Tiếng Việt | English

26/10/2018 - 20:14

Đại biểu quốc hội: Khối lượng lớn nhưng chất lượng FDI lại khiêm tốn

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù Việt Nam hiện nằm trong top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút đầu tư nước ngoài, song nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về chất lượng các nguồn vốn FDI, nhất là những vấn đề như chuyển giao công nghệ, chuyển giá... 

Chất lượng hiệu quả và chuyển giao công nghệ còn thấp

Phát biểu thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế-xã hội 26/10, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) thẳng thắn cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam khối lượng lớn nhưng thực chất thì chất lượng lại khiêm tốn, ít chuyển giao công nghệ và chưa có mối liên kết với các công ty trong nước. 

Đại biểu Nguyễn Như So dẫn chứng, chỉ có 5% doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam sử dụng công nghệ cao, còn chủ yếu là gia công ở vị trí cuối của chuỗi giá trị. Hơn nữa, việc đóng góp FDI vào ngân sách không tương xứng với mức độ ưu đãi cao mà họ được nhận, gây ra mất bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân trong nước. 

Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Như So, tình trạng độc nhiễm của doanh nghiệp FDI cao, đặc biệt là ngành công nghệ điện tử. Do vậy, sự lan tỏa của khối FDI thấp, chỉ đạt 21%.

Một vấn đề khác, theo đại biểu Nguyễn Như So, dù được miễn giảm 92% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng FDI lại đóng góp vào ngân sách khá thấp, chỉ chiếm 20,78% GDP và 13,9% tổng thu ngân sách. 

Ông cũng nêu câu hỏi, có hay không tình trạng doanh nghiệp lỗ giả, lãi thật, chuyển giá, trốn thuế, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, tác động xấu đến môi trường đầu tư.

"Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng của khối FDI tăng 14,6%, xấp xỉ bằng khu vực kinh tế trong nước 17,5% chiếm 70,6% giá trị cán cân thương mại nhưng chủ yếu là sản phẩm không chịu thuế xuất khẩu nên thuế thu từ FDI không đáng kể so với các doanh nghiệp trong nước," đại biểu đoàn Bắc Ninh phân tích.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) lại bày tỏ nhiều lo ngại về vấn đề chuyển giao công nghệ. Bởi theo ông, qua tổng kết 30 năm thu hút FDI vừa qua, việc chuyển giao công nghệ chưa đạt kết quả mong muốn, thậm chí nhiều công nghệ cũ để lại. 

Dẫn chứng từ thực tế ngành y, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, các công nghệ để 3 năm, 5 năm, 10 năm thì không còn giá trị nữa. Nguyên nhân chính là các công nghệ này vừa lạc hậu nhưng đồng thời tiêu tốn năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm và hơn nữa là giải ngân chỉ khoảng 55% so với đăng ký. 

"Thủ tướng trong cuộc họp đã nói không phải bằng mọi giá phải lấy được FDI, cá nhân tôi thấy FDI bây giờ có ngay trong nhân dân, bây giờ làm sao có cơ chế để FDI có được nhiều lên," đại biểu đoàn Hà Nội nói. 

Phải tỉnh táo, biết mình, biết ta

Để thu hút và sử dụng FDI hiệu quả, tránh tổn thương đến nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So kiến nghị quốc hội cần cải tổ lại chiến lược thu hút nguồn vốn FDI. Cụ thể là phải chuyển từ số lượng sang chất lượng, đồng thời tập trung thu hút các dự án chất lượng cao, các tập đoàn kinh tế lớn có năng lực nội địa hóa cao nhằm mang lại hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu. 

Đưa ra kiến nghị này, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, phải nhận diện đúng vấn đề mà các tập đoàn đa quốc gia họ cần. Đó là một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và doanh nghiệp trong nước. 

Bên cạnh đó, với sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ, nếu biết rằng ưu đãi, đầu tư chỉ là yếu tố bổ sung, không phải là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp mà chính là sự ổn định về kinh tế, chính trị, chi phí lao động, thuế, khuôn khổ pháp lý, chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực của quốc gia. 

"Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải xem, cân nhắc từ bỏ việc sử dụng các biện pháp khuyến khích qua thuế, giảm sự cạnh tranh giữa các địa phương trong sử dụng ưu đãi thuế và biện pháp khuyến khích khác để thu hút FDI," đại biểu Nguyễn Như So kiến nghị thêm.

Ông cũng kiến nghị quốc hội cần có cơ chế đột phá, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển để tạo đối trọng đủ mạnh, hợp tác bình đẳng. Bởi theo ông, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98,1% là đối tượng chính tạo nguồn thu ngân sách, quyết định sự bền vững của phát triển kinh tế lại khó tiếp cận ưu đãi, đặc biệt là vốn. 

Còn theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), sự rục rịch hồi hương của FDI bởi hậu thuẫn của kỷ nguyên robot, người máy và chủ nghĩa bảo hộ làm cho lao động giá rẻ không còn ý nghĩa. Từ đó, những chính sách thu hút đầu tư dù hấp dẫn thế nào cũng không phát huy nhiều tác dụng. 

Do đó, để đi tắt, đón đầu và vượt lên, theo ông phải hiểu rõ địa hình, địa thế và thực tế địa hình, địa thế của kỷ nguyên số chính là xu hướng công nghệ mô hình quản trị và mô hình kinh doanh. 

"Dù thừa quyết tâm nhưng phải tỉnh táo, biết mình, biết ta để không chỉ bước đi vững chắc cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ này mà trên hết phải xây dựng môi trường thể chế để khoa học công nghệ trở thành người dẫn đường mở lối đi đến thịnh vượng, nhận diện cho được lợi thế cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số, tìm hướng đi thích hợp để lựa chọn mô hình tăng trưởng cho đất nước một cách thực chất hơn," đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu ý kiến./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết