Khách hàng giao dịch tại Hội sở Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Trong một thông điệp mới đây về lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, định hướng chung của năm 2016 là sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định như năm 2015, dư địa để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất xuống nữa là rất khó.
Vấn đề đang được đặt ra là các doanh nghiệp đón nhận thông tin này ra sao và ứng phó thế nào với diễn biến này?
Lãi suất khó giảm thêm
Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, năm 2016 không loại trừ khả năng rất khó kiểm soát lạm phát ở mức dưới 5%, bởi theo đánh giá dư địa để giảm giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là dầu thô còn rất ít, thậm chí còn có chiều hướng tác động ngược trở lại chút ít.
Mặt khác các mặt hàng thuộc diện nhà nước hỗ trợ cũng phải điều chỉnh, cũng như áp lực tăng trưởng kinh tế 6,7% thì lạm phát có chiều hướng khó trong kiểm soát.
Thống đốc khẳng định, mặt bằng lãi suất hiện nay được cho là rất phù hợp với định hướng lâu dài là làm sao duy trì lạm phát ở mức dưới 5%. Do đó, dư địa để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất xuống nữa là rất khó. Nếu giảm bây giờ có thể đạt được trong ngắn hạn những sẽ ảnh hưởng tới lâu dài.
Trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước duy trì ổn định lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động bằng VND, kết hợp điều chỉnh giảm trần lãi suất USD, đảm bảo duy trì chênh lệch hợp lý giữa lãi suất VND và USD.
Để tạo điều kiện giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND, các tổ chức tín dụng trên cơ sở nhu cầu vốn của thị trường cân đối điều chỉnh giảm lãi suất cho vay so với trần quy định; điều tiết thanh khoản của các tổ chức tín dụng hợp lý để tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3-0,5% so với cuối năm 2014 (lãi suất ngắn hạn giảm khoảng 0,3%/năm, trung và dài hạn giảm khoảng 0,3-0,5%), đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2011.
Cùng với đó, lãi suất huy động giảm khoảng 0,2-0,5%/năm và hiện ở mức tương đối thấp nhưng lòng tin vào đồng Việt Nam tiếp tục được củng cố.
Thống đốc cũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2015 nhiều áp lực tăng lãi suất bởi tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng rất mạnh, hiện tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2015 đạt xấp xỉ 18% trong khi tốc độ huy động vốn chỉ có hơn 13%.
Để đảm bảo tăng trưởng tín dụng thì đòi hỏi huy động vốn rất nhiều, trong khi phải dành nguồn vốn rất lớn hỗ trợ cho trái phiếu Chính phủ, cũng như phải đứng trước biến động của tỷ giá.
“Để ổn định tỷ giá thì phải tăng lãi suất nhưng chúng ta đã kiên quyết ưu tiên giữ ổn định mặt bằng lãi suất, tạo đà phục hồi kinh tế, phát triển cho các doanh nghiệp. Chúng ta đã làm thành công việc ổn định tỷ giá trong thời gian vừa qua,” Thống đốc khẳng định.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn và tiền tệ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho rằng diễn biến lãi suất trong năm 2016 còn tùy thuộc vào mặt bằng lãi suất ở những sản phẩm, kỳ hạn cụ thể.
Theo như Thống đốc phát biểu thì khả năng điều hành hạ mặt bằng lãi suất trong năm 2016 có thể khó. Mặt khác, cũng để đảm bảo lạm phát mục tiêu mà Quốc hội đưa ra trong năm 2016 ở mức 5% thì mức lãi suất hiện nay cũng ở mức tương đối phù hợp.
Vẫn hợp lý với doanh nghiệp
Giám đốc Ban Nguồn vốn và tiền tệ BIDV phân tích, thực tế trong năm 2015 vừa qua tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng khá tốt, kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, cụ thể là GDP hết năm công bố ở mức 6,68% là cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Đó là diễn biến cho thấy kinh tế có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
“Nếu xu hướng này tiếp tục diễn biến thuận lợi thì nhu cầu vay và tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2016 này có thể tiếp tục ở ngưỡng 16-18%, ngưỡng này tôi cho rằng sẽ làm cho mặt bằng lãi suất ít nhất duy trì ở mức đi ngang. Nếu việc đòi hỏi để tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta giảm lãi suất trong thời gian tới thì tôi nghĩ rằng nó cần phải có dịch chuyển sâu hơn, đây là chủ đề khá dài mà chúng ta cần thảo luận thêm,” ông Đỗ Ngọc Quỳnh nói.
Còn ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng-Miền Trung (DMT) cho hay, để ứng phó linh hoạt với sự biến động về tỷ giá, lãi suất, doanh nghiệp đã có sự tính toán và lên kế hoạch vay vốn từ trước.
Ở thời điểm hiện tại, những khoản vay lớn lên tới hàng chục tỷ đồng của công ty đang dựa vào các chương trình hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, các quỹ đầu tư và các ngân hàng thương mại. Do đó, chỉ những khoản vay nhỏ mới chịu tác động từ biến động lãi suất.
Ông Hải cũng khẳng định, với tình hình hiện nay, mức lãi suất hiện tại là tương đối hợp lý, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ cơ cấu lại các khoản vay theo những điều kiện hợp lý nhất dựa vào sự thương lượng và cam kết với ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Anh, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu chè ở Hà Nội cho biết, nếu lãi suất giảm thêm nữa thì doanh nghiệp sẽ có thêm vốn rẻ và sẽ giảm được giá thành sản phẩm. Như thế có nghĩa doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội cạnh tranh về giá cả.
Đã làm kinh doanh thì lãi suất càng thấp càng có lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên, với lãi suất như hiện nay đã là thấp so với trước kia.
“Trong năm 2016 nếu lãi suất hạ được nữa thì càng tốt, còn nếu không hạ thì doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng nhiều, điều lo ngại hơn cả là lãi suất tiếp tục tăng,” ông Đức Anh cho hay.
Trong khi đó, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận định, 2016 vẫn là năm khó khăn với nhiều áp lực; trong đó có áp lực từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặc dù năm 2015 kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng đó chỉ là bề nổi, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vấn đề nội tại vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc chưa được giải quyết triệt để.
Cụ thể, độ thẩm thấu từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa nhiều, khả năng hỗ trợ về tài chính còn hạn hẹp.
Ông Cao Sỹ Kiêm cũng nhận định, mặt bằng lãi suất hiện nay tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao khi so sánh với các nước trong khu vực.
Do đó, giải pháp cho các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay là được “cởi bỏ” các rào cản liên quan đến cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có thể tự nâng cao năng lực cạnh tranh./.
Hiền-Quỳnh/Vietnam+