Người yếu thế là người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật hoặc gặp những điều không may trong cuộc sống. Họ là những người bất hạnh nhưng không đơn độc bởi có rất nhiều tổ chức, cá nhân luôn đồng hành cùng họ.
Bài 1: Người yếu thế và lưới an sinh xã hội
Thời gian qua, công tác trợ giúp các hoàn cảnh yếu thế như người khuyết tật, người nghèo, người cao tuổi, trẻ mồ côi,… luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Qua đó, góp phần giúp họ vượt qua khó khăn, sống có ích cho gia đình và xã hội, sớm hòa nhập cộng đồng.
Lưới an sinh xã hội
Với nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ học nghề miễn phí, tư vấn giới thiệu việc làm, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ các hoạt động vui chơi, giải trí,... góp phần giúp họ ổn định cuộc sống. Trong đó, chính sách trợ cấp thường xuyên được xem là lưới an sinh xã hội giúp các hoàn cảnh yếu thế trang trải một phần khó khăn trong cuộc sống.
Bà Trần Thị Phong Lập (SN 1941), ngụ ấp Tân Thanh B, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho biết: “Tôi lớn tuổi, có tật ở chân và bị thoái hóa cột sống. Hiện tại, tôi sống cùng 2 người con trai và 2 đứa cháu nội. Trong đó, một người con bị bệnh tâm thần, cháu nội đang đi học. Kinh tế gia đình dựa vào tiền làm thuê của người con trai thứ hai. Hàng tháng, nếu không nhờ số tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho người khuyết tật, gia đình tôi không biết phải xoay sở ra sao”.
Nhờ số tiền trợ cấp của nhà nước, bà Trần Thị Phong Lập có thể trang trải cuộc sống
Theo thống kê, năm 2017, toàn tỉnh có 50.801 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng với tổng số tiền trên 56,2 tỉ đồng. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - Hoa Thanh Niên cho biết: “Hàng năm, cùng với sự vươn lên của người yếu thế, ngành thực hiện trợ cấp kịp thời, đúng đối tượng theo quy định của Nhà nước thông qua bưu điện, lập và đưa các đối tượng bảo trợ xã hội không nơi nương tựa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ngoài ra, ngành còn trợ cấp đột xuất cho nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước cấp, ngành chủ động vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà,... cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Với những việc làm trên, chất lượng cuộc sống của cộng đồng và xã hội ngày càng nâng lên”.
Xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc là địa phương kịp thời đưa các chính sách bảo trợ xã hội đến đúng đối tượng. Xã còn chủ động xã hội hóa công tác chăm lo cho các hoàn cảnh yếu thế tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Công Danh cho biết: “Hiện, xã có 456 người được nhận trợ cấp thường xuyên, trong đó có 199 người khuyết tật. Hàng năm, UBND xã chỉ đạo, phối hợp các ngành, hội, đoàn thể thực hiện công tác rà soát, lập hồ sơ người khuyết tật, người cao tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp. Bên cạnh đó, xã còn vận động những người con xa xứ thành đạt tặng quà nhân các dịp lễ, tết cho các hoàn cảnh yếu thế trong cuộc sống. Đây cũng là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng xã văn hóa, nông thôn mới ở địa phương”.
Sớm hòa nhập cộng đồng
Không chỉ quan tâm tạo điều kiện cho người yếu thế được nhận trợ cấp thường xuyên của Nhà nước, các cấp, các ngành trong tỉnh còn tạo điều kiện cho người yếu thế sớm hòa nhập cộng đồng bằng các hoạt động hỗ trợ sinh kế.
Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh - Lý Hoài Phương cho biết: “Toàn tỉnh có khoảng 10 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của Hội Người mù, trong đó, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 60 hội viên, bình quân, mỗi hội viên có thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Hàng năm, Hội Người mù tỉnh phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mở lớp dạy đàn organ cho hội viên có năng khiếu. Sau khi học nghề, các học viên được giới thiệu việc làm ở các tiệc cưới, tiệc sinh nhật,... Đặc biệt, Hội Người mù tỉnh tạo điều kiện cho các gia đình hội viên vay vốn phát triển sản xuất”.
Là hội viên Hội Người mù tỉnh được học nghề đàn organ và học xoa bóp, bấm huyệt, anh Tân Khánh Định, ngụ phường 1, TP.Tân An, tâm sự: “Trước đây, tôi sống nhờ vào sự chu cấp của cha mẹ, ít tiếp xúc với những người xung quanh. Sau khi học nghề xoa bóp, bấm huyệt, tôi mạnh dạn hơn và có thể tự làm việc nuôi sống bản thân”.
Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật - nơi giúp trẻ kém may mắn hòa nhập cộng đồng
Năm 1993, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh được thành lập, giúp nhiều trẻ em khiếm thính sớm hòa nhập cộng đồng. Phó Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh - Trần Thanh Phong cho biết: “Hầu hết các em khiếm thính khi mới vào trường rất khó khăn trong giao tiếp, khi không bằng lòng việc gì, các em phản ứng rất gay gắt,... Do đó, mỗi thầy giáo, cô giáo ở đây phải hết lòng yêu thương, chia sẻ, dịu dàng và đồng cảm mới có thể giúp các em hòa nhập cộng đồng. Trường không chỉ chú trọng việc dạy kiến thức mà còn quan tâm đặc biệt đến việc dạy kỹ năng sống để các em có thể tự lập. Niềm vui và hạnh phúc của các giáo viên chính là nhìn thấy các em sau khi ra trường, học được nghề có thu nhập, tự nuôi sống bản thân”.
Với nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay, góp sức của toàn xã hội dành cho những hoàn cảnh yếu thế góp phần giúp họ vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội./.
Lê Ngọc
(còn tiếp)