Tiếng Việt | English

09/04/2018 - 16:58

Đức Hòa: Nông dân lao đao vì giá bò giảm mạnh

Chăn nuôi bò thịt, bò nền được xem là một trong những thế mạnh ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Nhưng thời gian gần đây, giá bò thịt giảm sâu khiến không ít người chăn nuôi gặp khó.

Giá bò giảm mạnh

Ông Nguyễn Văn Bình, ngụ ấp An Thủy, xã An Ninh Tây, cho biết: "Trước đây, lúc nào gia đình tôi cũng nuôi gần chục con bò, trong đó có 3-4 con bò cái. Một con bò mỗi năm sinh được 1 con bò con, nuôi khoảng 4,5 tháng là có thể bán được 10-12 triệu đồng. Nuôi bò thịt, bò nền ít tốn chi phí, chủ yếu là bỏ công cắt cỏ, chăn dắt".

Nếu như trước đây, những hộ nuôi từ 3-5 con bò mẹ sinh sản mỗi năm có lãi từ 30-50 triệu đồng thì hiện nay, giá bò thịt, bò nền đang xuống thấp nên nhiều người chăn nuôi ngao ngán. Ông Nguyễn Văn Rồi, ngụ ấp Hòa Hiệp 2, xã Hiệp Hòa, chia sẻ: "Tôi gắn bó với nghề chăn nuôi bò thịt gần 20 năm nay. Những năm trước, giá bán một con bò từ 15-18 triệu đồng, nay chỉ còn khoảng 7-8 triệu đồng, giảm hơn phân nửa. Gia đình tôi vừa bán 3 con bò, chỉ được 23 triệu đồng. Cách đây 2 năm, với số bò ấy, tôi cầm chắc hơn 40 triệu đồng".

Giá bò thịt giảm mạnh, nông dân Đức Hòa không còn “mặn mà” với việc chăn nuôi

Giá bò thịt giảm mạnh, nông dân Đức Hòa không còn “mặn mà” với việc chăn nuôi

Giá giảm mạnh nên nhiều hộ chăn nuôi không còn "mặn mà" với việc nuôi bò nữa. Ông Trần Minh Tấn, ngụ ấp Chánh,
xã Đức Lập Thượng, cho biết: "Gia đình tôi nuôi 2 con bò mẹ, mỗi năm đẻ 2 con bò con. Những năm gần đây, đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp dần, người nuôi bò phải trồng cỏ và mua thêm rơm cho bò ăn. Thời điểm này, những hộ mua rơm càng lỗ. Nhiều hộ chăn nuôi bò trong xóm tôi cũng chán nản, không thiết tha như trước nữa".

Cần một hướng đi cho người chăn nuôi

Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Hòa có hơn 10.000 hộ chăn nuôi bò, trong đó có hơn 7.000 hộ nuôi bò thịt và bò sinh sản hướng thịt. Mỗi hộ nuôi từ 1-15 con. Tuy nhiên, với thực trạng giá bò giảm mạnh như hiện nay gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là ở những địa phương đang tập trung xây dựng đề án chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao.

Những năm trước đây, đàn bò thịt của huyện không ngừng tăng lên, chất lượng đàn bò thịt và bò sinh sản từng bước cải thiện cùng với thị trường tiêu thụ tương đối thuận lợi nên người chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Nương, ngụ xã Tân Phú, cho biết: "Vùng này có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản: Các loại phụ phẩm trong nông nghiệp đa dạng, các hộ chăn nuôi đều nắm rõ kỹ thuật và có nhiều kinh nghiệm. Nhưng giá bò cứ “rơi” tự do như thế khiến người chăn nuôi lo ngại".

Ông Nguyễn Văn Chinh, ngụ ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, gần 30 năm sống bằng nghề nuôi bò thịt. Điều kiện nuôi bò của gia đình ông khá thuận lợi: Có nguồn cỏ tươi, chuồng trại, đặc biệt là ông nắm vững kỹ thuật chăn nuôi bò. Nhưng hiện nay, gia đình ông không dám đầu tư như trước nữa vì giá bò giảm mạnh.

Điểm hạn chế của phong trào chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa là vẫn nuôi theo cách truyền thống, việc sử dụng thức ăn tinh còn thấp, công tác phòng bệnh, sát trùng chuồng trại và xử lý chất thải, vệ sinh môi trường chưa tốt. Do đó, thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để người chăn nuôi đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện thành công Đề án "Xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao tại 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ giai đoạn 2016-2020" của tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh: Để hỗ trợ người chăn nuôi bò có hướng đi mới, hiệu quả tích cực hơn, ngành nông nghiệp huyện Đức Hòa và các xã được chọn làm điểm thực hiện mô hình nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao phải tiến hành khảo sát lại các hộ chăn nuôi và số bò được gieo tinh để đánh giá, rút kinh nghiệm trong thời gian tới về hiệu quả, đồng thời đề nghị ngành chức năng hỗ trợ về kỹ thuật, cách phòng dịch và bảo vệ môi trường,.../.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết