Tiếng Việt | English

10/07/2017 - 11:11

Đổi đời nhờ “BAT”

Không còn làm thuê hay cõng thuốc lá lậu, một số người dân ở xã biên giới Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ chuyển đổi nghề và làm ăn hiệu quả. Sự “đổi đời” hôm nay nhờ vào đồng vốn nghĩa tình từ dự án “BAT”.

“BAT” là một phần của Dự án “Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo” do Công ty TNHH BAT Việt Nam ủy thác Báo Hà Nội Mới thực hiện với mục đích góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo, từng bước ổn định cuộc sống cho người nghèo và trợ giúp tích lũy vốn để phát triển kinh tế. Hiện nay, có 5 tỉnh, thành phố được ủy thác nguồn vốn từ dự án BAT: Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Trị, TP.HCM và Long An.

Cơ hội chuyển nghề

“Đang ăn cơm với gia đình, có người gọi đi cõng mướn thuốc lá cũng phải bỏ chén, đũa để đi. Nghề này mà, khi gọi phải đi liền, chớ không mất mối. Mỗi lần chồng tôi đi, chừng nào thấy bình an trở về nhà, tôi mới thở phào nhẹ nhõm” - chị Nguyễn Thị Dương, 42 tuổi, ngụ ấp 3, xã Mỹ Quý Đông kể lại những khó khăn, nguy hiểm của chồng khi làm nghề cõng mướn thuốc lá lậu.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ dự án BAT để nuôi bò, gia đình chị Nguyễn Thị Dương cải thiện cuộc sống

Đó là câu chuyện của trước kia. Bây giờ, vợ chồng chị Dương chuyển nghề chăn nuôi heo, bò. 5 năm trước, thay vì lặn lội mỗi ngày cuốc bộ gần 10km cõng mướn thuốc lá từ ấp 3 ra bến đò Ba Dồn thì bây giờ, ngày 2 buổi sáng, chiều, vợ chồng chị cùng ra đồng cắt cỏ mang về cho bò ăn. So với nghề cũ, cõng thuốc mướn, chăn nuôi vừa đỡ vất vả, vừa không nguy hiểm, chỉ cần có vốn và chí thú làm ăn là được.

Chồng chị Dương, anh Hà Văn Gai kể tiếp: “Hồi còn cõng thuốc mướn, chuyện bị công an, bộ đội biên phòng rượt bắt xảy ra như cơm bữa. Mỗi lúc như vậy, phải bỏ thuốc lá, cố chạy thoát thân. Công việc nguy hiểm nhưng tiền công nhận về chẳng bao nhiêu, chỉ hơn 20.000 đồng/chuyến. Một ngày kiếm được hơn 100.000 đồng. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy, hồi đó, mình liều quá!”.

Chính vì thiếu vốn sản xuất, một số người dân ở xã Mỹ Quý Đông như anh Gai phải chọn con đường tiếp tay cho buôn lậu dù không muốn làm. Vì thế, cách đây 3 năm, khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã cho mượn 10 triệu đồng từ dự án BAT, anh từ giã nghề cõng thuốc mướn, cùng vợ đầu tư nuôi heo. “Hai năm đầu, vợ chồng tôi nuôi heo có lời nên tích góp mua thêm bò. Bây giờ, đàn heo còn hơn 10 con, tuy rớt giá nhưng còn đàn bò 3 con bù lại. Tính ra, 3 năm nay, tôi bán 3 con bò với giá hơn 30 triệu đồng. Cùng với 8.000m2 đất ruộng trồng tràm và lúa, cuộc sống cũng tạm ổn” - chị Dương chia sẻ.

Cũng như vợ chồng chị Dương, bà Võ Thị Beo, ngụ ấp 5, xã Mỹ Quý Đông, bỏ nghề cõng thuốc mướn khi nhận đồng vốn nghĩa tình từ dự án BAT. Đó là năm 2012, bà được vay 10 triệu đồng làm vốn chăn nuôi gà, vịt. Sau một thời gian, bà chuyển qua nuôi bò. Hiện tại, đàn bò của bà có 4 con. Nhờ có vốn và chăn nuôi hiệu quả, gia đình bà thoát nghèo vào năm 2014.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Huệ - Nguyễn Thị Rê thông tin: “Đức Huệ là huyện duy nhất của tỉnh được dự án BAT hỗ trợ với tổng nguồn vốn 200 triệu đồng do Hội LHPN huyện quản lý. Từ nguồn vốn này, hội chuyển giao lại cho Hội LHPN xã Mỹ Quý Đông. Hiện, có 20 hộ mượn số vốn này, mỗi hộ 10 triệu đồng và hoàn lại vào cuối năm, không tính lãi. Là xã biên giới, Mỹ Quý Đông có nhiều người tiếp tay cho buôn lậu nên hội chọn nơi đây để hỗ trợ vốn nhằm giúp những người này chuyển nghề”.

Nhận về “quả ngọt”

Ngoài chuyển đổi nghề, không còn tiếp tay cho buôn lậu, sau 5 năm thực hiện dự án, qua khảo sát của Hội LHPN huyện, xã, hầu hết các hộ được mượn nguồn vốn này để sản xuất đều đạt hiệu quả, dần ổn định cuộc sống. “Quả ngọt” hôm nay nhờ vào đồng vốn, cách làm hiệu quả mà khi trao tay, Hội LHPN xã Mỹ Quý Đông luôn theo sát việc sử dụng và định hướng cây, con để sản xuất phù hợp. Và, trong số 20 hộ đang mượn vốn, có 2 hộ buôn bán nhỏ, 18 hộ chăn nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình.

Quán nhỏ của gia đình chị Vương Thị Ánh Tuyết từ đồng vốn hỗ trợ của dự án BAT

Nếu không thất bại trong lúc làm kinh tế, có lẽ, cuộc sống gia đình bà Vương Thị Ánh Tuyết, ngụ ấp 4, xã Mỹ Quý Đông khá giả hơn với tiền lương giáo viên của chồng. Nhưng, sau lần ấy, kinh tế gia đình sụt giảm trong khi vợ không việc làm, 2 con còn đi học. Thấy thế, Hội LHPN xã cho mượn 10 triệu đồng từ dự án BAT để bà Tuyết mở quán nhỏ buôn bán. “Thu nhập từ quán để phụ chồng trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học” - bà Tuyết nói.

Cũng chọn con đường buôn bán từ khi tiếp cận vốn BAT, cuộc sống gia đình chị Lâm Thị Bé Lẫm, ngụ ấp 5, xã Mỹ Quý Đông ngày càng khấm khá. Từng làm nghề cõng thuốc mướn nhưng khi nhận được 10 triệu đồng, vợ chồng chị Lẫm bỏ nghề, chuyển sang buôn bán cá ở chợ. Mỗi sáng, vợ chồng chị dậy sớm, khi thì đến chợ gần xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, lúc thì đi huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh lấy cá về bán. Một buổi bán cá tại chợ, vợ chồng chị kiếm lời hơn 200.000 đồng. So với cõng thuốc mướn, buôn bán cũng cực khổ vì thức khuya, dậy sớm nhưng thu nhập ổn định, an toàn và có thời gian trông nom, chăm sóc con nhỏ. “Cũng từ tiền lời bán cá, vợ chồng tôi dành dụm mua thêm trâu về nuôi để tăng thu nhập” - chị Lẫm tâm sự.

Có thể nói, dự án BAT mang đến “quả ngọt”, góp phần “đổi đời” cho những phụ nữ khó khăn vùng biên giới. Ngoài niềm vui vì cuộc sống dần cải thiện, họ còn vui hơn khi được kiếm tiền bằng sức lao động chính đáng và lương thiện./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết