Lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, Công ty TNHH Nông nghiệp VaCo (huyện Bến Lức) nghiệm thu, trình diễn máy chiết xuất đông trùng hạ thảo
Nâng bước doanh nghiệp
Trong thời gian qua, các DN, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Nhiều sản phẩm được sản xuất dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, dịch Covid-19, nhiều DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất.
Trước thực tế này, Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (Trung tâm) mạnh dạn xây dựng đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Long An phát triển sản xuất các sản phẩm từ nông sản giai đoạn 2021-2023” và được Cục Công Thương địa phương phê duyệt. Tổng kinh phí thực hiện 27,206 tỉ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia 5,87 tỉ đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng 21,336 tỉ đồng.
Từ nguồn kinh phí trên, Trung tâm phối hợp Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các địa phương rà soát, xây dựng đề án. Qua đó, Trung tâm phối hợp Công ty (Cty) TNHH Xuất nhập khẩu VinaGrin (huyện Châu Thành) xây dựng 1 mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản, trái cây chiên với tổng kinh phí 1 tỉ đồng.
Ngoài ra, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Trung tâm còn xây dựng đề án và hỗ trợ kinh phí cho 15 cơ sở CNNT trong lĩnh vực chế biến nông sản ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất với tổng kinh phí 4,5 tỉ đồng; hỗ trợ 4 cơ sở CNNT xây dựng 4 phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm với tổng kinh phí 200 triệu đồng; tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2021-2023.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Trần Thanh Toản cho rằng: Quá trình triển khai đề án còn nhiều mục tiêu chưa đạt nhưng các nội dung hỗ trợ DN, cơ sở CNTT được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực. Tất cả nội dung hỗ trợ đều gắn với nhu cầu thực tế của các DN, cơ sở CNNT chế biến nông sản, qua đó tạo sự nhìn nhận mới về các dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước. Đây cũng là “cầu nối” cho DN - DN, DN - Nhà nước, DN - thị trường,...
Các cơ sở CNNT chế biến nông sản sau khi được hỗ trợ đã đẩy mạnh sản xuất, phát triển thêm nhiều thị trường mới, phát triển theo định hướng của tỉnh. Kinh phí thực hiện Đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2021-2023, bình quân đạt 1,957 tỉ đồng/năm, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp nói chung và CNNT trên địa bàn tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng theo mục tiêu đề ra.
Theo kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến hơn 37,7 tỉ đồng; trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ hơn 6 tỉ đồng, huy động vốn đối ứng từ DN hơn 31,7 tỉ đồng. |
Đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường mới
Ông Trần Thanh Toản khẳng định: Hoạt động khuyến công góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Đồng thời, các DN, cơ sở CNNT tham gia và được hỗ trợ kinh phí từ đề án khuyến công cũng tạo việc làm, tăng thu nhập, phân công lại lao động theo hướng công nghiệp hóa nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cty TNHH Nông nghiệp VaCo (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm chủ lực là nấm đông trùng hạ thảo và sâm bố chính. Giám đốc Cty TNHH Nông nghiệp VaCo - Lê Xuân Diệu chia sẻ: Trong thời gian qua, Cty được hỗ trợ từ chính sách khuyến công quốc gia để đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất. Qua đó, Cty từng bước nâng cao năng lực sản xuất.
Theo đó, năm 2022, Cty nhận được kinh phí từ chương trình khuyến công để đầu tư máy sấy thăng hoa, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo sấy khô đạt chất lượng cao, giữ nguyên màu sắc, hình dáng và mùi vị. Ngoài đông trùng hạ thảo, máy sấy thăng hoa có thể ứng dụng sấy được nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao khác, giúp Cty nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau phục vụ thị trường.
Cuối năm 2023, Trung tâm phối hợp Cty nghiệm thu và trình diễn hệ thống chiết xuất và cô đặc chân không cao dược liệu từ sản phẩm đông trùng hạ thảo. Với hệ thống này, Cty có thể sản xuất các sản phẩm nước chiết xuất chất lượng cao làm nguyên liệu sản xuất nước uống dinh dưỡng, sữa, thực phẩm chức năng,... giúp khách hàng có được sản phẩm dễ sử dụng và chất lượng sản phẩm được nâng cao. Chính điều này giúp Cty đa dạng sản phẩm, đứng vững trên thị trường và phát triển bền vững.
Có thể khẳng định, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hay địa phương khi đến tay DN, cơ sở CNNT đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Công Thương địa phương, Trung tâm và Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các địa phương.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành, hàng năm, công tác phối hợp về công tác khuyến công được thực hiện tốt trong việc rà soát, bình chọn và đề xuất DN, cơ sở CNNT tham gia. Qua đó, thời gian qua, huyện Châu Thành có 5 cơ sở CNNT được hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia với kinh phí 3,1 tỉ đồng.
Từ nguồn kinh phí đề án khuyến công quốc gia, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tổng hợp Cô Út (TP.Tân An) đầu tư một số máy móc để ứng dụng vào sản xuất và mở rộng thị trường
Ngoài huyện Châu Thành, nhiều DN, cơ sở CNNT trên địa bàn các huyện, thành phố cũng được hỗ trợ từ đề án như Cty TNHH Sản xuất Miền Tây Xanh (huyện Cần Đước), Cty TNHH Hoàng Gia Nhựt Quang (huyện Thủ Thừa), Cty TNHH Sản xuất Thương mại Tổng hợp Cô Út (TP.Tân An),...
Giám đốc Cty TNHH Sản xuất Miền Tây Xanh - Bùi Thành Được phấn khởi: Từ nguồn kinh phí đề án khuyến công quốc gia, Cty đầu tư một số máy móc để ứng dụng vào sản xuất và mở rộng thị trường. Từ các chính sách hỗ trợ này, Cty vượt qua nhiều khó khăn, phát triển lớn mạnh và không ngừng tìm kiếm đối tác, khách hàng, đưa nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản,...
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh - Phạm Văn Phong cho biết, hiệu quả từ Đề án khuyến công quốc gia điểm trong thời gian qua đã được khẳng định. Đó là khuyến khích đầu tư phát triển CNNT, bên cạnh việc góp phần tăng cường sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế còn có tác động tích cực đến nhận thức của người dân, làm cho người dân hiểu rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nói chung và phát triển CNNT nói riêng./.
Phát huy những kết quả, Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tiếp tục xây dựng đề án “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Long An phát triển sản xuất các sản phẩm từ nông sản giai đoạn 2024-2025” nhằm tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh phát triển.
Qua đó, thu hút mọi nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chế biến nông sản một cách bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, đẩy mạnh phát triển CNNT, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
|
Mai Hương