/ Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/Như đón từ xa một ý thơ…”. Đà Lạt thơ mộng mà thiếu sương mờ, đâu còn hồn cốt Đà Lạt nữa.

Tôi đã sống ở Đà Lạt từ thập niên 60 của thế kỷ XX. Khi ấy Đà Lạt hãy còn hoang sơ lắm. Đâu đâu cũng đầy bóng thông reo. Nghe tiếng thông reo nhớ Nguyễn Công Trứ. Chuyện kể rằng, năm 1858, giặc Pháp chiếm Đà Nẵng, rắp ranh đánh Huế. Trong lúc triều Nguyễn hầu như bất lực, thì lão tướng Nguyễn Công Trứ đã 80 tuổi, xin cầm quân ra trận, nhưng vua Tự Đức không cho. Buồn quá, ông trở về, lên đỉnh Ngàn Hống mà thề: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Đà Lạt, đâu cũng nghe tiếng thông reo. Đà Lạt có những cơn mưa bất chợt như thác nước từ trời cao đổ xuống. Những con đường trên đồi cao nước tuôn như thác đổ chỗ trũng thấp mà thành lũ lụt ngay trong thành phố, nhưng chỉ trong khoảnh khắc sau nước đã rút đi miền xuôi để lại khuôn mặt phố phường ráo hoảnh. Thuở ấy, dân“có máu mặt” ở Sài Gòn - tướng tá, quan chức cao cấp và hàng đại gia - đổ xô lên Đà Lạt mua biệt thự người Pháp để lại, hoặc mua đất xây biệt thự mới mà vẫn theo phong cách kiến trúc Pháp - rất riêng cho Đà Lạt.

Ở khu vực trại sáng tác của chúng tôi có một ngôi biệt thự bỏ hoang đã lâu năm. Nghe đồn nhà này có nhiều ma. Thế là một sáng nọ, sau chầu cà phê, anh em Chi hội Văn học bèn rủ nhau đi tìm… ma ở ngôi biệt thự đó. Đến nơi, ai nấy níu nhau mà đi từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, sục vào các căn phòng ẩm mốc đã trăm năm, hoang vắng đến ghê rợn mà chả thấy bóng dáng con ma nào. Thế rồi cả bọn hù nhát nhau té chạy ra đường cười ngặt nghẽo.

2 em bé người Lat dệt thổ cẩm trên đỉnh Lang Biang

Một ngày chủ nhật nọ, chúng tôi rủ nhau đi leo núi Lang Biang. Băng qua những cánh đồng tràn ngập rau củ quả Lạc Dương, đến một đồi cỏ xanh mướt mát có hàng chữ xi măng đắp nổi, sơn trắng “LANG BIANG”, chúng tôi bàn nhau leo núi. Cả bọn hăm hở leo dốc mòn đất basalt. Lúc này là 8 giờ sáng sương mù dày đặc, lạnh tê tái. Leo chưa tới nửa dốc núi, nhiều người đã vã mồ hôi sôi bọt mép; cởi áo quấn cổ, ngồi thở.

Có bạn vốn hay đùa, giờ đây ngậm tăm hì hục cuốc từng bước. “Thôi, leo hết nổi rồi!”, anh bạn kêu và đổ phịch xuống đất ngồi thở dốc. Tôi nói Lang Biang có núi Bà cao sơ sơ… 2.167m mà ta đang leo. Còn núi Ông cao 2.124m, cạnh đó là đồi Ra-đa Kput cao 1.929m so mực nước biển. Nghe thế, mọi người đều le lưỡi. Anh bạn nhà thơ rên: Thôi, kêu xe đi đi. Rồi ngoắc một chiếc Jeep cải tiến 2 cầu từ dưới chân núi chạy lên. Bác tài kêu “đợi đấy” rồi cho xe leo tiếp lên núi. Phải đợi gần 40 phút sau, chiếc xe ấy mới “trôi” xuống núi và dừng lại “vớt” cả bọn tôi lên xe.

Xe lên tới gần đỉnh núi, cảm giác như đang chui vào mây. Mây trắng xám tầng tầng lớp lớp bao trùm cả đỉnh núi. Nhìn ra bốn bề cũng chỉ khói mây mù mịt. Bấy giờ mới thấy lạnh se da thịt, toan quơ nhánh cây mục đốt sưởi ấm, thấy bảng “cấm lửa”, đành thôi. Vậy mà có 2 cô bé người Lat không rõ lên đây từ lúc nào, cắm cúi dệt thổ cẩm để bán tại chỗ cho du khách. Bỗng có một chàng mặc đồ thổ cẩm xịt 2 con chó săn sục sạo vào từng bụi rậm. Hỏi, anh ta nói săn thỏ, mới đi, chưa được con nào.

Sững bước trước 2 tượng người dân tộc KHo: chàng trai và cô gái mỗi người đứng trên khối đá hình đỉnh núi và đưa cánh tay ra níu lấy nhau. Chợt nhớ tình sử chàng Klang và nàng Kbiang: Đôi trẻ yêu nhau thắm thiết; chỉ vì luật tục cấm chàng và nàng tuy thuộc 2 chi họ khác nhau, song cùng dân tộc KHo không được lấy nhau.

Với sức mạnh tình yêu như Roméo và Juliette, họ trốn lên núi Lang Biang sống đời vợ chồng. Khi vợ bị bệnh hiểm, chồng chạy chữa không khỏi, bèn về làng cũ cầu cứu thì bị dân làng đánh đuổi. Chàng chạy vừa tới núi gặp vợ thì một mũi tên tẩm thuốc độc vút tới. Hbiang lao ra hứng lấy mũi tên và ngã xuống. Vợ chết, Klang khóc thương thảm thiết, nước mắt chàng hóa thành dòng suối Đa Nhim mà ngày nay người ta xây đập chắn dòng để làm thủy điện dưới kia!

Chúng tôi xúm nhau ăn bánh mì trên đỉnh Lang Biang rồi xuống núi. Cứ cắm đầu bước mà như trôi tuột xuống dốc.

Chỉ một thoáng qua làng người Lat nằm cách chân núi Lang Biang không xa mà để lại nhiều ấn tượng khó quên. Đó là những đứa trẻ cháy nắng đen trạy mang gùi củi trĩu trịt từ núi về buôn làng. Những đứa trẻ mũi dãi thò lò vắt vai và cánh tay đầy những tấm thổ cẩm sặc sỡ chạy theo du khách rao bán. Buôn làng người Lat sao mà còn nghèo quá.

Trở về tòa biệt thự cổ kính, tịnh yên, tôi lại ra vịn thành lan can trên lầu nhìn xuống. Ánh hoàng hôn kéo những mảng sương mù phả xuống các thung lũng. Kia là thung lũng Tình Yêu. Và kia là hồ Xuân Hương sương khói mơ màng bao quanh nhà thủy tạ, nơi có tuổi thiếu niên tôi từng ngồi trên đó nhắp cà phê ngắm mặt hồ đêm và thầm thì những câu thơ Hàn… “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/Để nghe dưới đáy nước hồ reo/Để nghe tơ liễu run trong gió/Và để nghe trời giải nghĩa yêu”…

Chẳng rõ nơi nào còn hằn dấu chân chí sĩ Nguyễn Thông khi tấm thân nho nhã mà như tráng sĩ mang thanh gươm mở đường tìm địa thế hiểm yếu trên vùng đất cao nguyên Lâm Viên này để xây dựng căn cứ chống Pháp lâu dài. Thật tiếc cho con người yêu nước và khí phách quật cường ấy khi dâng sớ trình rõ mưu đồ đại sự kia đã bị sự yếu hèn của triều vua Tự Đức không chấp thuận.

Còn dấu ấn nhà thám hiểm Yersin qua ba lần xông vào rừng thiêng núi thẳm tìm ra đất này thì vẫn còn kia. Tượng đài của ông, ngôi trường đẹp bề thế với khối tháp cao ngất và con đường đẹp nhất phố Đà Lạt mang tên ông. Có tư liệu ghi: Ngày 21-6-1893, đứng trước phong cảnh hùng vĩ ở độ cao cách mặt biển 1.500m, bất giác Yersin thốt lên: “…Ôi, một vùng biển xao động mãnh liệt bởi một loạt sóng cồn ba động màu xanh biếc, và dãy núi Lâm Viên đứng sừng sững ở phía chân trời tây bắc cao nguyên, làm cho phong cảnh tăng thêm vẻ đẹp và nổi bật trên một hậu cảnh tuyệt vời mỹ lệ!”…

Đà Lạt thật đáng là vương quốc của bốn phương du khách làm điểm đến./.

Bút ký của Quang Hảo

 

Chia sẻ bài viết