Tiếng Việt | English

02/02/2024 - 09:12

Đảng mang lại mùa xuân cho đất nước

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nước ta giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại,...

Ảnh minh họa

Vừa mới ra đời vào tháng 02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay lập tức kêu gọi giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc đứng lên đòi quyền lợi của mình. Năm 1945, Đảng ta đã lãnh đạo thực hiện Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (tháng 3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.

Trong bài nói chuyện tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ðảng vào năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ðảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”. Mùa Xuân năm 1969, khi kẻ thù còn âm mưu chia cắt lâu dài 2 miền Nam Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định về mùa xuân thống nhất của đất nước sẽ là mùa xuân vui nhất của dân tộc ta. Và ước nguyện đó của Người đã được thực hiện khi quân, dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời bình, Đảng tiếp tục lãnh đạo nước ta giành được những thắng lợi to lớn và toàn diện. Quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận khoảng đạt mốc 400 tỉ USD vào cuối năm 2022, tăng hơn 10 lần so với năm 2000. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 của cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm trước, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 ngàn tỉ đồng, tương đương 430 tỉ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam là 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2021. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nước ta ước đạt 683 tỉ USD. Việt Nam cũng trở thành đất nước hấp dẫn các nhà đầu tư. Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 36,61 tỉ USD, tăng 32,1% so cùng kỳ.

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả châu lục, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt (Lào, Campuchia, Cuba), 12 đối tác toàn diện, 12 đối tác chiến lược, 6 đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ); có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ.

Việt Nam đang là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc (LHQ). Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021; Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023); Phó Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) tại Kỳ họp lần thứ 42 (diễn ra từ ngày 07 đến 22/11/2023); thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội của LHQ nhiệm kỳ 2016-2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025; thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017 và 2023-2027;...

Là thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) từ năm 1976, Việt Nam được đánh giá là một điển hình về thành tựu của UNESCO. Vào năm 2020, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - Michael Croft đánh giá: “Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa. Đây là những giá trị nền tảng tạo nên bản sắc Việt Nam”. Bên cạnh đó, với vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa đa dạng và hấp dẫn, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) - giải thưởng được ví như giải Oscar của ngành Du lịch vào các năm: 2019, 2020, 2022, 2023. Bên cạnh đó, năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 12,6 triệu lượt, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân nước ta không ngừng phát triển. Tuy chỉ chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, song hàng năm, giai cấp công nhân đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách nhà nước.

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu: Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Phát biểu bế mạc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là biến những quyết định quan trọng của đại hội thành hiện thực sinh động, đưa nghị quyết vào cuộc sống, làm ra của cải vật chất, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ trong bài viết “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (năm 2021) rằng: “Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại./.

Nguyễn Văn Toàn

Chia sẻ bài viết