Tiếng Việt | English

17/04/2022 - 09:29

Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, ứng dụng tích hợp các loại giấy tờ

Trong quý 1, hàng loạt tiện ích được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an và các đơn vị liên quan hoàn thành và đưa vào ứng dụng trong thực tế để đơn giản thủ tục hành chính.


Trả căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Là lực lượng nòng cốt trong triển khai Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 (Đề án 06), trong dịp 76 năm ngày truyền thống (18/4/1946-18/4/2022), lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp tục tranh thủ tối đa từng ngày, từng giờ tổ chức thực hiện, đảm bảo đồng thời các yếu tố: tiến độ, chất lượng, ý nghĩa của Ðề án 06.

Ngay trong quý 1 năm nay, hàng loạt tiện ích được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an phối hợp cùng các đơn vị liên quan hoàn thành và đưa vào ứng dụng trong thực tế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Quyết tâm triển khai Đề án 06

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký, ban hành Quyết định số 06/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu cao nhất của Ðề án 06 chính là để người dân và doanh nghiệp được hưởng những tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân gắn chip, chuyển đổi cách làm thủ tục hành chính từ thủ công sang môi trường điện tử.

Giữ vai trò cơ quan Thường trực Ðề án 06, ngay sau khi kết thúc Hội nghị của Chính phủ triển khai đề án (ngày 18/1/2022), dù sát Tết Âm lịch, Bộ Công an vẫn tích cực triển khai hàng loạt nhiệm vụ cấp bách để chuẩn bị nền tảng cho việc thực hiện Ðề án 06. Ðặc biệt, riêng bộ phận Thư ký Tổ công tác Chính phủ triển khai Ðề án 06 là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) gần như các cán bộ, chiến sỹ không có khái niệm nghỉ Tết.

Là một đơn vị trực thuộc C06, hoạt động liên tục trong quá trình thực hiện Ðề án 06, từ trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư liên tục hoàn thành những khối lượng công việc rất lớn. Mới đây, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư đã thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân thông qua nghiệp vụ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân trên toàn quốc.

Với nỗ lực thực hiện Ðề án 06, đến nay, các nhiệm vụ cơ bản được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Và điều đáng mừng là những "trái ngọt" từ việc chuyển đổi số đã hiện hữu trong cuộc sống mà người dân chính là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất.

Tỷ lệ người dân tiếp cận với việc đăng ký giải quyết cư trú qua dịch vụ công đã được tăng lên. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành tiếp tục được quan tâm, triển khai đúng tiến độ; trong đó, đã kết nối, chia sẻ với Bộ Giáo dục và đào tạo, vượt tiến độ đề ra. Việc tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế lên thẻ căn cước công dân gắn chip giúp cho người dân chỉ mang một loại giấy tờ trong quá trình khám chữa bệnh. Từ tháng Ba vừa qua, thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm thực hiện Đề án 06.

Trong lĩnh vực giao thông, người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Công dân chỉ cần cung cấp cho lực lượng chức năng thông tin về căn cước công dân, số điện thoại di động; hệ thống dịch vụ công sẽ tự động gửi mã số quyết định xử phạt để người dân chủ động tra cứu, kiểm tra và chọn hình thức nộp phạt trực tuyến.

Từ ngày 1/3 vừa qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia ở mức độ 3 và mức độ 4.

Ở cấp độ này, Cảnh sát Giao thông sẽ lập và nhập biên bản vi phạm hành chính vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, sau đó hệ thống sẽ tự động ra quyết định xử phạt, gửi số quyết định đến cho người vi phạm qua số điện thoại đăng ký. Từ số (mã) quyết định vi phạm này, người vi phạm có thể vào hệ thống tra cứu thông tin, tiến hành nộp phạt trực tuyến tại nhà mà không cần tốn thời gian đến trụ sở các đơn vị của Cảnh sát giao thông.

Trước mắt, người dân sau khi nộp phạt trực tuyến vẫn phải đến cơ quan Công an nhận lại giấy tờ. Tuy nhiên, trong thời gian rất ngắn sắp tới, khi dịch vụ công quốc gia đã kết nối với bưu điện, người dân sẽ không cần đến cơ quan Công an lấy giấy tờ nữa mà lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ chuyển lại giấy tờ qua hệ thống bưu điện đến địa chỉ người dân đăng ký.

Người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Trong lĩnh vực y tế, ngày 8/3 vừa qua, tại Bệnh viện đa khoa Ðức Giang (Hà Nội), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã triển khai tiện ích sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được tích hợp lên thẻ căn cước công dân gắn chip. Khi người dân đến khám, chữa bệnh tại đây chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chip là có thể thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế.

Ðể thực hiện được điều này, Bộ Công an phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp thông tin bảo hiểm y tế lên thẻ căn cước công dân phục vụ người dân và cơ quan y tế xác thực thông tin công dân khi tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Mới đây nhất, ngày 7/4 vừa qua, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cùng Công an thành phố Hà Nội triển khai mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 tại 3 điểm ở phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Các điểm này bố trí máy tính có kết nối internet để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết các thủ tục hành chính, trong đó có 25 dịch vụ công thiết yếu. Công an phường, cán bộ tư pháp… sẽ hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, đăng ký, sử dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử.

Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục C06 thuộc Bộ Công an, việc triển khai chuyển đổi số trong thực hiện các thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan, tỷ lệ người dân được hưởng từ dịch vụ công tăng hơn 50% so với giai đoạn trước khi triển khai Ðề án 06; chất lượng xử lý hồ sơ của cán bộ giải quyết dịch vụ công tăng từ 89% lên 96,52%. Các giải pháp tích hợp các loại giấy tờ vào thẻ căn cước công dân cơ bản hoàn thiện, tạo thuận tiện cho người dân khi tham gia thủ tục hành chính không cần mang quá nhiều giấy tờ như trước đây.

Làm thủ tục cấp căn cước công dân. (Nguồn: TTXVN)

Sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2022, bước vào giai đoạn 2023-2025 sẽ hoàn thành mục tiêu tối thiểu 90% số người dân, doanh nghiệp hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính về cư trú, hộ tịch, xuất nhập cảnh, căn cước công dân.

Phát triển các "trường thông tin"

Bên cạnh cơ sở dữ liệu dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đang tiếp tục phát triển các "trường thông tin" tích hợp vào thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Đến thời điểm hiện tại, dù công tác trả thẻ căn cước công dân đến tay người dân ở một số nơi còn bị chậm do tác động của dịch COVID-19 và một số nguyên nhân khách quan, nhưng với sự nỗ lực, đến nay, Bộ Công an đã in và trả về cho công an các địa phương gần 60 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử của công dân thu nhận trong năm 2021.

Một trong những điểm ưu việt của thẻ căn cước công dân mới chính là tích hợp được nhiều thông tin của công dân trên thẻ hơn so với thẻ căn cước công dân mã vạch trước đây. Khi đó, người dân đi làm các thủ tục hành chính hoặc các giao dịch khác, chỉ cần mang thẻ căn cước công dân gắn chip.

Hiện tại, thẻ căn cước công dân gắn chíp đã được tích hợp những tiện ích như: thông tin thẻ xanh COVID-19, thông tin tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về người được hưởng chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19...; thông tin người phụ thuộc đi cùng với người có căn cước công dân gắn chip (con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự…).

Ngay trong năm 2022, C06 sẽ tiến tới nghiên cứu, xây dựng phương án kỹ thuật, tích hợp các tiện ích, thông tin "mở rộng," dữ liệu đa ngành vào thẻ căn cước công dân gắn chip như bảo hiểm, bằng lái xe, thông tin tiêm chủng, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, đối tượng thuộc diện hỗ trợ…, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính, giảm giấy tờ tùy thân, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức.

Chip điện tử cũng được tích hợp các "trường thông tin" cơ bản của công dân, có chứa thông tin sinh trắc học, ảnh chân dung và vân tay theo tiêu chuẩn ICAO. Tất cả các thông tin được lưu trữ đều được bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin bởi Ban Cơ yếu Chính phủ./.

Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết