Tiếng Việt | English

25/11/2021 - 14:50

Đầu tư hạ tầng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Xác định việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) là hướng đi đúng nhằm thúc đẩy nông nghiệp sạch phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu, thời gian qua, Long An quan tâm và triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng nông nghiệp phục vụ phát triển sản xuất ƯDCNC.

Hướng đi đúng

Thời gian qua, việc tập trung quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất. Qua đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất ƯDCNC, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng rau

Huyện Cần Giuộc có trên 1.000ha rau ƯDCNC ở các xã: Phước Hậu, Phước Lý, Mỹ Lộc, Long Thượng,... Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, một số trang thiết bị hiện đại như nhà kính, nhà lưới, hệ thống điều khiển chế độ tiểu khí hậu, hệ thống cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, hệ thống tưới nước tiết kiệm,... đã và đang được nông dân mạnh dạn áp dụng vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao.

“Khi trồng rau trong nhà kính hay nhà lưới và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến sẽ tạo được môi trường tốt cho cây trồng phát triển. Nhờ đó, năng suất có thể đạt gấp 5 - 10 lần so với canh tác truyền thống. Công nghệ sản xuất này đã được khuyến khích ứng dụng tại các hợp tác xã (HTX) rau an toàn trên địa bàn huyện vì đem lại năng suất khá cao, chất lượng tốt, bảo đảm về an toàn thực phẩm” - ông Quốc cho biết thêm.

Năm 2021, huyện Tân Thạnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình “Nông nghiệp ƯDCNC, hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thích ứng biến đổi khí hậu”, bảo đảm diện tích theo chỉ tiêu tỉnh giao giai đoạn 2021-2025 phát triển 15.000ha vùng lúa ƯDCNC, trong đó có 80% sản lượng lúa chất lượng cao.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On thông tin: “Huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện cụ thể theo từng năm, trong đó tiếp tục duy trì các mô hình đã thực hiện ở các xã đã quy hoạch và tiếp tục nhân rộng ở các xã tuyến Năm Ngàn. Bước đầu công tác nhân rộng mô hình lúa ƯDCNC đạt nhiều thuận lợi, nông dân ngày càng tin tưởng và mạnh dạn áp dụng các quy trình sản xuất vào đồng ruộng như “1 phải, 6 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, nấm trắng, nấm xanh thay thế cho các loại phân, thuốc hóa học để bảo vệ môi trường sinh thái,...”.

Ông Nguyễn Văn Mến (ấp Cây Sao, xã Tân Lập) bộc bạch: “Các diện tích lúa trong mô hình đều đạt hiệu quả cao hơn so với canh tác truyền thống, chi phí đầu tư giảm từ 1,5-2,5 triệu đồng/ha, năng suất từ bằng đến cao hơn sản xuất theo phương thức cũ và hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2,5-3 triệu đồng/ha”.

Tiếp tục đầu tư hạ tầng

Xác định việc ƯDCNC vào sản xuất là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, Nghị quyết Đại hội XI của tỉnh tiếp tục chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một trong những chương trình đột phá. Trong đó, mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện, chỉ tiêu cụ thể như cây lúa 60.200ha, thanh long 6.000ha, cây chanh 3.000ha, duy trì 2.000ha rau ƯDCNC, con tôm 100ha và con bò thịt.

Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) - Bùi Văn Tuấn chia sẻ: “Năm 2020 được xem là năm thắng lợi của nông dân HTX khi các công trình hạ tầng sản xuất như nhà kho, lò sấy, đường ra đồng, trạm biến áp, trạm bơm,... đều được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các công trình này đã giúp nông dân hoàn thành các tiêu chí đánh giá liên kết với các đơn vị hợp tác, tăng khả năng chủ động trong việc tập kết vật tư đầu vào và nông sản vào cuối vụ của HTX”.

Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm được đầu tư trạm bơm điện

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, ngay từ đầu năm, Sở đã làm việc với các địa phương để xác định diện tích cụ thể của từng vùng sản xuất ƯDCNC giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đã xác định 7 vùng lúa CNC với diện tích 1.700ha; vùng thanh long với diện tích 300ha tại xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành;... Đồng thời, tiến hành rà soát các danh mục công trình: Thủy lợi, điện 3 pha, trạm bơm điện,... cần đầu tư cho vùng CNC giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2021, đã bố trí 47 danh mục cho vùng sản xuất ƯDCNC, với kinh phí hơn 63,2 tỉ đồng.

“Bên cạnh đó, từ nguồn vốn lúa nước, nguồn vốn CNC năm 2021, Sở triển khai hỗ trợ giá lúa giống xác nhận cho vùng sản xuất lúa chất lượng cao; xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; đánh giá ảnh hưởng của độ mặn tới sự sinh trưởng cây trồng; xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh năm 2021; hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trên cây lúa tại HTX Hương Trang (huyện Mộc Hóa),... với tổng kinh phí khoảng 20 tỉ đồng” - ông Truyền cho biết thêm.

Nhìn chung, việc ƯDCNC vào sản xuất đã đạt nhiều tín hiệu khả quan, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đồng thời, nâng cao nhận thức của nông dân trong thay đổi tập quán canh tác, từng bước chấp nhận phương thức canh tác mới, tiến bộ và khoa học hơn, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết