Hiện nay, mọi người, mọi nhà tất bật chuẩn bị chào đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Khí thế hối hả làm việc, sản xuất, mua bán khiến nhiều người quên đi, thiếu cảnh giác với đại dịch Covid-19.
Thời gian qua, dịch Covid-19 cơ bản được khống chế nhưng vẫn chưa thực sự kết thúc, diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, chưa ổn định. Các biến thể, biến thể phụ của virút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, trong đó, biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron đã xuất hiện ở 70 quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đã gây các đợt bùng phát dịch mới ở nhiều quốc gia trên thế giới. Do vậy, nếu chúng ta không tăng cường các biện pháp phòng, chống thì nguy cơ dịch bệnh trong nước vẫn có khả năng xuất hiện, có thể làm cho tình hình phức tạp trong thời gian tới, nhất là các hoạt động giao thương, du lịch, lễ hội dịp Tết Nguyên đán và mùa Xuân năm 2023.
Hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy một số người khi tham gia giao thông hay ở chỗ tập trung đông người không còn duy trì thói quen đeo khẩu trang. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vắc-xin không đồng đều ở các địa phương và các đối tượng,... vẫn là những nguyên nhân tiềm ẩn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.
Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội Xuân năm 2023, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2023.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, nhất là Bộ Y tế thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế; kịp thời phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch, bảo đảm sẵn sàng và kịp thời ứng phó với các diễn biến có thể xảy ra của dịch bệnh. Chủ động giám sát, phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng và hạn chế xảy ra các trường hợp chuyển nặng, tử vong, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.
Các cấp, các ngành cần tăng cường thông tin, truyền thông, khuyến cáo người dân chủ động tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và dự phòng cá nhân như đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên khử khuẩn, rửa tay sạch,... Lưu ý tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân tự bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới.
Đặc biệt, các địa phương tập trung chỉ đạo và thúc đẩy công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19; thường xuyên rà soát để bảo đảm các nhóm nguy cơ, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch,... được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Từ yêu cầu tình hình phòng, chống dịch, các cấp, ngành cần quan tâm thực hiện nghiêm quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết; chuẩn bị cho nhân dân đón tết an lành, mạnh khỏe, vui tươi, phấn khởi, không để ai bị bỏ lại phía sau; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh. Chú trọng thực hiện thông điệp "2K" (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, trong đó đặc biệt coi trọng việc tiêm vắc-xin và ý thức của người dân.
Tết Cổ truyền sẽ mở đầu cho năm mới với mong ước bình an, khỏe mạnh, hạnh phúc, thành công đến với tất cả mọi người, mọi nhà. Do vậy, vui xuân, đón tết vui tươi, phấn khởi luôn gắn liền với sức khỏe, an lành. Cả hệ thống chính trị và mọi người phải đề cao việc an toàn sức khỏe và an toàn giao thông; trong đó, cần đặc biệt lưu ý phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần vui xuân không quên phòng dịch./.
Tân An