Chị Phan Thị Út cho biết, nhờ có chiến dịch mà kết quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại xã Long Thuận tăng lên đáng kể. (Trong ảnh: Chị em đến nghe tư vấn về kế hoạch hóa gia đình tại Trạm Y tế xã)
Hiệu quả từ một xã vùng sâu
Sau khoảng 20 năm làm công tác DS, giờ đây, chị Phan Thị Út - cán bộ DS-KHHGĐ xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An mới có thể khẳng định: “Nhận thức của người dân ở đây về KHHGĐ được nâng cao rất nhiều, chị em quan tâm đến chất lượng cuộc sống cũng như SKSS của bản thân”. Có được kết quả đó là cả quá trình dài, bền bỉ. Chị Út kể: “Long Thuận là xã vùng sâu của huyện nên công tác DS gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn những năm 90, để vận động chị em KHHGĐ là cả quá trình dài vì tâm lý chung vẫn còn e ngại và không tin tưởng”. Có những gia đình, “rào cản” không chỉ đến từ phía tâm lý của chị em mà cả áp lực từ phía gia đình chồng. Chị Út nói: “Lúc trước, việc cán bộ đến vận động chị em thực hiện KHHGĐ gặp sự phản đối của gia đình chồng là không ít. Mỗi lần có chiến dịch, cán bộ, cộng tác viên DS phải đến tận nhà vận động chị em, nhưng số lượng chị em tham gia khám, KHHGĐ vẫn còn hạn chế. Chúng tôi phải thật kiên trì, phối hợp nhiều ngành, đoàn thể hỗ trợ mới được như bây giờ”.
“Bây giờ” là thời điểm Long Thuận được đánh giá là một trong những xã thực hiện tốt nhất Chiến dịch Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép, cung cấp dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ (chiến dịch) năm 2018 tại huyện Thủ Thừa. Tỷ lệ chị em sử dụng biện pháp tránh thai, khám sàng lọc, khám sức khỏe tiền hôn nhân luôn vượt chỉ tiêu đề ra và thuộc nhóm cao nhất trong huyện. Phụ nữ khám phụ khoa cũng thuộc nhóm cao. Không chỉ vậy, Long Thuận còn là địa phương có hoạt động truyền thông phong phú, thu hút đông đảo chị em đến trạm y tế thực hiện KHHGĐ. Chị Út cho biết, nhờ có chiến dịch mà kết quả công tác DS-KHHGD tại xã tăng lên đáng kể. Việc áp dụng một cách tập trung, đồng bộ các biện pháp trong thời gian diễn ra chiến dịch góp phần tăng sự quan tâm của chị em phụ nữ; đồng thời, tăng số lượng phụ nữ đến Trạm Y tế xã tìm hiểu về SKSS cũng như KHHGĐ.
Chị Nguyễn Thị Liên, ngụ ấp 2, xã Long Thuận, cho biết, nhờ có chiến dịch năm 2018, chị mới có cơ hội tìm hiểu cụ thể về KHHGĐ. Chị Liên nói: “Tôi vừa sinh cháu thứ 2 thì nghe Đài Truyền thanh xã thông tin về chiến dịch nên đi cùng chị hàng xóm đến Trạm Y tế xã để tìm hiểu. Chúng tôi được tư vấn và áp dụng biện pháp tránh thai miễn phí. Các chị tại trạm y tế còn hẹn ngày kiểm tra, thăm khám sau khi áp dụng biện pháp tránh thai nữa”. Những trường hợp như chị Liên tại xã Long Thuận là minh chứng cụ thể cho sự thành công của chiến dịch. Đến nay, xã giảm hẳn tình trạng sinh con thứ 3 trở lên. Nếu như nhiều năm trước đây, số ca sinh con thứ 3 trở lên là 6-7 ca thì hiện tại, con số đã giảm hơn một nửa.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Thủ Thừa, trong chiến dịch năm 2018, Long Thuận dù là xã vùng sâu nhưng lại đạt nhiều kết quả nổi bật nhất so với các địa phương còn lại. Tại Thủ Thừa, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện cũng như sự phối hợp tốt của các ngành, công tác chuẩn bị tại các địa phương chu đáo nên chiến dịch năm 2018 hoàn thành tốt. Nhiều địa phương trên địa bàn huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí cho chiến dịch với tổng số tiền trên 22 triệu đồng. Năm 2018, Thủ Thừa còn là địa phương mở rộng 2 xã so với phân bổ của tỉnh bằng nguồn kinh phí địa phương.
Chăm sóc tốt sức khỏe sinh sản cho phụ nữ
Chiến dịch Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép, cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ là hoạt động thường niên của Ban Chỉ đạo Công tác DS-KHHGD tỉnh. Chiến dịch nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ tại các xã khó khăn, vùng có mức sinh cao, vùng có nhiều dân nhập cư,... Với mục tiêu trên, đối tượng mà chiến dịch hướng đến là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con trở lên chưa thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị viêm nhiễm đường sinh dục, phụ nữ mang thai, nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Trong đó, đối tượng mà chiến dịch tập trung vận động là các cặp vợ chồng trẻ có đủ số con, đặc biệt là các cặp vợ chồng có con một bề nhưng chưa thực hiện biện pháp tránh thai.
Công tác truyền thông của chiến dịch được thực hiện khá tốt với nhiều hình thức: Treo băng rôn, khẩu hiệu, nói chuyện chuyên đề,... đặc biệt là vãng gia trực tiếp vận động tại nhà và tư vấn đối tượng tại điểm khám. Với đội ngũ cộng tác viên được tổ chức rộng khắp các ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh, hình thức tư vấn trực tiếp phát huy hiệu quả khá tích cực. Chị Phan Thị Út cho biết, hình thức vãng gia tuy mất nhiều thời gian nhưng đó là biện pháp hết sức hiệu quả. Bằng cách “mưa dầm thấm lâu”, cộng tác viên có thể thay đổi được tư duy, suy nghĩ của phụ nữ và gia đình về CSSKSS và KHHGĐ. Như trường hợp chị Lê Thị Bé, ngụ ấp 4, xã Long Thuận, mặc dù đã có 4 con nhưng chị và gia đình chồng vẫn chưa có ý định kế hoạch vì tâm lý e ngại. Sau thời gian dài vận động tại nhà, chị Bé đồng ý thực hiện thủ thuật triệt sản nữ và sau này trở thành cộng tác viên DS năng nổ tại địa phương. Nhờ có đội ngũ cộng tác viên, các thông tin về chiến dịch được đưa đến từng hộ dân, tiếp cận từng chị em phụ nữ. Chị Huỳnh Thị Thu Nga, ngụ xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Con gái tôi vừa sinh cháu nhỏ xong, sắp có chiến dịch nên mấy chị cộng tác viên DS đến thông tin để cháu biết đi tư vấn lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp sau sinh. Tôi nghe vậy cũng an tâm, chứ gia đình tôi ít người, lại đi làm suốt ngày, không có thời gian nghe đài hay đến trạm y tế đọc thông báo”.
Nhờ công tác truyền thông, phối hợp, hậu cần, kỹ thuật, nhân sự thực hiện tốt nên chiến dịch hàng năm luôn đạt hiệu quả tích cực. Đa số địa phương tập trung thực hiện chiến dịch và xem việc tổ chức chiến dịch là một biện pháp hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu về KHHGĐ, CSSKSS trong năm. Một số xã vượt các chỉ tiêu quan trọng đề ra trong kế hoạch như đặt dụng cụ tử cung, sàng lọc trước sinh, siêu âm,... Chỉ riêng năm 2018, toàn tỉnh có hơn 14.500 ca thực hiện các biện pháp tránh thai, trên 30.000 phụ nữ đến khám phụ khoa và hàng ngàn ca sàng lọc trước sinh, điều trị phụ khoa, khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Có thể nói, Chiến dịch Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép, cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ thực sự phát huy hiệu quả tích cực qua từng năm, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về CSSKSS, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng khó khăn. Năm 2019, chiến dịch tiếp tục được phát động và triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Với tổng mức kinh phí đầu tư dự kiến trên 2 tỉ đồng cho 2 đợt chiến dịch trong năm, chiến dịch năm 2019 được kỳ vọng tiếp tục đạt những kết quả đáng khích lệ như những mùa chiến dịch đã qua./.
Chiến dịch năm 2019 diễn ra trong 2 đợt (trước tháng 5 và trước tháng 10), tại 190/192 xã, phường, thị trấn thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với những mục tiêu cụ thể:
- Trong 2 đợt chiến dịch, mỗi xã, phường, thị trấn phải đạt 50% chỉ tiêu kế hoạch năm về triệt sản, 60% về đặt dụng cụ tử cung, thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai.
- Bảo đảm 95% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam, nữ chuẩn bị kết hôn được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS/KHHGĐ, kể cả kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.
- Số phụ nữ được khám phụ khoa: 45.600 ca.
- Số phụ nữ được điều trị: 18.240 ca.
- Thực hiện siêu âm cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ các xã vùng sâu, vùng có nhiều khu, cụm công nghiệp:
13.680 ca.
- Quan sát cổ tử cung sau bôi acid acetic (Visual Inspection with Acetic acid -Test VIA): 36.480 ca.
- Sàng lọc trước sinh: 7.500 lượt thai phụ.
- Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân: 5.100 lượt.
|
Hoàng Thúy