Những ngày này, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hạn, xâm nhập mặn với mức độ gay gắt và tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. Chủ động ứng phó với ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp. Năm nay, Long An có khoảng 7.900 hộ dân bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn. Để hỗ trợ nông dân, tỉnh cấp 160 bồn trữ nước cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc huyện Cần Giuộc đang bị thiếu nước sinh hoạt. Lực lượng vũ trang cũng vận chuyển nước ngọt đến người dân các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ để phục vụ người dân. Cùng với việc hỗ trợ người dân nguồn nước sinh hoạt, các ngành chức năng theo dõi sát tình hình, cập nhật hàng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.
Bên cạnh những giải pháp trước mắt đồng hành với nông dân trong thời gian xảy ra hạn, xâm nhập mặn, ngành chức năng cần kéo các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho vùng bị ảnh hưởng. Kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hỗ trợ bồn trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng. Những ngày gần đây, đông đảo nhà hảo tâm và các nghệ sĩ đóng góp, kêu gọi hỗ trợ máy lọc nước cho người dân vùng hạn, mặn. Việc làm đó không chỉ chia sẻ khó khăn mà còn thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, hỗ trợ nông dân qua mùa hạn, mặn.
Để hỗ trợ nông dân, ngành chức năng cần khuyến cáo gieo sạ đúng lịch thời vụ để “né” hạn, mặn; chuyển đổi cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu và đặc điểm của từng địa phương. Đồng hành chống hạn, xâm nhập mặn nhằm giúp nông dân vùng hạn, mặn vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống./.
Bình Nguyên