Vượt lên hoàn cảnh
Nhìn vào cơ ngơi hiện tại của gia đình chị Nguyễn Thị Cưng (ấp Bình Tây, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), ít ai nghĩ trước đây chị từng là hộ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Những năm trước, thu nhập gia đình chị khá bấp bênh, phụ thuộc vào những đồng tiền ít ỏi từ làm thuê. Ngoài việc lo sinh hoạt phí hàng ngày, chị Cưng còn lo cho mấy đứa con ăn học nên cảnh “thiếu trước, hụt sau” diễn ra hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị Cưng là một trong những tấm gương tiêu biểu về khởi nghiệp
Đứng trước khó khăn, gia đình chị không khuất phục hay đầu hàng mà mỗi người đều cố gắng vượt lên hoàn cảnh. Trong một dịp tình cờ, chị Cưng bén duyên với việc nuôi thỏ thịt để bán. Lúc đầu, khi chuyển đổi mô hình chăn nuôi, chị gặp khá nhiều khó khăn từ con giống, quy trình, kỹ thuật chăn nuôi,... nên đôi lần thất bại. Nhìn những đồng tiền dành dụm dần dần “đội nón ra đi”, chị nuốt nước mắt vào trong và tự dặn lòng phải nỗ lực gấp đôi.
Khi chị nắm bắt được các quy trình, kỹ thuật chăn nuôi,... thì lại gặp khó khăn về vốn. Chị Cưng mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay ủy thác từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện. Nhờ đó, từ 2 cặp thỏ ban đầu, đến nay, gia đình chị có một trang trại thỏ với số lượng lên đến gần 1.000 con. Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận của gia đình trên 20 triệu đồng/tháng. Số tiền này đủ cho gia đình trang trải tất cả chi phí sinh hoạt, các con của chị cũng được học hành đến nơi, đến chốn, đều đậu đại học. Trang trại cũng hỗ trợ, tạo việc làm cho một vài hội viên phụ nữ tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Cưng cho biết: Khi quyết định chọn chăn nuôi thỏ bán thịt, gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng trên hết, các thành viên đều nỗ lực cùng với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện, xã nên gia đình đã vượt lên được hoàn cảnh. Hiện nay, trang trại cũng đang thử nghiệm mô hình thỏ rút xương để xuất khẩu. Hy vọng, mô hình thành công để kinh tế gia đình ngày càng phát triển và có thể hỗ trợ thêm một số chị em khác.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Tân Trụ - Lê Thị Hồng Thắm, thời gian qua, bằng những việc làm cụ thể, hội giúp nhiều chị em khởi nghiệp thành công. Đặc biệt là phát huy hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi ủy thác do Hội quản lý. Nguồn vốn mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các hội viên, giúp nhiều gia đình thiếu vốn có cơ hội mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Nguồn vốn do Hội quản lý được sử dụng đúng mục đích, giúp hộ vay cải thiện được đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá, giàu.
Một số mô hình khởi nghiệp hiệu quả của các hội viên như nuôi bò sinh sản, nuôi gà, nuôi thỏ,... Trong số đó, gia đình chị Cưng là một trong những tấm gương điển hình về câu chuyện khởi nghiệp cũng như vượt lên hoàn cảnh ở địa phương.
Thành công nhờ dám nghĩ, dám làm
Là người chịu thương chịu khó cộng thêm tính ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Hoàng Khen (35 tuổi, ngụ ấp Ngoài, xã Phước Hậu) trở thành một trong những thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện Cần Giuộc. Anh hiện là chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ và trang trí nội thất Hoàng Oanh Long An với diện tích khoảng 1.000m2. Cơ sở của anh Khen chuyên về đồ gỗ mỹ nghệ như lộc bình, bàn ghế, trang trí,...
Bên cạnh đó, cơ sở còn nhận thi công các công trình nội thất gỗ cho các công ty, gia đình. Sản phẩm đồ gỗ của anh có mặt nhiều nơi tại địa bàn và TP.HCM. Tổng nguồn thu của cơ sở hơn 1 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập khá (thợ chính từ 550.000 đồng/ngày trở lên, thợ phụ từ 350.000 đồng/ngày trở lên). Những lao động làm việc tại cơ sở hầu hết là thanh niên địa phương, được anh Khen tạo điều kiện thuận lợi để học hỏi cũng như nâng cao tay nghề.
Anh Nguyễn Hoàng Khen mạnh dạn chuyển đổi, áp dụng công nghệ để mở rộng sản xuất, kinh doanh
Trước đây, gia đình nghèo khó nên anh Khen phải “lăn lộn” với nhiều nghề khác nhau để lo cho cuộc sống. Một dịp tình cờ, anh đến với đồ gỗ và quyết định theo đuổi nghề. Tháng 4/2016, cơ sở của anh được thành lập. Khởi nghiệp đối với anh là cả một quá trình khó khăn vì nguồn vốn hạn hẹp. Anh được Huyện đoàn bảo lãnh cho vay vốn ưu đãi để mở cơ sở. Số tiền được hỗ trợ vay, anh mua vật liệu, máy móc. Thị trường cũng là một vấn đề nan giải lúc bấy giờ. Không nản chí, anh từng bước tiếp cận thị trường, tìm hiểu nhu cầu và có chiến lược kinh doanh riêng. Dần dà, cơ sở của anh được nhiều người biết đến và khách hàng mỗi ngày một đông hơn.
Theo anh Khen, bản thân phải mạnh dạn, dám đương đầu với khó khăn thì mới thành công. Hiện nay, cơ sở đầu tư thêm máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Anh theo học các lớp ngắn hạn để chuyển sang công nghệ tự động. Mỗi sản phẩm được áp dụng công nghệ có độ chính xác cao, đều và tinh xảo hơn nên phù hợp nhu cầu thị trường hiện nay. Hướng tới, gia đình anh sản xuất thêm các mặt hàng, mở rộng tìm kiếm thị trường và cơ sở sản xuất.
Cơ sở do anh Khen làm chủ ngày càng được nhiều khách hàng tìm đến
Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương thông tin: Hàng năm, Huyện đoàn triển khai các hoạt động nhằm trang bị kiến thức về khởi nghiệp như tổ chức diễn đàn, tập huấn khởi nghiệp, đa dạng hóa các hình thức truyền thông về khởi nghiệp; giới thiệu các kênh thông tin, các website khởi nghiệp của Trung ương, tỉnh đến đoàn viên, thanh niên; tổ chức chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, đối thoại giữa thanh niên Cần Giuộc với Chủ tịch UBND huyện chủ đề Khởi nghiệp, lập nghiệp.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Huyện đoàn chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận nguồn vốn, chính sách; phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay vốn với dư nợ 38 tỉ đồng. Mặt khác, Huyện đoàn còn ra mắt điểm tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên./.
Châu Sơn