Chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ, 5 năm qua, lực lượng TN trong tỉnh tích cực tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường. Quyền Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh - Võ Trần Tuấn Thanh cho biết, 5 năm qua, thông qua Chiến dịch TN tình nguyện hè hàng năm, các cấp hội trong tỉnh tổ chức phối hợp thực hiện sửa chữa, nâng cấp, xây mới 77 cầu, 193km đường giao thông nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; thực hiện thắp sáng hơn 100km đường giao thông nông thôn; làm cột cờ đoạn đường dài 5,2km; tham gia dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy trên 182km; trồng hơn 45.000 cây xanh các loại, tạo cảnh quan thông thoáng, góp phần bảo vệ môi trường, chống lại biến đổi khí hậu.
Đoàn viên, thanh niên trồng cây bảo vệ môi trường
Diện mạo nông thôn Châu Thành khởi sắc như hôm nay có phần đóng góp tích cực của lực lượng TN trên địa bàn huyện. Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN huyện Châu Thành - Trần Mạnh Hùng cho biết: “Để huyện đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới như hiện nay, thời gian qua, các cấp hội trong huyện đồng loạt tổ chức ra quân trồng hàng ngàn cây hoàng yến, trang đỏ; thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trên các tuyến đường thông qua các phong trào Ngày Thứ bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, Ngày không túi nylon,…”.
Theo Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN TP.Tân An - Hà Ngọc Diệp, để thành phố cơ bản đạt các tiêu chí về xây dựng đô thị loại II, thời gian qua, lực lượng TN trên địa bàn triển khai, thực hiện hiệu quả các phong trào: Góc phố xanh, vỉa hè sạch; Tuyến đường TN tự quản sáng, xanh, sạch, đẹp; mô hình Ánh sáng an ninh, trật tự, Camera an ninh; đồng thời, tổ chức cho đoàn viên, hội viên TN tham gia vệ sinh khu phố, tháo gỡ các bảng quảng cáo, rao vặt trái phép, giữ gìn vẻ mỹ quan đô thị.
Cùng với chung tay xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh, thời gian qua, lực lượng TN trong tỉnh còn tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, nhất là chăm lo, tặng quà, học bổng cho thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa. “5 năm qua, Ủy ban Hội LHTNVN tỉnh chủ động phối hợp trao tặng 250 suất học bổng, hơn 1.400 phần quà cho học sinh và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, trị giá hơn 500 triệu đồng; thực hiện chương trình Thắp sáng ước mơ, tặng 25 chiếc xe đạp, 16.500 quyển tập, 100 bộ quần áo cho học sinh, trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, Ủy ban Hội LHTNVN tỉnh còn tổ chức 465 cuộc sinh hoạt thiếu nhi với trên 36.000 thanh, thiếu nhi tham gia; 12 lớp với hơn 2.100 thanh, thiếu nhi tham gia giáo dục truyền thống, kỹ năng sống; gần 400 hoạt động văn hóa - văn nghệ, hội thao, bóng đá, bóng chuyền với hơn 85.300 thanh, thiếu nhi tham gia” - anh Võ Trần Tuấn Thanh thông tin.
Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp
Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ TN lập thân, lập nghiệp được các cấp bộ hội trong tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú, góp phần giúp hội viên, TN có việc làm ổn định, nâng cao nguồn thu nhập. Theo Trưởng ban Công tác TN Tỉnh đoàn - Phạm Văn Hậu, 5 năm qua, Ủy ban Hội LHTNVN tỉnh phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức sàn giao dịch tư vấn việc làm cho TN định kỳ hàng tháng, thu hút đông đảo đoàn viên, TN tham gia. Ủy ban hội cấp huyện phối hợp các trung tâm giới thiệu việc làm, trường dạy nghề tư vấn cho hơn 114.000 lượt TN, học sinh tham gia; giới thiệu cho 9.800 TN có việc làm ổn định và có 51 TN xuất khẩu lao động sang nước ngoài; tổ chức được 72 cuộc tập huấn với hơn 5.500 TN nông thôn tham gia phát triển kinh tế gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Hoạt động hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp được các cấp bộ hội trong tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú (Trong ảnh: Mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá của anh Cao Phú Khánh ở xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa)
Nổi bật nhất trong hoạt động khởi nghiệp, hàng năm, các cấp bộ hội phối hợp chặt chẽ Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện cần thiết cho hội viên, TN mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đến nay, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội do Đoàn TN phụ trách hỗ trợ TN vay phát triển kinh tế là 346.115 tỉ đồng. “Từ hiệu quả hoạt động hỗ trợ TN lập thân, lập nghiệp góp phần tích cực vào công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo của tỉnh. Qua các phong trào, chương trình hỗ trợ vay vốn, xuất hiện nhiều mô hình TN làm ăn hiệu quả: Mô hình nuôi bò sữa của anh Nguyễn Thanh Phong ở xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An; nuôi ếch kết hợp nuôi cá của anh Cao Phú Khánh ở xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa; trồng rau sạch Tâm Nông Việt của anh Đinh Bạt Quy ở xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc; trồng ớt ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Duy Thanh ở xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa...” - anh Phạm Văn Hậu chia sẻ.
Cuối năm 2017, anh Đinh Bạt Quy, quê tỉnh Nghệ An, từ bỏ công việc ở một đơn vị Viễn thông tại TP.HCM, về ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc trồng rau, quả nhằm thỏa niềm đam mê làm nông nghiệp. Vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Quy sớm thành công với mô hình dưa lưới sạch. Mặc dù là thế hệ 9X nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, có chiến lược hoạch định kinh tế triển vọng, anh được tín nhiệm giữ chức Giám đốc Hợp tác xã Tâm Nông Việt.
Anh Quy thổ lộ: “Ban đầu trồng dưa lưới, tôi gặp khó khăn nhiều lắm! Ngoài thiếu kỹ thuật canh tác còn thiếu nguồn vốn đầu tư, nhưng nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ chức Đoàn nên tôi sớm vượt qua, ổn định cuộc sống. Mục tiêu phấn đấu của chúng tôi là quyết tâm đến cuối năm nay, mở rộng diện tích lên 2ha nhà màng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và trực tiếp xuất sản phẩm ra nước ngoài”.
Từ lòng đam mê nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Duy Thanh, ngụ ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, từ bỏ nghề kỹ sư cơ khí, về quê trồng ớt. Theo anh, sở dĩ quyết định từ bỏ nghề kỹ sư, về quê trồng ớt là vì trong quá trình học tập, nghiên cứu trên giảng đường đại học, anh rất tâm đắc với quy trình sản xuất nông nghiệp theo công nghệ tiên tiến Israel. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ này, nhiều nông dân làm ăn hiệu quả với nhiều loại nông sản đạt chất lượng vượt trội, có thể tham gia xuất khẩu.
Thanh niên vượt khó khởi nghiệp
Khi bắt tay vào khởi nghiệp, anh Thanh gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng nhờ có sự giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình của bạn bè, tìm hiểu thêm kỹ thuật từ sách, báo và Internet nên chàng TN 8X sở hữu tấm bằng loại giỏi thuộc chuyên ngành Cơ khí của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đã thành công sau hơn 4 năm theo đuổi nghề trồng ớt sừng vàng châu Phi. Anh chia sẻ: “Trung bình 1ha đất nông nghiệp, tôi trồng 12.000 cây ớt. Sau 3 tháng chăm sóc, ớt cho thu hoạch, sản lượng đạt 30-40 tấn/vụ (mỗi năm 2 vụ), bán với giá bình quân 20.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi còn lãi gần 500 triệu đồng”. Hiện nay, anh Thanh khẩn trương triển khai xây dựng nhà lưới trồng thổ canh ớt với mong muốn xây dựng một dây chuyền khép kín từ đồng ruộng đến bàn ăn; tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng với năng suất, sản lượng cao, góp phần đưa nông sản Việt vào thị trường khó tính.
Con đường khởi nghiệp bao giờ cũng nhiều gian nan, thách thức nhưng với lòng đam mê, chịu khó, sáng tạo của tuổi trẻ cuối cùng cũng gặt hái được những “quả ngọt”. Cuộc sống thật sự ổn định, TN mới có thêm điều kiện tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, chung tay xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc./.
Trong 2 ngày 16 và 17/8/2019, Đại hội Đại biểu Hội LHTNVN tỉnh lần thứ VI (nhiệm kỳ 2019-2024) chính thức được diễn ra tại Hội trường Thống Nhất UBND tỉnh. Long An vinh dự được Ủy ban Trung ương Hội LHTNVN chọn làm điểm tổ chức đại hội cấp tỉnh cụm Sông Tiền (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh và Vĩnh Long). Đây là sự kiện sinh hoạt chính trị sâu, rộng, góp phần đánh giá một cách toàn diện kết quả sau 5 năm hoạt động của Hội LHTNVN tỉnh; làm rõ ưu, khuyết điểm, nguyên nhân, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2019-2024. |
Phong Nhã