Mục tiêu cụ thể
Giám đốc Sở Công Thương Long An - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, năm 2023, mục tiêu chung của ngành là tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ do Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Bộ Công Thương giao. Sở sẽ tập trung lãnh đạo triển khai Chương trình hành động của UBND tỉnh theo phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Theo đó, ngành đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch, chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Cụ thể, ngành Công Thương sẽ đóng góp tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8-8,5%. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2-2,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11-11,5%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 6-6,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 109.200 tỉ đồng, tăng 6,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 7,1 tỉ USD, tăng 5,97%; kim ngạch nhập khẩu đạt 5,4 tỉ USD, tăng 5,88%; hộ sử dụng điện là 99,97%.
Năm 2023, ngành Công Thương đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 109.200 tỉ đồng, tăng 6,5%
Song song đó, ngành Công Thương đặt nhiều chỉ tiêu kế hoạch phát triển hạ tầng. Về hạ tầng công nghiệp, ngành tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các cụm công nghiệp (CCN) hoàn chỉnh hạ tầng đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp; phấn đấu có thêm từ 2 CCN đi vào hoạt động trong năm 2023. Về hạ tầng năng lượng, ngành tiếp tục rà soát, đề xuất, đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình điện theo kế hoạch phân bổ vốn của ngành Điện; phấn đấu xóa 2.500 hộ câu phụ điện. Về hạ tầng thương mại, ngành xúc tiến thu hút đầu tư chợ, siêu thị; trong đó, chú trọng mời gọi nhà đầu tư siêu thị Go, Co.opmart trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Năm 2023, ngành phấn đấu phát triển ít nhất 10 cửa hàng tiện ích (San Hà, Co.op Food, Bách hóa Xanh, Winmart, Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh,...); thu hút, triển khai đầu tư ít nhất 1 dự án trung tâm logistics theo quy hoạch được duyệt.
Ngành Công Thương đặt chỉ tiêu tổng thu nộp ngân sách nhà nước 2,1 tỉ đồng; triển khai hiệu quả các kế hoạch đề án khuyến công và chương trình xúc tiến thương mại được duyệt năm 2023, bảo đảm hỗ trợ đúng mục đích, chế độ, chính sách và đối tượng thụ hưởng nhằm góp phần thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh ngày càng phát triển. Ngành phấn đấu sử dụng nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ đạt kế hoạch giao năm 2023 (khuyến công địa phương 1,35 tỉ đồng; xúc tiến thương mại và công nghiệp hỗ trợ 2,7 tỉ đồng).
Nhiều giải pháp thực hiện
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, tuy dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhưng ngành vẫn triển khai, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn mới; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh; tiếp tục triển khai, thực hiện Kế hoạch số 906/KH-UBND, ngày 24/3/2022 của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế.
Ngành Công Thương đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Nhôm Nam Sung, huyện Đức Hòa)
Đặc biệt, ngành Công Thương tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành; đồng thời, phối hợp thực hiện các chương trình đột phá và công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhất là phối hợp hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong đó, có tích hợp xây dựng phương án quy hoạch phát triển mạng lưới cấp điện, phương án phát triển CCN, quy hoạch phát triển thương mại, logistics) và triển khai, thực hiện khi được phê duyệt; tiếp tục thực hiện các đề án, kế hoạch đã được phê duyệt. Cụ thể như Đề án phát triển kinh tế biên giới gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Đề tài Chiến lược tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh; Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch và biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất;...
Ngoài ra, ngành Công Thương đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh. Ngành phối hợp thực hiện các giải pháp hỗ trợ nâng cao giá trị cho các sản phẩm từ nông nghiệp thông qua việc tập trung thu hút, tham gia xúc tiến đầu tư và phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng nông sản có giá trị gia tăng cao. Vai trò "cầu nối", giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ, nhất là liên kết hợp tác với các tỉnh, TP.HCM tiếp tục được phát huy để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; chú trọng phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn, sản phẩm OCOP vào kênh phân phối hiện đại; tổ chức các sự kiện giới thiệu hàng hóa nông sản của tỉnh.
Ngành Công Thương cũng tập trung phát triển, tái cơ cấu ngành Công nghiệp, thu hút và hỗ trợ các dự án đầu tư trọng điểm, thu hút công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ,... Thông qua đó, phát triển mạnh sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo. Đồng thời, ngành thu hút phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến (chế biến sâu sản phẩm nông, thủy sản như đóng hộp, nước ép, sấy); ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng sạch; triển khai, thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025; tạo điều kiện thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng ổn định, bền vững.
Ngành Công Thương cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, dịch vụ cảng, cửa khẩu, logistics,... Qua đó, tiếp tục mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ giao - nhận, logistics theo quy hoạch tỉnh được phê duyệt; tạo động lực phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế; củng cố và phát huy vai trò các kênh phân phối truyền thống, phục vụ sinh hoạt của dân cư; thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; hỗ trợ Cảng Quốc tế Long An hoạt động hiệu quả, thêm cầu cảng đi vào hoạt động; khuyến khích phát triển chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ.
Ngành Công Thương chú trọng phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh liên kết vùng; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ngành sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường tiêu thụ mới, nhất là các thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản xuất có giá trị gia tăng cao nhằm đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt hiệu quả; tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 và trong tình hình mới; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; đẩy mạnh công tác xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước./.
Mai Hương