Hiệu quả dạy môn Âm nhạc trong trường học
Ở lứa tuổi mầm non, trẻ chưa được dạy đọc và viết thì việc dạy âm nhạc là phương tiện hữu hiệu góp phần giúp trẻ phát triển tư duy, hình thành nhân cách. Theo Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vành Khuyên (phường 2, TP.Tân An) - Bùi Thị Bảy: “Mục đích của việc dạy âm nhạc là giáo dục tình cảm, đạo đức, thẩm mỹ cho trẻ. Ngoài ra, âm nhạc góp phần khơi gợi khả năng tưởng tượng, phát triển trí tuệ, ngôn ngữ giúp trẻ mạnh dạn trong giao tiếp,... Chính vì vậy, giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non là một nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi giáo viên (GV) phải thật sự yêu nghề, mến trẻ và không ngừng tìm tòi, học hỏi”.

Giáo viên Trường Mẫu Giáo Vành Khuyên dạy trẻ hát
Hiện nay, Trường Mẫu giáo Vành Khuyên có 8 lớp với 280 trẻ. Nhằm giúp trẻ tiếp cận âm nhạc, trường chủ động làm các dụng cụ phục vụ âm nhạc: Trống, kèn, phách gõ,... với các chất liệu khác nhau. Ở đây, trẻ không chỉ được tiếp cận các dụng cụ âm nhạc mà còn được tham gia các trò chơi âm nhạc: Nhìn hình đoán tên bài hát, nghe giai điệu đoán tên bài hát, kể những tên bài hát có cùng một loại động, thực vật,...
Phụ huynh em Trương Thiên Long (lớp lá 2, Trường Mẫu giáo Vành Khuyên) chia sẻ: “Sau khi được học các bài hát, Thiên Long thường về nhà hát và múa cho ba mẹ xem. Thông qua các bài hát, Thiên Long nhận biết được thế giới tự nhiên, biết lễ phép và nghe lời hơn”.
Còn tại Trường THCS thị trấn Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa), việc dạy âm nhạc là phương tiện rèn luyện HS tinh thần đoàn kết, tạo điều kiện giải trí sau những giờ học tập căng thẳng, nhất là dần hình thành cho giới trẻ trình độ văn hóa âm nhạc có chọn lọc. Em Huỳnh Thư (HS lớp 7A3, Trường THCS thị trấn Thạnh Hóa) chia sẻ: “Ban đầu, em rất ngại đứng trước đám đông và ít tham gia các hoạt động do trường phát động, vì ngoại hình không được đẹp. Thế nhưng, sau khi được học môn Âm nhạc và thường xuyên đứng trước đám đông, em quen dần và cảm thấy rất hứng thú với môn học này. Thông qua môn học, em có điều kiện tìm hiểu về quê hương, đất nước, biết những bài nào nên nghe, không nên nghe, sống hòa đồng với bạn bè, nhất là có thể thỏa niềm đam mê ca hát”.

Trường Tiểu học Thuận Nghĩa Hòa B vì điều kiện vật chất thiếu thốn nên việc dạy và học âm nhạc còn nhiều hạn chế
Âm nhạc là một nhu cầu cần thiết trong đời sống tinh thần của con người. Và âm nhạc còn là liều thuốc tinh thần, sợi dây liên kết giữa HS và nhà trường. Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thạnh Hóa - Phạm Thị Kim Hoàng nói: “Trường có một số HS cá biệt nhưng các em lại rất thích tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nắm bắt được tâm lý đó, GV chủ nhiệm phối hợp GV môn Âm nhạc tạo điều kiện cho các em tham gia phong trào văn nghệ nhưng với điều kiện kết quả học tập phải nâng lên, không được trốn học, làm mất trật tự trong lớp,... Từ đó, nhiều em trở nên ngoan và chăm chỉ học tập. Qua phong trào trên, trường còn phát hiện nhiều em có năng khiếu để tạo điều kiện bồi dưỡng tham gia hội thi các cấp và đạt nhiều thành tích”.
Nhiều khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả thì việc dạy môn Âm nhạc trong một số trường còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, từ đó chưa phát huy đúng mức hiệu quả của môn học. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Đức Việt cho biết: “Hiện, huyện quản lý 36 trường, gồm 11 trường mầm non, 14 trường tiểu học, 11 trường THCS; trong đó, 22 trường đạt chuẩn quốc gia. Những trường đạt chuẩn quốc gia đều có phòng chức năng dành riêng cho môn Âm nhạc và các dụng cụ phục vụ việc dạy và học môn học này. Còn những trường chưa đạt chuẩn thì việc dạy môn Âm nhạc gặp nhiều khó khăn: Các dụng cụ dạy môn học này chưa phong phú, lạc hậu,...; nhiều trường chưa có phòng dành riêng cho âm nhạc; trình độ GV hạn chế; một số phụ huynh còn xem nhẹ môn Âm nhạc,... nhất là những trường ở các xã vùng sâu, vùng xa”.
Trường Tiểu học Thuận Nghĩa Hòa B (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) là đơn vị gặp nhiều khó khăn trong dạy môn Âm nhạc. Hiện, trường chỉ có 1 GV dạy môn Âm nhạc nhưng GV này đang nghỉ hậu sản. Do vậy, trường phân công GV tổng phụ trách Đội và GV chủ nhiệm kiêm luôn việc dạy âm nhạc. Ngoài ra, Trường Tiểu học Thuận Nghĩa Hòa B còn có 2 điểm lẻ. Những điểm lẻ này không có đàn organ, các dụng cụ phách thanh, trống,... do đó, HS chỉ học nhạc “chay” nên việc tiếp thu bài rất hạn chế. Mặt khác, trường cũng không có điều kiện tổ chức các hoạt động văn nghệ, vì cơ sở vật chất xuống cấp”.
Đối với Trường THCS thị trấn Thạnh Hóa, GV âm nhạc rất tâm huyết với nghề, mong muốn đưa âm nhạc dân tộc vào trường học. Song, cơ sở vật chất của trường rất hạn chế. Thầy Phạm Xuân Huy (GV môn Âm nhạc) tâm sự: “Là GV âm nhạc, tôi luôn có niềm đam mê truyền dạy âm nhạc dân tộc cho HS. Tuy nhiên, phòng học thì nhỏ, các dụng cụ dạy âm nhạc lại lạc hậu và hư hỏng, nhạc cụ để dạy âm nhạc dân tộc hầu như không có. Vì vậy, HS chỉ có thể học trên sách vở mà không có điều kiện tiếp xúc với các nhạc cụ. Từ đó, các em chỉ xem Âm nhạc là môn phụ nên chưa hứng thú trong học tập”.

Thầy Phạm Xuân Huy (giáo viên môn Âm nhạc, Trường THCS thị trấn Thạnh Hóa) rất tâm huyết trong việc đưa âm nhạc dân tộc vào tiết dạy nhưng điều kiện vật chất không cho phép
Nhìn chung, mục tiêu dạy âm nhạc trong trường học là giáo dục HS cái hay, cái đẹp trong cuộc sống thông qua nội dung các bài hát, giúp HS cảm nhận được sự quan trọng của âm nhạc đối với đời sống con người; tạo cho các em một phong cách, tính bản lĩnh, tự tin, lạc quan, yêu đời; có nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Và qua các tiết dạy và học môn Âm nhạc, GV phát hiện những em có năng khiếu để bồi dưỡng, động viên, giúp các em nhận ra thế mạnh của bản thân để phát huy. Tuy nhiên, việc dạy môn Âm nhạc trong nhà trường vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Để giải quyết những khó khăn trên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Huỳnh Thị Huệ cho biết: “Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn GV môn Âm nhạc nhằm năng cao trình độ chuyên môn; cung cấp thêm trang thiết bị âm nhạc cho những trường chưa đạt chuẩn; đề nghị GV môn Âm nhạc cập nhật kiến thức về âm nhạc dân tộc đưa vào giảng dạy; tổ chức nhiều buổi chuyên đề dành riêng cho môn Âm nhạc,...”.
Âm nhạc là một phần của cuộc sống, “chìa khóa” mở cánh cửa tâm hồn để cuộc sống thêm tươi đẹp. Vì vậy, việc đầu tư cho âm nhạc đồng nghĩa đầu tư cho các giá trị thẩm mỹ, nhân cách của con người. Hy vọng thời gian tới, việc giảng dạy môn Âm nhạc trong trường học đạt nhiều kết quả nổi bật, không còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu./.
Âm nhạc là một phần của cuộc sống, “chìa khóa” mở cánh cửa tâm hồn để cuộc sống thêm tươi đẹp. Vì vậy, việc đầu tư cho âm nhạc đồng nghĩa đầu tư cho các giá trị thẩm mỹ, nhân cách của con người. Hy vọng thời gian tới, việc giảng dạy môn Âm nhạc trong trường học đạt nhiều kết quả nổi bật, không còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu. |
Lê Ngọc