Tiếng Việt | English

07/12/2017 - 17:43

Để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào sản xuất

Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất là hướng đi đúng đắn, phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại. Gần 2 năm triển khai, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đạt một số kết quả. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

Long An thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên 3 cây, 1 con (tập trung vào giống, canh tác, sau thu hoạch). Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, tập trung tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, TP.Tân An và các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Đức Hòa, Đức Huệ. Sản phẩm chủ lực của 4 vùng này gồm: 20.000ha lúa cao sản; 2.000ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; 2.000ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và 500-1.000 con bò thịt theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cần sát thực tế

Phát huy thế mạnh của từng vùng, sau gần 2 năm triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC, người dân dần thay đổi tập quán sản xuất từ manh mún, nhỏ, lẻ sang hình thức liên kết, tạo ra sản phẩm bảo đảm về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Năm 2020, huyện Vĩnh Hưng phấn đấu có 4.500ha lúa cao sản ƯDCNC. Hiện tại, địa phương phối hợp các ngành liên quan tuyên truyền người dân tham gia tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để liên kết sản xuất, đạt kế hoạch. Tuy nhiên, một số hộ dân còn bỡ ngỡ, chưa “mặn mà” tham gia. Ông Trương Minh Vương, ngụ ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, chia sẻ: “Tôi tham gia HTX với mong muốn được ƯDCNC vào sản xuất và tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ khi áp dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia laser. Tuy nhiên, do địa hình không phù hợp, chưa thực hiện được nên tôi khó tiếp cận nguồn vốn này. Hơn nữa, chi phí cấy lúa khoảng 4,5 triệu đồng/ha nhưng mức hỗ trợ 30% còn thấp so với nhu cầu”.

Người dân cần tăng hỗ trợ chi phí máy cấy lên 50%

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng cho rằng: Vì một số chính sách hỗ trợ không phù hợp hoặc thấp nên người dân ngại tham gia sản xuất lúa ƯDCNC. UBND tỉnh cần tăng mức hỗ trợ kinh phí xây trạm bơm điện từ 133,4 triệu đồng/trạm lên tối thiểu 200 triệu đồng/trạm, tăng hỗ trợ chi phí san phẳng mặt ruộng tia laser (những nơi không áp dụng được, cần tính toán hợp lý, chuyển nguồn vốn hỗ trợ để người dân tiếp cận) và cấy lúa bằng máy từ 30% lên 50%. Đồng thời, tỉnh sớm triển khai các mô hình điểm, đầu tư thêm hạ tầng phục vụ sản xuất lúa ƯDCNC.

Tăng mức hỗ trợ

Nông dân trên địa bàn huyện Thạnh Hóa cũng gặp một số khó khăn khi sản xuất lúa ƯDCNC vì chính sách chưa phù hợp, thiếu các phương tiện cần thiết, ít mô hình điểm để người dân học tập và áp dụng.

Ông Nguyễn Thành Tân, ngụ ấp Nước Trong, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Vụ Hè Thu năm 2017, tôi dùng máy cấy lúa trên diện tích 7.000m2 (tổng diện tích của gia đình 1,7ha). Tuy nhiên, hiện nay, máy cấy rất ít, không đáp ứng nhu cầu; tiền hỗ trợ chi phí cũng thấp nên người dân gánh thêm một khoản chi phí lớn. Bên cạnh đó, nông dân không san phẳng mặt ruộng bằng tia laser được nên không thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Chúng tôi cần được hỗ trợ về thị trường, một phần chi phí sản xuất chứ hiện tại rất bấp bênh, không ổn định”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Hồ Thị Ngọc Lan nhấn mạnh: ƯDCNC vào sản xuất lúa góp phần tăng giá trị về thương hiệu, sản phẩm đạt chất lượng, tăng lợi nhuận cho nông dân. Tuy nhiên, huyện gặp khó khi triển khai thực hiện do thiếu hệ thống điện để vận hành các trạm bơm (điện 1 pha không thể phát huy hết hiệu quả của các trạm bơm), số lượng máy cấy rất ít, chi phí thuê cao, thị trường chưa ổn định, một số nơi không thể áp dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia laser nên người dân không được thụ hưởng nguồn hỗ trợ. Huyện kiến nghị, UBND tỉnh cần tăng mức hỗ trợ cho nông dân, nhất là máy móc phục vụ sản xuất; tìm kiếm thị trường và điều chỉnh một vài chính sách cho phù hợp thực tế (chuyển khoản hỗ trợ về chi phí san phẳng mặt ruộng bằng tia laser sang hỗ trợ san phẳng mặt ruộng để người dân được thụ hưởng chính sách); nhanh triển khai mô hình điểm để huyện và người dân học tập, làm cơ sở nhân rộng.

Nông dân cần có nhiều mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp ƯDCNC để học tập

Huyện Đức Hòa khi triển khai trồng rau và bò thịt ƯDCNC cũng gặp vướng mắc. Ngoài khó khăn về chính sách hỗ trợ, hạ tầng phục vụ sản xuất cũng chưa bảo đảm, việc bao tiêu sản phẩm của nông dân còn hạn chế. Vì vậy, nhiều nông dân chưa “mặn mà” tham gia HTX để thực hiện nông nghiệp ƯDCNC.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Minh Trung, UBND tỉnh cần rà soát lại các chính sách hỗ trợ để áp dụng cho từng địa bàn, địa phương; tăng mức hỗ trợ về mô hình; nhanh chóng đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất; phải có nhiều mô hình điểm để người dân tham quan, học tập và xúc tiến thương mại, tìm kiếm các nhà đầu tư bao tiêu sản phẩm của nông dân. Có như vậy, đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC mới thành công, đi vào sản xuất, góp phần ổn định, phát triển KT-XH địa phương./.

"Gần 2 năm triển khai thực hiện, Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện lớn nên ngành gặp một số khó khăn, nhất là thực hiện các mô hình điểm. Một số chính sách hỗ trợ chưa phù hợp, thấp hơn so với nhu cầu. Ngành sẽ tổng kết, báo cáo, tham mưu các giải pháp cụ thể với UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét, sửa đổi cho phù hợp. Tin tưởng, với những nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương liên quan, đề án này sẽ thành công, đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu, phát huy thế mạnh sản phẩm của từng vùng trong tỉnh".

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích