Tiếng Việt | English

12/02/2024 - 09:30

Dinh dưỡng miễn dịch

Tổ chức Y tế thế giới WHO đã định nghĩa “Sức khỏe là sự lành mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần chứ không chỉ đơn thuần là vô bệnh, vô tật”.

Ảnh minh họa

Đại dịch Covid-19 cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của hệ thống miễn dịch trong cơ thể mỗi người để chống lại bệnh dịch. Tại sao hai người cùng dương tính với virus SARS CoV2 nhưng một người không có triệu chứng lâm sàng sốt, ho, khó thở,… thời gian sau thử lại âm tính, còn người kia bệnh nặng phải nằm phòng cách ly, thậm chí thở máy và nặng hơn là tử vong,… Chính vì người thứ nhất có chế độ dinh dưỡng khoa học, có sức đề kháng tốt để chiến thắng bệnh tật. Ai có hệ miễn dịch tốt thì chỉ trong một thời gian ngắn, cơ thể tự tiêu diệt virus và khỏi bệnh. Phản ứng của hệ miễn dịch càng nhanh thì hiệu quả tiêu diệt virus càng cao, giảm tổn hại do virus gây ra cho cơ thể.

Miễn dịch là trạng thái mà cơ thể đề kháng với các bệnh do nhiễm vi sinh vật. Cơ thể có được khả năng này là nhờ hệ thống miễn dịch có chức năng ngăn ngừa nhiễm mới vi sinh vật và loại bỏ các vi sinh vật đã nhiễm. Miễn dịch tự nhiên là khả năng của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh từ môi trường. Khi có tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể, phản ứng tự nhiên của cơ thể là loại trừ tác nhân lạ đó để bảo vệ cơ thể.

Áp dụng nguyên tắc đó, các nhà khoa học đã tìm ra vắc-xin giúp nâng cao khả năng kháng bệnh. Khi chủng ngừa, hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện vắc-xin là vật lạ sẽ tiêu diệt và ghi nhớ chúng, từ đó tạo được trí nhớ miễn dịch. Về sau, nếu có tác nhân gây bệnh thật xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tấn công, tiêu diệt tác nhân gây bệnh nhanh chóng và hiệu quả để bảo vệ cơ thể.

Dinh dưỡng là việc ăn uống để cơ thể có đủ năng lượng hoạt động. Sinh viên dược đã được học kiến thức về hấp thu, chuyển hóa, thải trừ các chất trong các bài dược lý lâm sàng. Dinh dưỡng miễn dịch là cách ăn uống khoa học để cơ thể nâng cao khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Các yếu tố ảnh hưởng tới chức năng của hệ thống miễn dịch bao gồm sự căng thẳng, giấc ngủ và chế độ dinh dưỡng. Cần có một chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ các chất protein, vitamin và khoáng chất,… giúp tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng. Người suy dinh dưỡng sẽ dễ mắc bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus vì thế phải bổ sung hợp lý các chất dinh dưỡng. Trẻ sơ sinh chưa thể tự hình thành kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh, hệ miễn dịch còn non nớt nên khuyên dùng sữa mẹ chứa nhiều kháng thể IgG. Hoạt động của hệ miễn dịch cũng bị suy giảm theo tuổi tác, người cao tuổi là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao.

Muốn có hệ miễn dịch khỏe mạnh cần một bộ máy tiêu hóa khỏe mạnh để hấp thu tốt các chất bổ dưỡng. Trong trái thơm có chứa bromelain, trong nhựa đu đủ chứa papain, trong kiwi có actidin, trong nhựa cây sung có chứa ficin, đây là các men thực vật có đặc tính phân hủy thịt (protein) nên được ứng dụng trong đời sống làm mềm thịt, trong dược học làm thuốc chữa đầy hơi, khó tiêu hoặc dùng cho người bị cắt túi mật. Vì vậy, ăn tráng miệng bằng thơm hay đu đủ giúp dễ tiêu.

Trẻ biếng ăn cũng khuyên dùng thơm khi chế biến món ăn cho trẻ để cung cấp men tiêu hóa là enzyme alpha amylase và papain kích thích vị giác, giúp ăn ngon. Tuy nhiên, thơm và đu đủ không được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân loét dạ dày tá tràng, loét miệng,… chống chỉ định với người xạ trị ung thư miệng do phân hủy niêm mạc dạ dày, miệng.

Các dược liệu chứa nhiều tinh dầu giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Trong tỏi có allicin satyvum kháng virus cảm lạnh, catechin trong trà ngăn ngừa bệnh cảm cúm, tinh dầu thông đỏ giàu vitamin thiết yếu tốt cho người đang điều trị ung thư.

Ảnh minh họa

Để cơ thể có hệ miễn dịch khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật, chúng ta cần ngủ đủ giấc, có chế độ ăn uống nhiều chất béo lành mạnh như trong dầu oliu, cá hồi có chứa Omega 3, cần bổ sung vitamin một cách thông minh, uống đủ nước, tập thể dục vừa sức và đều đặn, kiểm soát căng thẳng và giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Hậu dịch, nhiều công ty sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phát triển, các nhà nghiên cứu dược đã đưa ra thị trường những sản phẩm có IgG chiết xuất từ sữa bò non giúp tăng sức đề kháng, các trường đại học khối y tế đào tạo bác sĩ dinh dưỡng, dược sĩ lâm sàng có kiến thức biết tính liều lượng và hướng dẫn sử dụng từng loại sản phẩm tùy theo theo thể trạng và trên từng đối tượng để nâng cao sức khỏe mọi người, phòng chống bệnh tật. Đây là một tin vui cho những ai quan tâm đến chất lượng sống.

Chúc mọi người có kiến thức dinh dưỡng tốt để sống vui, khỏe, hạnh phúc và trường thọ./.

DSCKII. Lý Thị Nhất Định

Chia sẻ bài viết