Tiếng Việt | English

03/02/2023 - 14:26

Đức Hòa: Viếng Di tích địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn  

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02/1930 - 03/02/2023, sáng 03/02, Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam huyện Đức Hòa tổ chức lễ viếng Di tích địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn và Khu di tích lịch sử - văn hóa khu vực Ngã tư Đức Hòa (gồm tượng đài Võ Văn Tần, phù điêu Châu Văn Liêm, khu tưởng niệm các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa).

Đến dự có Bí thư Huyện ủy - Phan Nhân Duy, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện qua các thời kỳ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện.

Các đại biểu thắp hương tại lễ viếng

Tại đây, các đại biểu dâng hoa và thắp hương, tưởng nhớ công lao của các đồng chí, đồng bào, anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng thời, nhắc nhở, bồi dưỡng, vun đắp tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Vào ngày 06/3/1930, tại nhà ông Bộ Thỏ, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), đồng chí Võ Văn Tần chủ trì cuộc họp quyết định chuyển chi bộ An Nam Cộng sản Đảng làng Đức Hòa sang thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên gồm 7 đồng chí: Võ Văn Tần (làm Bí thư), Võ Văn Sậy, Võ Văn Ngân, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Thị Thới. Sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn đánh dấu bước ngoặc quan trọng.

Còn khu di tích Ngã tư Đức Hòa ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân huyện Đức Hòa. Vào ngày 04/6/1930, nơi đây ghi dấu cuộc biểu tình lớn nhất Nam bộ, đấu tranh đòi giảm sưu thế, chống đàn áp, có sự tham gia hơn 5.000 nông dân do đồng chí Châu Văn Liêm – Bí thư liên Tỉnh ủy Gia Định – Chợ Lớn và đồng chí Võ Văn Tần – Bí thư Quận ủy Đức Hòa lãnh đạo.

Cuộc đấu tranh ngày 04/6/1930 là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất Nam bộ lúc bấy giờ, khẳng định vai trò tiên phong của Đảng trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng, giải phóng dân tộc. Đến năm 1940, tại khu tưởng niệm các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa, thực dân Pháp và tay sai đã đàn áp quyết liệt lực lượng cách mạng ở Đức Hòa sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tại đây, trong 3 ngày 7,8,9 tháng 7 năm 1941, có 13 chiến sĩ trung kiên đã bị xử bắn nhưng vẫn nêu cao tấm gương sáng muôn đời về tinh thần bất khuất trước kẻ thù, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cởi ách nô lệ, giành độc lập dân tộc./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết