Tiếng Việt | English

13/07/2022 - 16:11

Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát thực tế tại VWS

Ngày 12/7, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội - Nguyễn Tuấn Anh làm trưởng đoàn đến làm việc, khảo sát thực địa về việc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý chất thải sinh hoạt tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS).

Ông David Dương đang thuyết trình quy trình tiếp nhận rác với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Nguyễn Tuấn Anh

Tại cuộc làm việc, Tổng Giám đốc VWS - David Dương giới thiệu quá trình hình thành, phát triển của VWS; trình bày về mô hình cấu tạo lớp lót đáy bãi chôn lấp Đa Phước cũng như quy trình xử lý, tái chế rác thải của công ty. Sau đó, Đoàn công tác đi khảo sát thực tế, tìm hiểu quy trình xử lý rác thải tại đây.

Ông David Dương cho biết, công suất tiếp nhận rác tại VWS là 10.000tấn/ngày, hiện lượng rác trung bình đang tiếp nhận từ 6.000 - 6.500tấn/ngày. “Chúng tôi trở về quê hương với tâm thế của người con xa quê muốn đóng góp, xây dựng quê nhà nên luôn chọn những công nghệ mới để ứng dụng vào xử lý rác thải. Bên cạnh hoạt động xử lý từng chủng loại rác phù hợp, tạo ra giá trị kinh tế,… quan điểm của chúng tôi là làm sao để bảo vệ môi trường, đem lại sức khỏe tốt cho người dân”, ông David Dương nói.

Đoàn kiểm tra tìm hiểu quy trình thu gom và xử lý nước rỉ rác

Đó cũng là lý do để ông David Dương mong muốn triển khai dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An. Ông David Dương thông báo với Đoàn về việc thực hiện chủ trương của Chính phủ và là đơn vị được Bộ Xây dựng chọn làm nhà đầu tư chính thức của dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh tại Long An để xử lý rác cho TP.HCM, Long An và 8 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Đến nay, chúng tôi đang gặp khó khăn vướng mắc do quy trình thẩm định quy hoạch của tỉnh kéo dài. Chúng tôi vẫn đang chờ phản hồi của tỉnh để tiếp tục triển khai dự án theo kế hoạch đã định”, ông David Dương nói.

Lãnh đạo VWS cũng nêu những khó khăn về chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại các nhà máy xử lý chất thải. Cụ thể, thành phần rác chưa qua phân loại tại nguồn có độ ẩm rất cao, với thành phần rác sinh hoạt chiếm đến 80%, nếu sử dụng công nghệ đốt hoàn toàn sẽ tốn nhiều chi phí; giá xử lý rác theo công nghệ đốt cao, chưa phù hợp với ngân sách và điều kiện kinh tế của thành phố hiện nay; khó khăn cho nhà đầu tư lựa chọn công nghệ và hướng đầu tư phù hợp theo giá bán điện thấp và giá xử lý rác thấp phù hợp với nền kinh tế; rác cần xử lý, chế biến, tái chế, các sản phẩm phù hợp chủng loại rác và mang lại lợi ích cao cho xã hội; đốt rác phải chọn lựa công nghệ các nước tiên tiến để bảo đảm về nguồn khói thải về lâu dài, không gây ô nhiễm môi trường.

Đoàn kiểm tra tìm hiểu hệ thống bể chứa nước rỉ rác và xưởng phân Compost

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Nguyễn Tuấn Anh, cho biết, qua thực tế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng, đoàn nhận thấy công ty về cơ bản đã chấp hành bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, chuyển đổi công nghệ, đáp ứng các điều kiện, quy định mới của Luật.

“Đối với dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh tại Long An, là đại biểu Quốc hội của Long An, tôi sẽ có văn bản trả lời công ty trong thời gian sớm nhất. Qua thực tế tại nhiều địa phương, công tác xử lý rác thải tại VWS là mô hình bảo vệ môi trường, xử lý rác thải đạt chuẩn theo chất lượng bảo vệ môi trường”, ông Tuấn Anh đánh giá./

Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước được xây dựng từ năm 2006 và chính thức đi vào hoạt động từ 01/11/2007. Ông David Dương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) – Việt kiều Mỹ đã đầu tư dự án theo lời kêu gọi Việt kiều về nước tham gia xây dựng, phát triển đất nước của Chính phủ Việt Nam. Đây cũng là dự án đầu tiên về xử lý rác được hình thành và phát triển theo hình thức xã hội hóa vào thời điểm đó.

Hiện tại, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đang hoạt động và mỗi ngày tiếp nhận, xử lý hơn 5.000 tấn rác cho TP.HCM, chiếm 75% tổng khối lượng rác của toàn thành phố. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích