Năm 2018, bức tranh sản xuất nông nghiệp của tỉnh Long An được điểm xuyết nhiều gam màu tươi sáng. Nông dân rất phấn khởi trước những kết quả ấn tượng về sản lượng lúa (trên 2,7 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao đạt 1,3 triệu tấn). Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 4,88%, ba lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đều tăng. Chương trình đột phá của tỉnh về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung thực hiện; công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các chương trình liên kết trong sản xuất nông nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả.
Trong niềm phấn khởi đó, nông dân bước vào vụ Đông Xuân 2018-2019 với kỳ vọng về vụ mùa bội thu, được giá. Thế nhưng, khi bước vào vụ thu hoạch, nông dân khu vực Đồng Tháp Mười rất lo lắng khi năng suất lúa thấp, giá bán giảm mạnh so cùng kỳ, thương lái thì “ậm ừ” không tích cực thu mua. Trong khi đó, ở các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, người trồng mía cùng chung số phận. Mía đến kỳ thu hoạch không có thương lái thu mua, giá thấp, nông dân lỗ nặng. Một số diện tích vì không muốn lỗ thêm tiền công thu hoạch, chủ ruộng đã chặt phá, đốt bỏ mía để vệ sinh ruộng.
Điệp khúc “được mùa - rớt giá”, “đến mùa dội chợ” luôn là nỗi buồn, lo lắng canh cánh của nhà nông nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Điều đó cho thấy sự liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) chưa thật sự khắng khít, chặt chẽ. Nhà băng cung ứng nguồn vốn, nhà khoa học chuyển giao khoa học - kỹ thuật, Nhà nước chỉ đạo sản xuất, tạo điều kiện về hạ tầng (trạm bơm điện, thủy lợi, đê bao lửng,...) đã có nhiều cố gắng trong tạo nguồn vốn, tổ chức gieo sạ đồng loạt, ứng dụng công nghệ cao nhưng khâu tiêu thụ (nhà doanh nghiệp) còn phụ thuộc nhiều vào thị trường, mang yếu tố may rủi, nằm ngoài khả năng của nhà nông. Thời gian qua, tỉnh có nhiều hoạt động liên kết cung - cầu như tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III năm 2018 và Lễ công bố Logo thương hiệu gạo Việt Nam nhằm quảng bá sản phẩm nông nghiệp, nhất là lúa gạo Việt Nam đến với bạn bè trong, ngoài nước. Tuy nhiên, lượng nông sản hàng hóa của tỉnh rất lớn, cần có chiến lược xuất khẩu hợp lý. Mặt khác, chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đã mang lại hiệu quả bước đầu, cần tiếp tục thực hiện sâu hơn, mạnh hơn.
“Phi thương bất phú” là kinh nghiệm của tiền nhân, có thể ứng dụng trong nền nông nghiệp hàng hóa. Muốn bán được hàng hóa, liên kết “4 nhà” cần được nâng chất cao hơn để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, an toàn, giá thành thấp, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh quan tâm đến nguồn vốn, hạ tầng, khoa học - kỹ thuật, cần đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, nông sản để họ mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch, định hướng nông dân sản xuất phù hợp để tránh điệp khúc buồn “được mùa - rớt giá”./.
Kim Quy