Tiếng Việt | English

14/04/2021 - 18:54

Dòng chảy phương Bắc 2 – Quân bài tháo gỡ căng thẳng miền đông Ukraine?

Dòng chảy phương Bắc 2 – điểm nút trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương và căng thẳng Nga – Mỹ, có thể trở thành quân bài được đem ra đàm phán để tháo gỡ căng thẳng hiện nay ở miền đông Ukraine.

Dòng chảy phương Bắc 2 và tình hình miền đông Ukraine

Căng thẳng leo thang ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine và việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí từ Nga sang Đức là những vấn đề gây bất đồng nhất trong chính sách an ninh của châu Âu - Đại Tây Dương hiện nay. Mỗi vấn đề đều có những bế tắc riêng. Tuy nhiên, việc liên hệ 2 vấn đề này với nhau sẽ mở rộng không gian đàm phán và tạo cơ hội cho các bên liên quan, cũng như có thể dẫn tới một giải pháp nằm trong lợi ích của tất cả các bên.


Các đường ống dùng để thi công dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại cảng Mukran. Ảnh: Reuters

Nga hiện tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine, cáo buộc rằng Kiev tiến hành "không chỉ một mà là nhiều hành vi khiêu khích". Trong khi đó, Ukraine hối thúc Nga rút quân khỏi khu vực biên giới và chấm dứt những gì mà Kiev cho là “sự ngụy biện quân sự và thông tin sai lệch”. NATO và Mỹ cũng yêu cầu Nga chấm dứt tập trung binh lính gần biên giới với Ukraine và gọi tình hình hiện nay là "đáng quan ngại sâu sắc".

Những nỗ lực qua thỏa thuận Minsk và tiến trình của Bộ tứ Normandy (gồm 4 nước Đức, Pháp, Nga và Ukraine) nhằm giải quyết xung đột giữa các bên ở miền đông Ukraine đã thất bại.

Lệnh trừng phạt của Mỹ lên Dòng chảy phương Bắc 2 đã làm trì hoãn tiến độ thi công dự án này nhưng "cái gì cũng có cái giá của nó". Dự án đường ống dẫn khí này là nguồn cơn căng thẳng giữa Mỹ và Đức vào thời điểm mà mối quan hệ này cần được củng cố. Dĩ nhiên, các lệnh trừng phạt lên Dòng chảy phương Bắc 2 cũng làm sâu sắc thêm những rạn nứt trong quan hệ Nga - Mỹ.

Theo trang Atlantic Council nhận định, hướng tiếp cận mới khi liên kết 2 vấn đề trên với nhau có thể đem đến nhiều cơ hội. Do đó, Dòng chảy phương Bắc 2 có thể được sử dụng như một quân bài mặc cả để đảm bảo cho mục tiêu quan trọng hơn: Đó là giải quyết những căng thẳng leo thang hiện nay ở miền đông Ukraine.

Nga sẽ không làm ngơ nếu xung đột nổ ra ở miền đông Ukraine. Moscow sẽ không rút quân khỏi khu vực biên giới cho tới khi họ nhìn thấy những lợi ích từ hành động này. Vì thế, đặt Dòng chảy phương Bắc 2 lên bàn đàm phán có thể đem đến những khả năng thay đổi cục diện hiện tại.

Quân bài thay đổi tình hình miền đông Ukraine?

Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án quan trọng với Nga và Đức nhưng nó vẫn là một thỏa thuận chưa được hoàn tất mặc dù công trình đã hoàn thành được 95%. Thậm chí, nếu việc xây dựng có thể xong xuôi vào cuối năm nay như kế hoạch thì lệnh trừng phạt của Mỹ hồi tháng 12/2020 khi đi vào hiệu lực sẽ ngăn cản các công ty bảo hiểm và kiểm định tiến hành các thủ tục cần thiết để đường ống này thực sự đi vào hoạt động.

Gần đây, Nghị viện châu Âu cũng kêu gọi chấm dứt dự án này. Thậm chí, Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp cho rằng có thể chấm dứt dự án Dòng chảy phương Bắc như một cách phản ứng trước vụ đầu độc nhân vật đối lập Navalny.

Với những diễn biến trên, nhà quan sát Colin Cleary cho rằng Nga có thể sẽ đem việc chấm dứt tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine để đổi lấy việc đảm bảo thỏa thuận Dòng chảy phương Bắc sẽ tiếp tục được vận hành.

Dịch Covid-19 và giá năng lượng giảm đã gia tăng gánh nặng tài chính cho Nga. Tuy nhiên, chỉ riêng các lệnh trừng phạt sẽ không thể thuyết phục Nga rút khỏi miền đông Ukraine. Chỉ có việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2 có thể mới khiến Nga nhượng bộ bởi động thái này có thể được hiểu là một phần trong nỗ lực đưa đến mối quan hệ kinh tế bình thường hơn giữa Nga và phương Tây.

Mỹ từng nhiều lần phản đối Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, thời điểm đã quyết định tất cả. Nếu chính quyền cựu Tổng thống Trump thực sự nghiêm túc với việc chấm dứt Dòng chảy phương Bắc 2 thì nước này lẽ ra nên ngăn chặn dự án trên từ mùa hè năm 2017, khi mà dự luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) trở thành luật và việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn chưa bắt đầu. Mỹ đã bỏ lỡ thời điểm đó.

Cho tới tháng 12/2019, Quốc hội Mỹ đã thông qua lệnh trừng phạt bắt buộc liên quan đến các tàu thi công Dòng chảy phương Bắc 2. Công ty lắp đặt đường ống của Thụy Sĩ Allseas đã ngay lập tức rút khỏi dự án, nhưng vào thời điểm này, Dòng chảy phương Bắc 2 phần lớn đã được hoàn thành.

Trong khi đó, Nga yêu cầu Ukraine tôn trọng "tình trạng đặc biệt" với khu vực miền Đông nhưng điều đó chẳng khác nào phá hủy tư cách một quốc gia của Ukraine. Trừ khi điều gì đó được đặt lên bàn đàm phán, chẳng hạn như việc bật đèn xanh cho Dòng chảy phương Bắc 2 hay những triển vọng về kinh tế và thương mại cho Nga, nếu không thì điện Kremlin sẽ không nhượng bộ trong vấn đề này.

Nhà quan sát Colin Cleary, người từng là Giám đốc về Ngoại giao Năng lượng khu vực châu Âu trong Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định, thỏa thuận đem Dòng chảy phương Bắc 2 đổi lấy những mục tiêu ở Donbass sẽ phục vụ lợi ích của tất cả các bên. Nếu điện Kremlin từ chối đề nghị này, con đường "nhiều gậy, ít cà rốt" sẽ mở ra./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết