Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở và phát hiện một số lượng lớn hàng nhập lậu
Phát hiện nhiều vụ kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng
Sau thời điểm mở lại các cửa khẩu, hoạt động BL qua biên giới trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng. Hàng hóa nhập lậu nhiều chủng loại như đường cát, quần áo, giày dép, sành sứ (chén, ly, dĩa), đồ gia dụng, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng nhập lậu qua biên giới trên địa bàn huyện biên giới Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An tăng, diễn biến phức tạp.
Trên địa bàn huyện biên giới Đức Huệ, Thạnh Hóa, hoạt động BL thuốc lá tiếp tục được kiểm soát, chủ yếu hoạt động nhỏ, lẻ. Đối tượng BL lợi dụng đêm tối, các đường mòn, lối mở, chia nhỏ hàng hóa rồi mang, vác qua biên giới, sau đó tập kết, đưa lên xe ôtô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, đối tượng thuê người canh đường, cảnh giới rất chặt chẽ.
8 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát 3.863 lượt (tăng 708 trường hợp so cùng kỳ), phát hiện, xử lý 2.657 trường hợp vi phạm (tăng 762 trường hợp so cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước 71,2 tỉ đồng (giảm 35,8 tỉ đồng so cùng kỳ); xử lý, tịch thu 899.740 gói thuốc lá ngoại, 224,4 tấn đường cát, 43,5 tấn quần áo, 2,8 tấn trái cây, 272 chai rượu ngoại, 1.174 thùng bia, 1.200 cục nóng, lạnh máy điều hòa và nhiều hàng hóa khác; khởi tố điều tra 33 vụ/40 đối tượng có hành vi vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu, ma túy (giảm 44 vụ/45 đối tượng so cùng kỳ).
Qua phân loại, có 576 trường hợp vi phạm kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu (giảm 198 trường hợp so cùng kỳ); 2.030 trường hợp vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, 8 tháng năm 2022, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tăng so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng tăng, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây bức xúc dư luận và được cử tri quan tâm. 8 tháng năm 2022, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 51 vụ kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng (tăng 50% so cùng kỳ năm 2021 (51 vụ/26 vụ)). Cụ thể, 32 trường hợp vi phạm kinh doanh phân bón kém chất lượng (tăng 12 trường hợp so cùng kỳ); 19 trường hợp vi phạm kinh doanh phân bón giả (tăng 11 trường hợp so cùng kỳ).
Nắm chắc địa bàn, thị trường, xử lý nghiêm vi phạm
Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng công an triển khai quyết liệt các giải pháp về chống BL; củng cố, điều chỉnh phương án chống BL các địa bàn trọng điểm; rà soát, lập hồ sơ số đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây, tổ chức BL, buôn bán hàng cấm để có kế hoạch giám sát, đấu tranh,... Qua đó, kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều vụ BL, vận chuyển, buôn bán hàng cấm.
8 tháng năm 2022, lực lượng công an phát hiện, bắt 451 vụ tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Tang vật thu giữ: 744.244 gói thuốc lá ngoại, 39kg vàng, 280.925 USD, 1,566 tỉ đồng, hàng trăm tấn đường cát và một số hàng hóa khác trị giá trên 30 tỉ đồng; tạm giữ 77 xe ôtô, 179 xe môtô, 17 xuồng máy, lập hồ sơ xử lý 105 đối tượng.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh - Phạm Đức Chinh, lực lượng QLTT tổ chức kiểm tra 615 lượt, phát hiện, xử lý 322 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách 2,67 tỉ đồng, thu giữ 5.590 gói thuốc lá ngoại, 20.500kg đường cát, 4.240kg quần áo đã qua sử dụng, 2.150kg đồ gia dụng, 180 cục nóng và 150 cục lạnh máy điều hòa đã qua sử dụng, 180 bộ đồ thể thao, 120 hộp mỹ phẩm, hơn 15 tấn quần áo, vải, 3.000 đôi giày và một số hàng hóa khác trị giá khoảng 500 triệu đồng.
Lực lượng QLTT đã trình Chủ tịch UBND tỉnh xử lý 1 trường hợp sản xuất phân bón giả, vi phạm về nhãn và sản xuất phân bón không có giấy chứng nhận phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam với số tiền gần 400 triệu đồng và xử lý 2 công ty có liên quan với số tiền hơn 140 triệu đồng. Đồng thời, chuyển cơ quan công an truy cứu trách nhiệm hình sự 1 vụ kinh doanh phân bón giả, tang vật vi phạm là 31 bao phân bón giả nhãn hiệu.
Cùng với các ngành, Cục Thuế tỉnh đã ra quyết định kết luận xử lý sau thanh tra 1.502 doanh nghiệp. Tổng số tiền xử lý sau thanh tra 164,6 tỉ đồng. Thu nộp ngân sách 63,1 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như doanh nghiệp kê khai, xác định không đúng các căn cứ tính thuế theo quy định làm giảm số thuế phải nộp; kê khai khấu trừ đối với hàng hóa dịch vụ mua vào không tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những tháng cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đề nghị các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác dự báo tình hình và chủ động nắm giá cả thị trường, cung - cầu hàng hóa để có giải pháp phù hợp, kịp thời điều tiết khi thị trường có biến động, nhất là đối với mặt hàng xăng, dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và thuốc chữa bệnh trên người. Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, tạo khan hiếm gây bất ổn thị trường hoặc sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng đối với mặt hàng xăng, dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi.
Mặt khác, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp thanh, kiểm tra; các biện pháp nghiệp vụ, quản lý địa bàn, đối tượng; nắm phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng BL, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm,... để tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
"Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các lực lượng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với nhau. Qua đó, kịp thời nắm chắc thông tin về thị trường, giá cả hàng hóa, địa bàn, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động BL, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả để kiểm tra, có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả cao” - ông Phạm Đức Chinh cho biết./.
Lê Đức