Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh
Từng là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Khu di tích lịch sử (DTLS) Cách mạng tỉnh (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ) là nơi ghi dấu những năm tháng hoạt động cách mạng của Tỉnh ủy Long An. Chiến tranh đi qua, căn cứ năm nào nay trở thành di tích cấp quốc gia, được đầu tư xây dựng vừa mang ý nghĩa tái hiện lịch sử đấu tranh của quân và dân Long An, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh
Khu DTLS Cách mạng tỉnh với tổng diện tích 98,25ha, trong đó, phần diện tích xây dựng là 20,2ha với tổng kinh phí đầu tư gần 183 tỉ đồng. Hiện nay, khu di tích cơ bản hoàn thành những hạng mục về hạ tầng kỹ thuật, đền tưởng niệm, nhà khách - nhà truyền thống; một số cụm di tích gốc;...
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khu vực này là căn cứ của Tỉnh ủy Chợ Lớn và Khu 7. Trong thời điểm phong trào cách mạng tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn sau Hiệp định Geneve, đây là nơi tập trung những cán bộ chính trị, quân sự ưu tú của Đảng, nơi bảo tồn, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của tỉnh. Có thể nói, nơi đây chính là chiếc nôi cách mạng - nơi đầu tiên trong khu vực Trung Nam bộ hình thành lực lượng vũ trang sau Hiệp định Geneve để làm công tác vũ trang tuyên truyền trong điều kiện Trung ương chưa cho phép đấu tranh vũ trang. Tháng 7/1957, Xứ ủy thành lập tỉnh Long An trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn.
Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh là nơi ghi dấu những năm tháng hoạt động cách mạng của Tỉnh ủy Long An
Với kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tỉnh ủy Long An đã chọn nơi đây làm căn cứ địa để lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong từng thời kỳ với những điều kiện khó khăn và thuận lợi khác nhau, Tỉnh ủy Long An đã linh hoạt, cơ động trong địa bàn huyện Đức Huệ ngày nay, có lúc phải tạm lánh sang Ba Thu, có lúc phát triển về Đức Hòa, Bến Lức và vùng hạ. Tuy nhiên, nơi mà Tỉnh ủy Long An và các cơ quan trực thuộc chọn làm căn cứ hoạt động lâu nhất chính là khu vực giồng Ông Bạn, xã Bình Thành (nay thuộc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ).
Từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo, đề ra những chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo phong trào cách mạng ở tỉnh nhà cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Thành tích đáng tự hào với 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của nhân dân Long An đã được tạo nên dưới sự lãnh đạo của Đảng từ "địa chỉ đỏ" này.
Ngày nay, Khu DTLS Cách mạng tỉnh trở thành "địa chỉ đỏ" quen thuộc của các thế hệ học sinh, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ hôm nay.
Bí thư Huyện đoàn Đức Huệ - Huỳnh Văn Thắng bộc bạch: “Được biết có 26.183 liệt sĩ của tỉnh và những người con trên mọi miền đất nước hy sinh trên đất Long An được vinh danh trên các tấm bia. Sự hy sinh của thế hệ cha ông lớn quá! Vì hòa bình, độc lập hôm nay mà biết bao người hy sinh, vì vậy, thế hệ trẻ chúng ta phải trân quý và phát huy bằng những việc làm thiết thực nhất. Những chuyến về nguồn của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh tại Khu DTLS Cách mạng tỉnh trong thời gian qua giúp người trẻ hiểu sâu thêm về căn cứ, truyền thống đấu tranh anh dũng cũng như sự lãnh đạo của Đảng lèo lái con thuyền cách mạng đến bến bờ vinh quang”.
Có thể nói, Khu DTLS Cách mạng tỉnh là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân Long An thật ý nghĩa đối với người dân Bình Hòa Hưng nói riêng và thế hệ hôm nay, mai sau nói chung.
Di tích Tổng Thận - trụ sở công khai của tỉnh ủy Tân An
Nhà Tổng Thận (số 4, đường Ngô Quyền, phường 1, TP.Tân An) là DTLS cấp tỉnh, đây là trụ sở công khai của Tỉnh ủy Tân An trong những ngày đầu xây dựng chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tháng 7/1941, quân Nhật tràn vào miền Nam Đông Dương, Hiệp ước Pháp - Nhật được ký kết, Đông Dương đặt dưới quyền đô hộ của phát xít Nhật. Đến Tân An, Nhật chiếm Trường Nam - Nữ tiểu học Tỉnh lỵ (nay là Trường THCS Nhựt Tảo và Tiểu học Võ Thị Sáu), bộ chỉ huy của chúng đóng ở Trại Cưa, Bến Tàu và nhà Tổng Thận. Tại đây, chúng xây thêm phía trái ngôi nhà lớn một dãy 3 căn làm nơi giam giữ những người yêu nước hoạt động cách mạng.
Di tích Nhà Tổng Thận - trụ sở công khai của Tỉnh ủy Tân An sau Cách mạng tháng Tám - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và thắng lợi liên tiếp dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Tân An mà trực tiếp là các đồng chí: Nguyễn Văn Hoằng, Nguyễn Văn Trọng, Lê Minh Xuân,...
Đêm 20 và sáng ngày 21/8/1945, Xứ ủy Nam kỳ họp Hội nghị mở rộng lần thứ 2 và 3 tại Chợ Đệm, quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh của Xứ ủy về chỉ đạo khởi nghĩa tại Tân An, tuy nhiên chưa đến nơi bỗng nghe tin đàng thổ dậy. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phán đoán chớp thời cơ hành động. Đến 15 giờ ngày 21/8/1945, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng,... về tay cách mạng. Chính quyền lâm thời trưng dụng nhà Tổng Thận và hoạt động công khai. Phiên họp đầu tiên vào chiều tối ngày 22/8/1945 đã diễn ra tại đây.
Tại hội nghị này, Tỉnh ủy lâm thời biểu quyết bổ sung, phân nhiệm về nhân sự Đảng và chính quyền. Sau đó, Ban Chấp hành Đảng bộ đã bắt tay làm việc ngay ngày 02/9/1945. Nửa đầu tháng 9/1945, Hội nghị lần 2 diễn ra tại đây nhằm hợp nhất các quận ủy, trả tự do cho phần lớn công chức chế độ cũ. Cuối tháng 9/1945, Hội nghị lần 3 được tổ chức để chuyển hướng nhiệm vụ chiến lược từ xây dựng sang củng cố bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày nay, TP.Tân An nỗ lực bảo quản, phát huy giá trị, tạo điều kiện cho du khách, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh đến tìm hiểu, tham quan. Bí thư Chi đoàn phường 1 (TP.Tân An) - Trần Thị Kim Nhi chia sẻ: “Những năm qua, đoàn viên, thanh niên phường đăng ký thực hiện các phần việc tôn tạo, dọn vệ sinh. Di tích cũng đón nhiều đoàn đến tham quan. Chúng tôi tự hào khi trên địa bàn phường có những DTLS gắn liền với quá trình hoạt động của Tỉnh ủy Tân An và mốc son Cách mạng Tháng Tám”.
Khu DTLS Cách mạng tỉnh và Nhà Tổng Thận là nơi gắn liền với những sự kiện, quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những “địa chỉ đỏ” được giữ gìn không chỉ thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước mà còn giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần tô điểm, làm sáng thêm truyền thống yêu nước của mỗi người dân Long An./.
Trà Long