Tiếng Việt | English

28/03/2016 - 14:38

Dự án "Trung tâm công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười" góp phần chuyển giao công nghệ

Với mục tiêu phát triển công nghệ sinh học phục vụ cho nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Dự án "Trung tâm công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười".

Với quy mô khu vực, dự án được đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN, cung cấp các dịch vụ ươm tạo các công nghệ mới trong lĩnh vực sinh học, góp phần đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt là ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống. Đây là một bước cụ thể hóa của chương trình đột phá "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp" theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra.


Việc ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao giá trị cho cây lúa vùng Đồng Tháp Mười đang là nhu cầu thiết yếu. (Trong ảnh cánh đồng lúa xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa.)

Theo báo cáo của Sở KHCN, đến nay nhiều đề tài cấp tỉnh và cấp cơ sở về lĩnh vực nông nghiệp đã được ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả và được nhân rộng. Cụ thể như Đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học tại huyện Châu Thành". Mô hình thực hiện hiệu quả, giảm tỷ lệ gà bị bệnh chết, kiểm soát được dịch bệnh. Giúp người chăn nuôi áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý, ngăn ngừa sự tiếp xúc mầm bệnh.

Đề tài "Điều tra, đánh giá hiện trạng và xây dựng mô hình chăn nuôi trâu hướng thịt tại huyện Đức Huệ, Vĩnh Hưng và Mộc Hóa" đã trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành cho nông dân và kỹ thuật viên theo phương thức nhốt hoặc bán chăn thả. Tập huấn cho nông dân sử dụng thức ăn có sẵn tại địa phương, phối họp vỗ béo trong thời gian ngắn tăng hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương.
Đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả trong sản xuất chanh tại huyện Bến Lức và Thạnh Hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP" được nhiều nông dân trồng chanh áp dụng trong sản xuất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Ngoài ra, Sở KHCN còn xây dựng nhiều Đề tài, mô hình sản xuất VietGAP trên cây rau, cây dưa hấu, cây lúa,...Đặc biệt việc ứng dụng nấm xanh trong phòng trừ rầy nâu hại lúa được nông dân áp dụng rộng rãi.

Hiện nay, Sở KHCN đang triển khai thực hiện Dự án "Ứng dụng công nghệ sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh từ bùn đáy ao nuôi trồng thủy sản và rơm rạ cho các loại cây trồng chính của tỉnh Long An." Bên cạnh đó, sở đã xúc tiến triển khai (đã được Bộ KHCN xét duyệt) các Dự án/Đề tài cấp nhà nước: "Khai thác và phát triển nguồn gen giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào tại Mỹ Lệ, huyện Cần Đước", "Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học sinh sản tạo bò thịt nhân bản", "Nghiên cứu công nghệ, thiết bị thu gom, trục vớt và xử lý lục bình (bèo tây) trên sông lớn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long".

Đặc biệt, đề tài "Nâng cao, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ cây thanh long vùng Tây Nam Bộ" là đề tài cấp vùng nhưng chủ yếu thực hiện tại tỉnh. Trong đó, tập trung nghiên cứu về chuỗi giá trị cây thanh long từ nghiên cứu lựa chọn, lai tạo giống thanh long mới đạt yêu cầu cho năng suất cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tự động hóa và cơ giới hóa trong khâu trồng trọt, chăm sóc, phun thuốc trừ sâu tự động. Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ chiếu sáng trong trồng và chăm sóc thanh long cho hiệu quả cao, năng suất cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu,... Trọng tâm của đề tài là nghiên cứu chuyển giao công nghệ dây chuyền ứng dụng công nghệ cao của ISRAEL nhằm nâng cao giá trị và thời gian bảo quản trái thanh long sau thu hoạch, tạo điều kiện để trái thanh long thâm nhập vào EU và TPP.

Tuy nhiên, Dự án đầu tư xây dựng "Trung tâm công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười tại Long An" đang chờ HĐND tỉnh thông qua. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế và tính bền vững cho toàn vùng Đồng Tháp Mười./.

Lâm Đỗ

Chia sẻ bài viết