Tiếng Việt | English

02/09/2017 - 18:24

Đôi điều về thư pháp Haiku Việt

Ngày nay, Haiku vượt ra phạm vi của đất nước mặt trời mọc để trở thành thể thơ có nhiều ảnh hưởng trong nền thi ca nhân loại.

Ở nước ta, từ lâu, Haiku trở thành lối thơ quen thuộc không chỉ đối với giới nghiên cứu văn chương, với độc giả nhiều thế hệ mà còn đối với những người sáng tác. Những tương đồng và dị biệt, những mảng màu sắc tiếp biến đa dạng ở Việt Nam trở thành những cơ hội để việc thưởng lãm Haiku có những bước đột phá. Đáng chú ý trong số đó là việc thể hiện Haiku qua nghệ thuật thư pháp chữ Việt.

Thơ Haiku: Shiki 
Thư pháp: Ngẫu Thư 

(Mê bướm/ đứa bé hành hương/ lùi lại cuối đường)

Thư pháp chữ Việt dần đi vào đời sống nghệ thuật của nước ta với nhiều đóng góp nhất định. Không chỉ đơn thuần là “viết chữ đẹp”, thư pháp Việt còn hàm chứa ý nghĩa là phương thức để thể hiện tâm chí, khí lực của người dụng bút.

Đặc biệt, như một tất yếu, mối quan hệ vốn có tự ngàn xưa giữa thơ và họa mà ngày nay thư pháp còn có thể trở thành thư họa. Điều này xảy ra khi một số tranh thư pháp thường được trình bày kèm hình ảnh minh họa, hay người viết cố ý viết chữ thành một hình ảnh trừu tượng nhất định,...

Với một thể thơ kiệm chữ như Haiku cho phép mỗi độc giả quyền năng thỏa sức “đồng sáng tác” cùng tác giả khi có thể “thoải mái” cắt nghĩa những tầng lớp vô ngôn vô cùng tận được ẩn giấu trong ba dòng thơ ngắn gọn. Và thư pháp Việt là một lối đọc riêng có. Như một ngã rẽ của sự đọc, hình thức thư pháp Haiku Việt cho thấy những tiềm năng lớn đang dần được khơi mở trong quá trình khám phá và tiếp nhận Haiku của một đối tượng độc giả đặc biệt - các nhà thư pháp.

Có thể nói, mối quan hệ giữa Haiku Việt và thư pháp Việt vẫn còn là câu chuyện dài của thời gian phía trước. Tuy vậy, với những thành tâm và nhiệt huyết của những người trong cuộc, cùng sự cổ vũ nồng nhiệt của giới mộ điệu, tin rằng, thư pháp Haiku Việt trong tương lai sẽ có nhiều thành công hơn nữa.

Trần Xuân Tiến (Trường Đại học Văn Hiến)

Chia sẻ bài viết