Tiếng Việt | English

13/09/2023 - 09:09

Dấu ấn Tư lệnh Nguyễn Bình ở Nam bộ

Tư lệnh Nguyễn Bình là danh tướng tài năng, đức độ, có nhiều dấu ấn trên đất Long An (Giồng Vinh, Đức Huệ - nơi ông đóng Tổng hành dinh và xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh - nơi ông về họp với Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ). Hình ảnh vị tướng trận “oai phong lẫm liệt” khi cỡi ngựa, khi cỡi trâu, lúc dùng xuồng băng bưng biền kháng chiến Đồng Tháp Mười còn lưu trong ký ức các “lão làng” vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An.

Trung tướng Nguyễn Bình khi ở Giồng Vinh (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, nơi đóng quân Bộ Tư lệnh Quân khu Đông Thành và Nam bộ) Chân dung Trung tướng Tư lệnh Nguyễn Bình

Trung tướng Nguyễn Bình khi ở Giồng Vinh (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, nơi đóng quân Bộ Tư lệnh Quân khu Đông Thành và Nam bộ) Chân dung Trung tướng Tư lệnh Nguyễn Bình

Chỉ cách 3 tuần sau ngày Độc lập 02/9/1945, thực dân Pháp với sự tiếp sức của đồng minh Anh đã quay đầu trở lại và nổ súng bất ngờ đánh chiếm Sài Gòn vào đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ 2 và thực dân Pháp đã nhanh chóng phủ bóng đen lên khắp bầu trời Nam bộ, lôi kéo những kẻ cơ hội, hoạt đầu chính trị, dựa hơi Pháp, ôm chân Nhật, lập ra các nhóm võ trang ô hợp, dung nạp cả bọn đầu trộm đuôi cướp tranh giành lãnh địa, quấy nhiễu dân lành,...; thậm chí, chúng còn hành động phá hoại các thành tựu tốt đẹp mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mang lại, chống lưng cho thực dân, phong kiến ngóc đầu, tiếp tục hoành hành,...

Tại Bắc bộ, Nguyễn Bình (Nguyễn Phương Thảo) từng hoạt động trong Quốc dân đảng, bị Pháp bắt bỏ tù Côn Đảo, được các chiến sĩ Cộng sản giác ngộ, ly khai Quốc dân đảng để theo Đảng Cộng sản, bị đồng đảng cũ đâm mù một bên mắt. Năm 1936, Pháp đưa Nguyễn Bình về quản thúc ở địa phương nhưng ông đã bí mật lập Chiến khu Đông Triều. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tư lệnh khu Đông Triều - Nguyễn Bình chỉ huy khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng, Hải Dương, tạo nên thanh thế lẫy lừng.

Tháng 10/1945, Bác đã gọi Nguyễn Bình đang chỉ huy Chiến khu Trần Hưng Đạo ở vùng duyên hải Bắc bộ về Trung ương gặp và được Bác giao nhiệm vụ vào Nam bộ với sứ mạng thống nhất các tổ chức võ trang. Bác nói: “Tổ quốc trên hết! Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình ái quốc, ái dân, bình thiên hạ cho an sinh hòa mục”.

Nhận mệnh lệnh của vị lãnh tụ tối cao, Nguyễn Bình tức tốc vào Nam. Ngày 20/11/1945, ông tổ chức Hội nghị quân sự Nam bộ tại An Phú xã (Hóc Môn - ngoại vi Sài Gòn) gồm đại diện các đơn vị Giải phóng quân liên quân, lực lượng võ trang Bình Xuyên, Cao đài, Đệ tam Sư đoàn,... Hội nghị đã thống nhất các lực lượng võ trang ở Nam bộ, lấy tên chung là Giải phóng quân Nam bộ; thống nhất biên chế hình thức chi đội (đối với lực lượng tập trung), phân chia khu vực hoạt động, đề ra các giải pháp tiến hành chiến tranh du kích. Hội nghị đã bầu Nguyễn Bình làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ, Vũ Đức (Hoàng Đình Giong) làm Chính ủy và Nguyễn Thành Phương (Cao Đài) làm Phó Tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ. Liền đó, Tư lệnh Nguyễn Bình đã công bố 3 văn kiện sau:

1) Lời thề cứu nước.

“Chưa thành công ta quyết chưa lui về.

Nam bộ mất ta sẽ vì Nam bộ chết.

Để vì dân tận diệt kẻ thù.

Để vì nước hủy mình không sống nhục”.

2) Thông báo số 1

Hỡi đồng bào,

Pháp đã đầu hàng phát xít, nhân dân ta giành lại chánh quyền từ tay quân Nhật.

Nay Pháp núp sau quân Anh đồng minh trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Hồ Chủ tịch đã thay đồng bào phát lời nguyền: “Thà chết chứ không chịu làm nô lệ lần nào nữa!”.

Như vậy là ta quyết chiến đấu đến cùng để giữ gìn chánh quyền của ta.

Lịch sử từ ngàn xưa của ta Chiến là tất Thắng, Hòa là đầu hàng, là nô dịch. Hòa thì một Tô Định, một Liễu Thăng, một Sầm Nghi Đống cũng đè đầu cưỡi cổ. Đánh thì Thoát Hoan - dòng dõi Thành Cát Tư Hãn, Đông Điền, Hítle, ta cũng đánh thắng.

Truyền thống của dân tộc ta được thể hiện qua cánh tay Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung.

Một dân tộc kiêu hùng, 1 đánh 20 mà dám đánh và biết đánh thắng.

Một người con gái Việt Nam cũng mang trong mình cái hào khí đã ngang nhiên qua miếu thờ Sầm Nghi Đống trề môi cười khinh thị: “Ví thử tôi được làm nam tử, thì sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu!”. (*)

Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, thời nào cũng có người đánh thắng giặc, giữ được nước. Bây giờ đến lượt chúng ta đảm đương sứ mạng cao cả đó. Chúng ta quyết đánh và quyết thắng!

Tôi được lệnh vào Nam cùng đồng bào đánh giặc giữ nước. Với nhiệm vụ này, tôi thề trước Tổ quốc, trước đồng bào rằng: Sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng; chưa thành công tôi không chạy trốn, chưa thành công tôi quyết không lui về. Nếu Nam bộ mất, tôi cùng chết với Nam bộ. Khẩu súng Wicker tôi mang theo người là vật kỷ niệm của đồng bào, đồng chí thành Tô Hiệu (Hải Phòng) tặng tôi trong giờ đưa tiễn với ý thức dặn dò và gửi gắm niềm tin. Tôi đã lặng lẽ và xúc động nhận nó với lời tâm nguyện: “Vì dân, vì nước diệt quân thù và sẽ dùng nó tự sát khi phải cái nhục mất nước”.

Đây là cuộc toàn dân kháng chiến cứu nước, không phân biệt già, trẻ, gái, trai. Đồng bào hãy đồng tâm quyết đánh giặc và quyết thắng!

Chống giặc tại nhà, tại làng, thôn, ấp, suối, rừng. Không cộng tác với giặc, không buôn bán, làm công cho giặc. Thực hiện triệt để vườn không nhà trống. Đối với địch, thực hiện 3 không: Không nghe, không thấy, không biết. Đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, không có súng thì dùng dao, bay, cuốc, xẻng, gậy gộc,... Chúng ta quyết đánh và quyết thắng”.

Chân dung Trung tướng Tư lệnh Nguyễn Bình

Chân dung Trung tướng Tư lệnh Nguyễn Bình

3) Thông báo số 2

Hịch chống xâm lăng - Có 3 điều chống:

1. Chống hợp tác với giặc.

2. Chống tổ chức và hoạt động vô chính phủ.

3. Chống khủng bố, ức hiếp nhân dân.

Từ ngày 20 tháng 11 năm 1945, các lực lượng võ trang sẽ thống nhất quân hiệu: Giải phóng quân Nam bộ.

Ngoài lực lượng chánh quy, các tỉnh còn tổ chức các đơn vị trợ chiến địa phương, gồm: Dân quân du kích - gọi là “dân quân”.

Các tổ chức võ trang nhiều hay ít, tập thể hay cá nhân, không nằm trong hệ thống Quân giải phóng kể trên, coi như hoạt động bất hợp pháp, phải giải tán, tránh tình trạng manh động, vô chính phủ.

Là người được Bác Hồ cử vào “bình Nam bộ” đang lúc hỗn loạn, Tư lệnh Nguyễn Bình rất được các tầng lớp nhân dân Nam bộ tin tưởng, ủng hộ, kể cả thủ lĩnh các nhóm võ trang hết thảy đều kính nể và tuân phục khi ông thực hiện những lời dặn của Bác thể hiện bằng những lời thề, lời hịch do ông tự soạn nêu trên một cách trọn vẹn đến phút cuối cùng là cuộc hành trình đầy gian nguy và ngã xuống (29/9/1951) tại Srê pốc, Sê Sai, tỉnh Stung Treng, Campuchia, khi đang trên đường ra Bắc gặp Bác Hồ và Trung ương để báo cáo tình hình kháng chiến ở Nam bộ.

Trong suốt khoảng thời gian ở Nam Bộ, tư lệnh Nguyễn Bình thể hiện là một đặc phái viên xuất sắc của Bác Hồ./.

Quang Hảo(ghi chép)

 

(*):Thơ Hồ Xuân Hương

Trong bài có phần dựa vào tư liệu của Tạp chí Sử học Xưa&Nay số 448, tháng 6/2014

Chia sẻ bài viết