Tiếng Việt | English

27/01/2023 - 17:40

Đức Huệ chú trọng phát triển sản xuất, chăm lo đời sống người dân

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng huyện Đức Huệ, tỉnh Long An nỗ lực vượt qua, triển khai, thực hiện Nghị quyết Huyện ủy năm 2022 đạt những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2022 của Huyện ủy đánh giá, đến nay, địa phương có đàn bò thịt gần 9.200 con, trong đó trên 3.700 con được nuôi ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC); diện tích trồng chanh trên 2.800ha (chanh không hạt gần 1.400ha, chanh có hạt trên 1.200ha, chanh bông tím trên 200ha), trong đó, diện tích chanh cho trái 2.674ha, sản lượng trên 40.000 tấn/năm. Diện tích lúa năm 2022 đạt 43.485ha, ước sản lượng đạt gần 220.000 tấn, trong đó, lúa chất lượng cao trên 121.600 tấn.

Sản lượng lúa chất lượng cao của huyện Đức Huệ chiếm trên 50%

Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Trần Thanh Phong cho biết: “Thời gian qua, Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được huyện tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện theo lộ trình”. Huyện hoàn thành công tác quy hoạch các khu vực trồng chanh, nuôi bò ƯDCNC; triển khai xây dựng các mô hình điểm của tỉnh, huyện và mô hình nhân rộng, chuyển đổi. Đối với con bò thịt, năm 2022, huyện xây dựng 1 mô hình điểm của tỉnh tại xã Mỹ Quý Tây; 5 mô hình chuyển đổi con giống tại xã Mỹ Quý Đông, Mỹ Thạnh Tây và Bình Thành. Đối với cây chanh, năm 2022, huyện thực hiện ƯDCNC 54ha; trong đó, xã Bình Hòa Nam có 21ha, xã Mỹ Bình có 33ha.

Đàn bò nuôi ứng dụng công nghệ cao của huyện Đức Huệ khoảng 3.700 con

Cùng với đó, huyện hình thành các tổ kinh tế hợp tác đa dạng. Hiện nay, toàn huyện có 8 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 42 tổ hợp tác. Những năm gần đây, ở huyện còn có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao như trồng rau má, dưa hấu, khoai từ, chuối, khóm, nuôi cá. Mô hình trồng rau má (90ha) tập trung chủ yếu ở xã Bình Hòa Nam, Bình Hòa Hưng, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Tây cho lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/ha/năm; khoai từ (khoảng 75ha), tập trung chủ yếu ở xã Bình Hòa Bắc, lợi nhuận đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm; nuôi cá của Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Thủy sản Mỹ Thạnh Tây (khoảng 6ha) cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha/vụ.

Một số diện tích chuyển đổi sang trồng rau má đang mang lại giá trị kinh tế cao

Các lĩnh vực khác tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 491 hộ nghèo; có 3 xã: Mỹ Thạnh Đông, Bình Hòa Nam, Mỹ Thạnh Tây được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 17/31 trường học đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới; 100% trạm y tế trên địa bàn các xã có bác sĩ phục vụ, số bác sĩ đạt 7,1/vạn dân; duy trì 100% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội

Công tác lao động, người có công, an sinh xã hội được huyện quan tâm thực hiện tốt; kịp thời hỗ trợ, động viên gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, tết; đồng thời, thực hiện tốt công tác xã hội hóa chăm lo cho người nghèo, vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Huyện còn thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, tặng quà, con giống,... Ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, năm 2022, huyện huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền trên 25,6 tỉ đồng với gần 160.000 phần quà.

Huyện Đức Huệ huy động nhiều nguồn lực để chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Huệ - Phạm Thị Châu Hoàng cho biết: “Thời gian qua, Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng để đưa dân lên định cư ở khu vực biên giới của huyện đạt những kết quả tích cực. Đây là chủ trương vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, vừa mang tầm chiến lược lâu dài. Qua đó, vừa hình thành lực lượng tại chỗ hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ, vừa thực hiện chính sách “An dân giữ đất biên cương”, nâng cao sức mạnh tổng hợp của thế trận quốc phòng toàn dân”.

Từ sự hỗ trợ của Quân khu 7 và tỉnh, giai đoạn 2019-2021, huyện triển khai xây dựng hoàn thành 15 căn nhà liền kề ở Chốt dân quân xã Mỹ Quý Tây và Mỹ Quý Đông, đã bàn giao cho các hộ dân vào ở ổn định. Tiếp nối kết quả đã đạt, giữa tháng 5/2022, huyện khởi công xây dựng 80 căn nhà điểm dân cư liền kề chốt dân quân ở các xã: Mỹ Bình, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông. “Bộ Tư lệnh TP.HCM hỗ trợ kinh phí xây dựng 80 triệu đồng/căn, người dân thụ hưởng đóng góp thêm. Dự kiến, 80 căn nhà liền kề đợt này sẽ tổ chức bàn giao vào đầu năm 2023” - Thượng tá Bùi Quang Ngọc - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Huệ, thông tin.

Một căn nhà liền kề gần Chốt dân quân ở xã Mỹ Bình được xây dựng cơ bản hoàn thành

Đại hội Đảng bộ huyện Đức Huệ lần thứ XII xác định một trong những mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025 là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá để huyện tăng trưởng nhanh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; phấn đấu trở thành huyện phát triển trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu cho từng năm cũng như cả nhiệm kỳ, huyện đề ra nhiều giải pháp để thực hiện.

Ông Trần Thanh Phong nhấn mạnh, thời gian tới, huyện đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước kết hợp huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng kết nối liên xã, liên vùng, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh. Thực hiện tốt trong sản xuất và tiêu thụ, đem sản phẩm hàng hóa của huyện vào hệ thống mua bán hiện đại như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, San Hà Foodstore. Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và huy động các nguồn vốn để thi công các công trình./.

Những năm qua, huyện Đức Huệ tranh thủ huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đây được xem là bước đột phá của địa phương. Để phục vụ nhu cầu phát triển, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư các tuyến đường kết nối ra các trục đường chính; tham mưu, kiến nghị cấp trên tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các trục đường có tải trọng lớn và mang tính kết nối với các huyện lân cận.

Đồng thời, huyện chuẩn bị nhựa hóa các tuyến đường thuộc công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025 ở ấp 4, 5, 6, xã Mỹ Quý Tây, dự toán kinh phí gần 80 tỉ đồng. 

V.Quang

Chia sẻ bài viết