Tiếng Việt | English

11/04/2019 - 15:18

Để có không gian mạng lành mạnh

Hiện tượng Khá Bảnh và một số clip có ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ là tiếng chuông cảnh báo về những hệ lụy từ mặt trái của Internet. Điều này thật nguy hiểm vì có tác động không tốt đến cảm xúc, hành vi của các bạn trẻ. Vậy phải làm gì để bảo vệ mình trước mặt trái của Internet cũng như mạng xã hội? Chúng ta hãy nghe các bạn nhỏ “hiến kế” nhé!

Minh họa: Hữu Phương

Minh họa: Hữu Phương

Thế giới ảo lành mạnh

Ngày trước, các bậc cha mẹ thường có suy nghĩ rằng, tránh cho các con tiếp xúc với những điều xấu thì nên hạn chế cho con ra khỏi nhà nhưng bây giờ, suy nghĩ đó không còn phù hợp nữa. Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, chẳng cần phải ra khỏi nhà, bạn vẫn có thể biết được mọi tin tức thông qua chiếc điện thoại, máy tính bảng hoặc laptop,... Qua Internet, chúng ta có thể tiếp cận rất nhiều thông tin “thượng vàng hạ cám”, trong đó có nhiều trào lưu tiêu cực như Cá voi xanh, Momo, các “hiện tượng” Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền,... Vậy giải pháp nào nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội? Trước hết, phụ huynh hãy làm bạn với con và cùng con tham gia mạng xã hội để biết con mình tiếp xúc với những thông tin gì nhằm kịp thời định hướng trẻ đến với những chương trình thiết thực, bổ ích. Bên cạnh đó, cần giới hạn thời gian tiếp xúc thế giới ảo của các bạn trẻ và hướng các em đến với những hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ngoài đời thực, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Bùi Trà

Hạn chế mặt trái của công nghệ

Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, con người tiếp xúc với Internet nhiều hơn. Không thể phủ nhận không gian mạng mang lại nhiều tiện ích, hỗ trợ ta trong công việc. Trẻ em hiện nay cũng biết cách sử dụng mạng để tìm kiếm thông tin phục vụ việc học tập, giải trí. Tuy nhiên, ngoài cung cấp những thông tin hữu ích, mạng xã hội còn có nhiều thông tin tác động xấu đến tâm lý, hành vi của người sử dụng, nhất là trẻ em. Những thông tin gần đây về việc một trò chơi hướng dẫn trẻ cách tự sát hay những clip tả lại hành động phá hoại tài sản của một nhân vật mạng,... cho thấy sự phức tạp của mạng xã hội. Theo tôi, khi trẻ sử dụng mạng cần có sự giám sát của phụ huynh, không cho các em vào những kênh thông tin xấu vì trẻ em chưa có nhận thức đầy đủ cái nào xấu, cái nào tốt, cái gì nên xem và không nên xem. Ngoài ra, an ninh mạng cũng cần có biện pháp siết chặt nhằm bảo vệ cái tốt, loại trừ những thông tin xấu, sai lệch hoặc các trò chơi bạo lực gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.

Mỹ Ngân

Nhân rộng những sân chơi lành mạnh trên mạng

Tôi nghĩ, để trẻ không bị tác động những chương trình xấu trên mạng, ngoài ngăn chặn các chương trình ấy, việc quan trọng hơn là cần đưa nhiều hoạt động bổ ích lên thế giới ảo. Các tổ chức, đoàn thể cần tạo sân chơi thú vị, hấp dẫn ngoài xã hội lẫn trên mạng để có thể thu hút các bạn trẻ tham gia. Khi có nhiều sân chơi lành mạnh trên mạng thì thế giới ảo không còn ảo nữa mà sẽ tác động tích cực đến việc rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng tâm hồn cho trẻ. Làm được điều này, chúng ta sẽ góp phần đẩy lùi cái xấu và bảo vệ được trẻ bằng những hoạt động thiết thực trên mạng xã hội./.

 Ái Như

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích