Trong thực hiện Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI (nhiệm kỳ 2015-2020), huyện đã đạt những kết quả quan trọng. Đến năm 2018, có 14/25 chỉ tiêu đạt và vượt so với NQ đề ra. Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất theo giá so sánh 2010 bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 10,52%. Thu ngân sách nhà nước hàng năm đều vượt so với dự toán tỉnh giao, tăng 45,77%. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi có bước chuyển đổi phù hợp. Các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cây lúa chất lượng cao và cây chanh được hình thành, chất lượng và hiệu quả ngày càng được người dân chú trọng. Sản lượng lương thực bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 113,27% so với NQ.
Huyện xây dựng vùng sản xuất chuyên canh cây chanh đạt 1.830ha
Thực hiện NQ Huyện ủy, 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng lương thực ước đạt 152.500 tấn (đạt gần 60% so với NQ), trong đó, lúa chất lượng cao đạt 75.000 tấn, đạt hơn 68% so với NQ. Đặc biệt, thời gian qua, huyện đã và đang thực hiện tốt công tác kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư trên địa bàn. Hiện ở huyện có 1 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghệ cao cho bò sữa, 5 nhà máy sản xuất gạch, 2 nhà máy điện năng lượng mặt trời đã đi vào hoạt động,... Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 46.550 triệu đồng, đạt 62,07% so với dự toán tỉnh giao.
Thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy về “Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)”, đến nay, huyện thực hiện xong mô hình Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ huyện, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đồng thời Chánh Thanh tra huyện. Đối với mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời Chủ tịch UBND xã đã thực hiện ở 6/11 xã, thị trấn.
Theo Bí thư Huyện ủy - Phạm Văn Trấn, các công trình trọng điểm, chương trình đột phá theo NQ Đại hội XI Đảng bộ huyện Đức Huệ và Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo lộ trình, kế hoạch đề ra. Công trình nâng cấp, láng nhựa đường cặp kênh Bà Mùi đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Công trình nâng cấp, láng nhựa đường số 1 nối dài đã hoàn thành láng nhựa mặt đường, cống thoát nước và vỉa hè đoạn từ cầu Mỹ Thạnh đến cầu chữ Y.
Chương trình xây dựng vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao diện tích đạt 1.152/1.200ha. Chương trình xây dựng vùng sản xuất chuyên canh cây chanh đạt 1.830/2.000ha. Chương trình xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao, huyện thành lập HTX Tây Hòa, xã Bình Hòa Bắc có 16 thành viên, với 181 con bò; đồng thời thành lập 10 tổ hợp tác, có 145 thành viên với tổng đàn bò 897 con. Ngoài ra, các cấp, các ngành còn quan tâm theo dõi việc chăm sóc, quản lý đàn bò 516 con do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động doanh nghiệp tài trợ cho các hộ nghèo ở các xã biên giới.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung thực hiện. Bình quân toàn huyện đạt 12 tiêu chí; trong đó, xã Mỹ Thạnh Đông có số tiêu chí đạt cao nhất là 16. Huyện quyết tâm, phấn đấu trong năm 2019, xã Mỹ Thạnh Đông đạt chuẩn nông thôn mới và được công nhận lại xã văn hóa.
Đức Huệ là địa phương được chọn để phát triển, chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao
Bên cạnh những kết quả đã đạt, Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Phạm Văn Trấn cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Cụ thể, công tác xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới còn chậm, nhiều tiêu chí khó, cần nhiều nguồn vốn nên chưa đạt NQ đề ra. Tập quán canh tác của người dân chậm chuyển đổi, chưa quen với ứng dụng công nghệ cao. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản vẫn còn hạn chế. Tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm. Giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án còn nhiều vướng mắc. Ngoài ra, công tác mời gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực kinh tế bao tiêu sản xuất chưa nhiều, liên kết sản xuất nông sản còn nhiều lúng túng, kết quả không cao. Thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ còn nhiều khó khăn.
Theo ông Phạm Văn Trấn, điểm tắc nghẽn làm kìm hãm sự phát triển KT-XH của huyện là điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng không thuận lợi, thiếu hệ thống giao thông mang tính kết nối vùng, các tuyến giao thông chính trên địa bàn huyện đầu tư chưa đồng bộ về tải trọng gây khó khăn cho thu hút đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, ngân sách huyện thu không đủ chi, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn khó khăn về thị trường tiêu thụ,...
Từ phân tích, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, khó khăn trên, huyện đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới. Trong đó, huyện xác định, nông nghiệp vẫn là thế mạnh và là nhiệm vụ trọng tậm, khâu đột phá trong phát triển kinh tế. Theo đó, huyện sẽ tập trung các giải pháp đột phá phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện vùng sản xuất chuyên canh, Chương trình xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình điểm, tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo sự lan tỏa, nhân rộng liên kết sản xuất; tích cực tranh thủ sự hỗ trợ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ các công trình, nhất là công trình trọng điểm theo NQ Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ,.../.
Lê Đức