Phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện
Trao đổi cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc cho biết: "Một trong các chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ huyện là tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiệu quả theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới".
Sản xuất thanh long theo hướng công nghệ cao
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm được xác định có các sản phẩm chủ lực: Quê Mỹ Thạnh, Bình Lãng, Đức Tân, Mỹ Bình,... Từ đó, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và nông dân, từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, tăng giá trị sử dụng trên đơn vị diện tích đất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống dân cư nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Bình - nông dân ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh, cho biết: "Để tạo nên vùng lúa chất lượng cao, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ nông dân các khâu trong quá trình sản xuất. Từ đó, chúng tôi không lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong trồng lúa, hoa màu, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, từng bước góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân".
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Đoàn Văn Hoàng: Để cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Huyện ủy Tân Trụ ban hành Nghị quyết số 07 về phát triển nông nghiệp ƯDCNC, trong đó, chọn 3 cây (lúa, rau, thanh long) và 1 con (con bò), phấn dấu đến năm 2020, trên địa bàn huyện có 4 sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh trên thị trường gồm: Lúa, rau an toàn sinh học, thanh long theo tiêu chuẩn GAP và bò thịt.
Theo đó, huyện sẽ có 250ha lúa sản xuất ƯDCNC theo quy trình "7 bước" về giống, môi trường sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; 20ha thanh long sản xuất CNC, tập trung tại các xã: Đức Tân, Quê Mỹ Thạnh,...
Hiện nay, huyện đang sản xuất thí điểm 2ha thanh long theo hướng CNC, theo tiêu chuẩn GAP, sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác, tưới phun kết hợp với nhỏ giọt và hệ thống chiếu sáng thông minh cho thanh long ra hoa trái vụ; cải tạo đàn vịt giống chất lượng cao, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phấn đấu đến năm 2020, mỗi năm có từ 10-12 triệu con giống bán ra thị trường; phát triển đàn bò thịt theo hướng nâng cao giá trị, ứng dụng công nghệ lai tạo giống, tổ chức hình thức chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa,...”.
Tập trung nguồn lực, tạo đầu ra sản phẩm ổn định
Để thực hiện tốt công tác quy hoạch, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị trên lĩnh vực nông nghiệp, Tân Trụ rà soát, bổ sung quy hoạch, đầu tư cho các vùng, cụm nông nghiệp ƯDCNC, trước mắt cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của huyện: Lúa chất lượng cao, thanh long ruột đỏ, bò siêu nạc, vịt giống siêu thịt,...
Sàn xuất lúa theo hướng công nghệ cao
Ông Lê Văn Thành - nông dân ấp 3, xã Tân Phước Tây chia sẻ: “Gia đình tôi chăn nuôi bò được hơn 3 năm, tôi có 3 con bò cái sinh sản và 5 con bò lứa. Tôi tận dụng nguồn thức ăn cho bò từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây bắp và cỏ. Tuy nhiên, giá bò thịt không ổn định khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, nhất là những người nghèo phải vay vốn để đầu tư nuôi bò. Tôi được biết, con bò thịt là một trong nhóm các sản phẩm ƯDCNC, hy vọng, Nhà nước tìm được đầu ra sản phẩm ổn định giúp nông dân an tâm phát triển kinh tế gia đình”.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc: "Để có nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC, UBND huyện đang thực hiện các chính sách: Đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành nông nghiệp bảo đảm đủ khả năng tiếp thu, truyền đạt kiến thức và vận hành tốt những công nghệ mới nhằm chuyển giao cho nông dân ứng dụng phù hợp với điều kiện của từng vùng. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng đến những nội dung ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ yêu cầu phát triển: Giao thông, điện, thủy lợi nội đồng,..."./.
Song Hồng