Tiếng Việt | English

13/02/2016 - 06:30

Đến thăm Đền Hùng trở về cội nguồn dân tộc

Đền Hùng là di tích lịch sử văn hóa được nhà nước xếp hạng đặc biệt Quốc gia. Nơi đây thờ phụng các vị Vua Hùng đã có công gây dựng nên nhà nước Văn Lang tồn tại qua 18 đời, trong thời kỳ này là buổi sơ khai hình thành nên một nước Văn Lang độc lập. Dân tộc Việt Nam từ đây phát triển trải qua hàng ngàn năm đến bây giờ. Di tích Đền Hùng trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Việt nói riêng, văn hóa phương Đông nói chung và được UNESCO công nhận là một trong những kỳ quan văn hóa phi vật thể của loài người cần được bảo tồn và phát triển.



Dù ai đi ngược về xuôi nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng ba.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

Bảo tồn xây dựng Di tích Đền Hùng

Tỉnh Phú Thọ là địa bàn trung tâm của nước Văn Lang xưa, là nơi các vua Hùng đóng đô và dựng nước. Bác Hồ trong một lần về thăm Đền Hùng đã nói với các chiến sĩ Đại Đoàn quân tiên phong "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước."

Quần thể di tích dền Hùng gồm có:

Khu vực Núi Hùng (núi Cả) nơi đây thờ phụng thần Núi, thờ các Vua Hùng và vợ con, cùng các tướng lĩnh gồm: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng (đỉnh núi), lăng Hùng Vương, Cột đá thề, đền Giếng nước, chùa Thiên Quang thờ phật theo phái Đại Thừa.

Khu vực đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên núi Vạn, tên chữ là Ốc Sơn.

Khu vực đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân xây dựng ở đồi Sim.

Khu vực bảo tàng Hùng Vương xây dựng trên đồi Công Quán. Nơi đây trưng bày lưu giữ hàng ngàn hiện vật khảo cổ học góp phần nghiên cứu, tìm hiểu thời đại các vị Vua Hùng và nhà nước Văn Lang cổ. Tất cả đều tọa lạc tại xã Hy Cương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cách thủ đô Hà Nội khoảng 60km.

Tỉnh Phú Thọ được sự đầu tư của Trung ương và hỗ trợ của cả nước đã quan tâm xây dựng quần thể đền Hùng xứng tầm là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Tất các các công trình đều được sửa sang, chỉnh tu tạo thuận lợi cho khách đến thăm, viếng. Hàng năm vào ngày 10-3 (Âm lịch) nhất là các năm chẵn (năm có số 0 và số 5 phía sau) thì các tỉnh được chọn sẽ cử một đoàn về cùng với tỉnh Phú Thọ làm lể tổ chức cúng viếng Vua Hùng đây là nét truyền thống văn hóa của người Việt được nâng cấp thành nghi lễ Quốc gia, các năm lẻ thì tỉnh Phú Thọ tự tổ chức.


Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng

Ngoài ý nghĩa về lịch sử thì khu vực đền Hùng có điều kiện tự nhiên và hệ thảm thực vật sinh thái rất phong phú, khí hậu ôn hòa thể hiện tài trí của người Việt xưa biết chọn vùng đất phong thủy để lập nước.

Nơi đây có nhiều hồ, suối và còn lưu giữ được các loài sinh vật quý hiếm. Có 205 loài trong đó có nhiều loài gỗ quý như: Lim xanh, vù hương, chò chỉ, lát hoa... có 192 loài cây có thể làm thuốc. Nhà nước quy hoạch rừng Quốc gia đền Hùng diện tích 481ha, trong đó có rừng nguyên sinh núi Nghĩa Lĩnh 19ha. Khu vực đền Hùng có 175 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Bói cá lớn, ác là, tê tê và nhiều loài rắn... Nhà nước đầu tư đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai ngang qua đền Hùng tạo thuận lợi cho du khách viếng thăm.

Vài nét lịch sử Khu di tích Đền Hùng

Theo truyền thuyết thời kỳ "Hùng Vương dựng nước", các vua Hùng rất cân nhắc, thận trọng khi chọn kinh đô vì một nước phải có kinh đô làm nơi hội tụ 4 phương và mở mang bờ cõi. Vua đến một nơi thấy trước mắt hội tụ 3 con sông lớn là sông Lô, sông Thao và sông Đà tụ hội, hai bên có núi Tản Viên và núi Tam Đảo chầu về, đồi núi gần xa, khe ngòi quanh quất. Giữa những quả đồi xanh thấy có một ngọn núi nổi lên đột ngột như con voi mẹ nằm giữa đàn con. Bốn phía thấy bãi rộng, phù sa bồi đắp vừa trùng điệp, vừa quanh co, uốn khúc, bốn mặt cây xanh, hoa tươi quả ngọt. Địa thế có rộng mà phẳng, có hẹp mà sâu.

Vua cả mừng khen đây thực là nơi đất tụ họp muôn dân đủ hiểm để giữ, có thế để mở, thế đất vững bền có thể dựng nước muôn đời. Vua Hùng đặt kinh đô ở đó gọi là thành Phong Châu nay thuộc TP.Việt Trì và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.


Thăm Đền Hùng là nhớ về Tổ tiên.

Đền Hùng được đặt trên núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi núi Hùng, núi Hy Cương tên gọi cổ nhất là núi Cả. Nơi đây tương truyền các vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng tiến hành các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng phồn thực nông nghiệp của người Việt Cổ, hình thành sơ khai nền nông nghiệp lúa nước và chăn nuôi, cầu cho mưa nắng thuận hòa, muôn dân no ấm, hạnh phúc.

Cổng đền Hùng được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917) đến nay đã được sửa sang hoành tráng. Qua khỏi cổng đền đến Đền Hạ được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) do người dân xây dựng, tương truyền Đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ sinh hạ 100 trứng nở 100 người con, nghĩa Đồng Bào cũng bắt nguồn từ đây. Cạnh Đền Hạ có nhà bia ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Đền Hùng vào ngày 19-9-1954: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước".

Chùa Thiên Quang được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ XIII-XIV) ngôi chùa xây dựng theo kiến trúc phái Đại Thừa. Các pho tượng được làm bằng gỗ mít, sơn, khắc tinh xảo. Trước chùa Thiên Quang có cây Vạn Tuế 3 ngọn, có tuổi đời trên 800 năm.

Đền Trung tên chữ là "Hùng Vương Tổ Miếu" nghĩa là đền thờ Tổ Hùng Vương. Tương truyền nơi đây là nơi thi thố để Vua chọn ngôi kế vị. Nơi đây xuất hiện Lang Liêu vị vua sáng tạo ra bánh chưng, bánh dầy. Đền Trung được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIV, sau đó bị giặc Minh tàn phá, nhân dân xây dựng lại, đến thời nhà Nguyễn (thế kỷ XVIII) Đền Trung chính thức xây dựng với kiến trúc chữ nhất, có ba gian. Đến năm 2009 được nhà nước trùng tu to đẹp, khang trang. Đền còn thờ hai nàng công chúa là Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái vua Hùng thứ 18.


Bàn thờ các vị Vua Hùng.

Đền Thượng (đỉnh núi) tên chữ "Kinh Thiên Linh Điện" nghĩa là Điện thờ trời trên núi Nghĩa Linh. Tương truyền ngày xưa vua Hùng làm lễ tế trời đất trên đỉnh núi mong trời thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh. Xưa kia trong đền có thờ một hạt lúa to, câu chuyện Hạt lúa thần thể hiện sự mong muốn mùa màng tốt tươi, nhân dân ấm no. Vào thời Trần thế kỷ XV đền được xây dựng trải qua các triều đại phong kiến Đền Thượng đều có tu sửa.

Đặc biệt, thời nhà Nguyễn, Đền Hùng luôn được quan tâm tu sửa. Đến năm 2008, nhà nước xây dựng và tu sửa lại đồng bộ và khang trang kiến trúc theo kiểu chữ Vương có ba cấp là nghi môn-đại bái (cấp 1)-tiền tế (cấp 2)-hậu cung(cấp 3). Hậu cung là nơi thâm nghiêm bên trong có 4 bàn thờ, ở ba ban thờ chính diện có Long Ngai và bài vị thờ được đặt trong khám thờ. Du khách đến viếng chỉ thắp nhang và khấn vái không được chụp ảnh bên trong bàn thờ.

Ngoài 3 ngôi đền như đã kể trên, Đền Hùng còn có địa danh Cột Đá Thề là nơi thờ tự của nước. Các vị vua thường đến đây thề bảo vệ non sông, bờ cõi của tổ tiên. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm thấy hai cột đá cổ vào năm 1968, vị trí phía trước Đền Thượng. Năm 2003 cột đá được trùng tu kiểu dáng như cũ, năm 2009 được tôn tạo lại bằng chất liệu đá bán quý.

Lăng Hùng Vương được đặt bên trái Đền Thượng. Tương truyền là mộ của Vua Hùng Vương thứ VI, trước khi chết Vua nói rằng: Khi ta chết hãy chôn ta trên đỉnh núi để ta trông coi bờ cõi. Vua Lê Hiển Tông (1715-1786) khi thăm viếng Đền Hùng có thơ dịch: "Nước cũ Văn Lang mở-Vua đầu tiên Việt xưa-Mười tám đời tiếp nối-Ba sông hợp một bờ-Mộ tổ trên đỉnh núi-Đền thiêng non tỏ mờ-Dân chúng chăm thờ phụng-Khói hương mãi tận giờ."

Đền Giếng, từ lăng mộ Hùng Vương xuống Đền Giếng khoảng 700 bậc đá, nơi đây các nàng công chúa con vua Hùng thường soi gương, nhằm tưởng nhớ công đức hai nàng quan tâm giúp dân trồng lúa nước nhân dân xây dựng Đền để tưởng nhớ. Năm 2010, Đền Giếng được doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh trùng tu với số vốn 28 tỷ đồng.


Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.

Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây dựng vào năm 2009 đúng vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu nhằm tưởng nhớ công ơn các bậc thủy tổ đã có công khai thiên, lập quốc. Tương truyền: Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh 100 trứng nở ra 100 người con, là tổ tiên của Bách Việt. Bên cạnh Đền thờ Đức Quốc Tổ là hệ thống ao, hồ được xây dựng rất đẹp mô phỏng theo văn hóa trống đồng Đông Sơn.

Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, được xây dựng trên núi Vạn thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Tương truyền khi mẹ Âu Cơ kết duyên cùng cha Lạc Long Quân thì về Đền Hạ sinh ra bọc 100 trứng, sau nở thành 100 con là nguồn gốc của cộng đồng người Việt, nghĩa Đồng Bào. Sau khi mẹ Âu Cơ mất (vào ngày 25 tháng chạp) thì người dân tưởng nhớ công lao xây dựng Đền thờ mẹ Âu Cơ tại đây. Đền thờ Tổ Mẫu được khánh thành vào ngày 18-1-2005./.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết