Sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng, thí sinh (TS) bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển từ 1/8. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Nếu các năm trước chỉ có 5 khối thi truyền thống thì năm nay có khoảng 15 tổ hợp môn thi phổ biến mà nhiều trường cùng sử dụng, chưa kể một số tổ hợp khác được một số ít trường áp dụng. Việc xác định một ngưỡng điểm duy nhất cho tất cả các tổ hợp môn thi là một cải tiến quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét tuyển và đảm bảo chất lượng chung”.
Ông Ga cũng lý giải, nếu chọn quá nhiều ngưỡng ở mỗi tổ hợp sẽ phức tạp, không cần thiết. Hội đồng đã chọn một ngưỡng điểm trung gian của tất cả các tổ hợp, vì có những tổ hợp mà điểm trung bình lên đến 18, nhưng cũng có những tổ hợp ở mức 14 - 15 điểm.
Từ 1/8, các thí sinh căn cứ vào điểm sàn để nộp hồ sơ dự tuyển
Theo thống kê của Bộ, năm nay lượng bài thi đạt từ 5-7 điểm chiếm tỷ lệ lớn. Bởi vậy, các trường tốp giữa sẽ có nguồn tuyển dồi dào, trường tốp trên càng dễ tuyển sinh hơn với số TS đạt điểm cao nhất. Những ngành điểm đầu vào cao thì vẫn dao động từ 23-24 điểm, điểm mức khá là từ 19-22 điểm và thấp hơn từ 15- 17 điểm.
Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT lại nhận định: “Điểm sàn năm nay tương đối thấp so với phổ điểm mà Bộ GD-ĐT công bố. Có thể đây là một giải pháp mà Bộ đưa ra để tạo nguồn tuyển sinh cho các trường đại học tốp giữa và cuối. Tuy vậy, việc thuận lợi và quá an toàn cho các trường sẽ đẩy “khó” về cho các thí sinh”.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT khẳng định: “Năm 2015, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH ở các trường trên cả nước khoảng 400.000. Trong đó, có khoảng 350.000 chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các trường sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển, và khoảng 50.000 chỉ tiêu dành cho các trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT.
Với mức “điểm sàn” này, có hơn 530.000 TS có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15 điểm. Vì thế không quá ngại việc các trường thiếu nguồn tuyển.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM, cũng chia sẻ, Bộ chỉ xem xét trên dữ liệu kết quả thi của thí sinh cả nước để tính toán số thí sinh dôi ra so với ngưỡng điểm tối thiểu. Nhưng trên thực tế, khó có thể tính toán được chính xác khả năng di chuyển của thí sinh giữa các vùng, miền. Vì thế, khả năng thiếu nguồn tuyển cũng có thể xảy ra đối với một số trường ở các vùng khó khăn, thiếu sức hút.
Trong cuộc chiến cam go này, ông Bùi Văn Ga đưa ra lời khuyên đối với TS: Để tránh may rủi, TS phải tìm hiểu thông tin cẩn trọng. TS nên biết, đợt 1 các trường tuyển được phần lớn chỉ tiêu, khoảng 70% chỉ tiêu.
Vì thế, trong xét tuyển đợt 1 thí sinh phải theo dõi thường xuyên thống kê của các trường vì đây là những thông số rất quan trọng để biết mình có khả năng trúng tuyển hay không và phải rút hồ sơ nộp trường khác nếu thấy không an toàn. Nếu thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển không đúng trường phù hợp với khả năng trúng tuyển thì dễ gặp rủi ro, “điểm cao vẫn trượt”.
Nếu rớt đợt 1 TS còn 3 giấy báo kết quả thi xét tuyển và TS có thể nộp cùng một lúc nên lượng ảo là rất lớn. Vì vậy, từ đợt 2 trở đi, không thể khống chế được nữa. Thí sinh nên biết về điều này và thật cẩn trọng khi nộp đơn xét tuyển./.
Nguyễn Hằng/Báo Tiếng nói Việt Nam