Tiếng Việt | English

22/04/2025 - 14:49

50 năm giải phóng Long An: Những dấu ấn không quên (Bài 2)

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng cứ mỗi độ tháng tư về, hàng triệu con tim người dân Việt Nam nói chung và những người con quê hương Long An nói riêng lại trào dâng xúc cảm đặc biệt về những ký ức, trang sử hào hùng và bi tráng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. 50 năm đã trôi qua nhưng ngày 30/4/1975 vẫn mãi khắc sâu trong tâm khảm biết bao thế hệ người dân, ngày mà cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui giải phóng, giang sơn thu về một mối.

Bài 2 Kháng chiến chống Mỹ - đỉnh cao của phong trào toàn dân đánh giặc

Với vị trí địa lý, địa hình chiến lược cũng như từ thực tiễn đấu tranh của quân và dân Long An qua 9 năm chống Pháp là minh chứng cho sự sáng suốt, chỉ đạo của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền khi chọn tỉnh Long An thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo nên thắng lợi mùa Xuân năm 1975.

Di tích lịch sử Quốc gia khu vực Đồn Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng) là nơi lưu dấu những hy sinh to lớn của Trung đoàn 1, 2 và 3 trực thuộc Sư đoàn 5, quân và dân địa phương trong giai đoạn năm 1972-1975

“Đẩy mạnh tiến công địch toàn diện…”

Kể làm sao hết chiến tích vẻ vang qua các cuộc chiến tranh vệ quốc của quân và dân Long An. Đó là chưa kể biết bao Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ bắn máy bay,... Biết bao bậc phụ lão đêm đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng, ngày đi đấu tranh chính trị, cản đầu xe tăng địch. Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hy sinh những người thân yêu nhất của mình vì sự trường tồn của dân tộc,...

Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Cuộc tiến công chiến lược Xuân Hè năm 1972 và việc Mỹ phải ký Hiệp định Paris đã đánh dấu thất bại nghiêm trọng của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chính quyền ngụy quyền Sài Gòn vẫn ngoan cố công khai phản đối Hiệp định, tiếp tục lấn đất giành dân, gây thêm nhiều tội ác.

Tháng 2/1973, Tỉnh ủy Long An ra chỉ thị “Đẩy mạnh tiến công chính trị, binh vận, kết hợp đấu tranh bằng pháp lý của hiệp định”. Tháng 4/1973, địch thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” phá hoại hiệp định, đánh lên cả vùng biên giới Ba Thu - Đức Huệ. Tháng 8/1973, Long An do Khu 8 lãnh đạo (từ năm 1971-1973 thuộc Khu 7).

Sau khi quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 và Nghị quyết số 12 của Trung ương Cục, Tỉnh ủy chủ trương “đẩy mạnh tiến công địch toàn diện, phát huy thế mạnh của chiến tranh nhân dân bằng phương thức hai chân, ba mũi”, ra sức tiến công địch, đi đôi với hoạt động nổi dậy diệt ác, phá kềm, phát triển sâu, rộng phong trào đấu tranh chính trị - binh vận trong vùng tạm bị chiếm.

Quần chúng liên tục đấu tranh, nhổ cờ địch, cắm cờ cách mạng, kiên quyết giữ đất, làm binh vận bẻ gãy nhiều cuộc càn quét lấn chiếm. Cuối năm 1973, ở Bắc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1), ta đã khôi phục và tạo ra được vùng giải phóng liên hoàn dọc theo hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Còn ở Nam lộ 4 đã mở ra được nhiều lõm căn cứ ở Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Cần Giuộc.

Các huyện của Long An đều có từ 1-2 trung đội du kích, 66/88 xã có du kích mạnh, 75/88 xã có chi bộ Đảng. Ở Kiến Tường, năm 1974, quân, dân ta làm chủ lại hầu hết các vùng 4, 6, 8. Với trận Tuyên Nhơn (từ ngày 06 đến 28/12/1974), quân giải phóng cùng đồng bào vùng dậy phá tan hàng loạt đồn, bót, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 tên địch, mở màn thuận lợi cho Chiến dịch Đông Xuân 1974-1975 ở chiến trường khu Trung Nam Bộ.

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy với các chủ trương và kế hoạch tổng hợp nhằm huy động sức mạnh cả nước cho nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quân ủy Trung ương chọn Tây Nguyên làm chiến trường mở màn.

Đầu năm 1975, tin chiến thắng Bình Long, Phước Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ làm nức lòng quân, dân Long An - Kiến Tường và cả nước. Ngày 09/3/1975, Tỉnh ủy Long An chỉ đạo Tiểu đoàn 1 Long An tiêu diệt Tiểu đoàn 333 bảo an ngụy ở An Thạnh (Bến Lức), giữ vững vùng giải phóng Bắc Long An.

Ngày 20/3/1975, Tỉnh ủy chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp lực lượng của cấp trên tiêu diệt căn cứ quân sự Quéo Ba - một trong số căn cứ quân sự quan trọng sau cùng của Mỹ-ngụy trên đất Long An. Ngày 30/3/1975, ta giải phóng hoàn toàn huyện Đức Huệ lần thứ 3.

Lực lượng địa phương cùng với Trung đoàn 3, Sư đoàn 5 thuộc Binh đoàn 232 “quét sạch” các đồn, bót hai bên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông từ An Ninh, Lộc Giang xuống Tân Phú, mở màn tiến về thành phố.

Ở phía Nam lộ 4, Tiểu đoàn 45 và Đại đội 25 đặc công cùng bộ đội địa phương tiến công địch ở vùng hạ Châu Thành và Tân Trụ. Ngày 25/3/1975, Sư đoàn 5 của Binh đoàn 232 tiến đánh Trung đoàn 11 Sư đoàn 7 ngụy ở Thủ Thừa, cắt đứt lộ 4.

Sức mạnh của tinh thần yêu nước

Trong thời kỳ diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1954-1975, Đức Hòa vừa “gánh vác” trách nhiệm của một hành lang chiến lược nối liền con đường huyết mạch của cách mạng từ miền Tây đến miền Đông, vừa giữ vững vị trí của một “bàn đạp” vào đô thị Sài Gòn, vừa là hậu phương nuôi giấu bảo vệ lực lượng cách mạng, góp phần rất lớn vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Bà Nguyễn Thị Ảnh (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) - nữ cựu tù kháng chiến tiêu biểu, cho biết, năm 1965, khi mới 15 tuổi, bà tham gia cách mạng với nhiệm vụ làm giao liên cho xã An Ninh (cũ). Hai năm sau, bà được giao nhiệm vụ làm giao liên cho Huyện ủy. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bà bị địch bắt năm 1970, trải qua nhiều lần tra tấn, đàn áp và giam cầm nhiều nơi nhưng bà vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Ảnh kể lại hoạt động cách mạng của mình

Bà Ảnh kể: “Không hiểu sao lúc đó mình lại có một nghị lực mạnh mẽ như vậy. Trong tù, các chị dù bị tra tấn, đánh đập dã man nhưng thà chết chứ không khai báo. Mà không phải riêng tôi, làng quê Đức Hòa có rất nhiều thanh niên yêu nước, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc”.

Tôi đến nhà ông Lê Minh Hồng (SN 1950, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc), được nghe kể lại một thời đánh Mỹ tuy gian lao mà anh hùng. Đón khách bằng nụ cười tươi, người đàn ông 75 tuổi chậm rãi kể về cuộc đời mình. “Năm 15 tuổi, tôi tham gia cách mạng” - ông Hồng nhớ lại.

Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, ngoài giờ đi học, ông Hồng có chiếc radio cũ làm bạn. Lòng yêu nước, căm thù giặc của ông được “nuôi dưỡng” từ những lần nghe tin tức giặc ném bom ở miền Bắc, càn quét, bắn phá xóm làng miền Nam. Cộng với được nghe cán bộ tuyên truyền khi họp măng non đã thôi thúc ông tìm đến cách mạng.

Ông Lê Minh Hồng chia sẻ quá trình kháng chiến chống Mỹ, tuy bị thương, người để lại vết sẹo nhưng đó mãi là niềm tự hào trong cuộc đời của ông

Năm 1965, ông tham gia bộ đội địa phương. Năm 1966, ông bắn rơi 1 máy bay trong trận chống càn ở xã Tân Tập. Chỉ vào vết sẹo ở cằm, ông Hồng nói: “Đây là “kỷ niệm” trong trận chống càn ở xã Mỹ Lộc năm 1967. Hôm đó, tôi cùng đồng đội bắn máy bay của địch thì bị thương. Tôi mất nhiều máu, nửa tỉnh, nửa mê, được đồng đội đưa đi điều trị. Giai đoạn đó, tôi chỉ có thể giao tiếp bằng cách viết và ra dấu, sau 1 tháng, tôi mới nói được”.

Năm 1968, ông tham gia Chiến dịch Mậu Thân. Tháng 12/1969, ông bị bắt ở xã Phước Lâm. Địch giam và tra tấn ông 7 ngày ở tiểu khu Long An trước khi đưa về giam tại Hố Nai (tỉnh Đồng Nai). Biết chẳng thể thu được thông tin gì từ ông nên tháng 02/1970, địch chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Ông Hồng nói, ở các nhà giam đều có tổ chức Đảng, dù bị địch bắt, tù đày nhưng mọi người vẫn sinh hoạt và đấu tranh cách mạng bằng cách tuyệt thực để đòi quyền dân sinh, dân chủ. Cuộc sống nơi “địa ngục trần gian” vốn chẳng dễ dàng nhưng mọi người động viên nhau trung thành với Đảng, Tổ quốc.

Tất cả đều chung niềm tin cách mạng sẽ thành công. Năm 1973, sau khi được trả tự do, ông Hồng về an dưỡng ở miền Bắc gần 1 năm. Năm 1974, ông trở về chiến trường Long An và tiếp tục tham gia cách mạng đến ngày giải phóng miền Nam.

“Sau này, tôi làm nhiệm vụ thông tin, lúc cùng đồng đội trên đường hành quân cách đây 50 năm, trên chiếc radio mang theo bên mình, chúng tôi nghe rất rõ thông tin phát đi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của tổng thống Dương Văn Minh vào trưa ngày 30/4…” - ông Hồng hồi tưởng.

Trong căn nhà gần trụ sở UBND xã, ông Hồng giữ gìn cẩn thận những kỷ vật đã nhuốm màu thời gian. Ông từng được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3, Huân chương Chiến công hạng Ba,... Mỗi dịp tháng 4 về, ổng lật giở ra xem và trầm ngâm: “Tôi không nghĩ mình còn có thể sống đến ngày được dự Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi đã trở về nhưng đồng đội tôi thì không thể…”./.

50 năm giải phóng Long An: Những dấu ấn không quên (Bài 1)

(còn tiếp)

Thanh Nga

Bài 3: Long An trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Chia sẻ bài viết