Khảo sát của phóng viên VOV.VN với một số em học sinh lớp 9 và lớp 12, các em đều có chia sẻ chung là, bố mẹ đặt quá nhiều hy vọng vào kết quả thi tới đây của các em. Đây là một áp lực rất lớn “đè nặng” lên đôi vai của các em.
Đáng nói, bố mẹ hay so sánh lực học của em với một số bạn khác kèm theo câu nói: “Nhìn vào bạn đó mà học tập, cố mà học, đừng để bố mẹ phải xấu hổ với anh em, hàng xóm láng giềng”…
Theo các em, sự so sánh này không những không làm cho các em học tốt hơn mà chỉ động chạm đến lòng tự trọng, khiến em có cảm giác tổn thương về tâm lý.
Em Trần Hồng Hà (Ba Đình, Hà Nội), năm nay thi vào lớp 10 cho hay, thời điểm thi đang cận kề, chưa bao giờ em cảm thấy áp lực với mình lớn như lúc này. Với nguyện vọng thi vào 2 trường điểm là Chu Văn An và Phan Đình Phùng, em đang phải cố gắng hết sức để đạt được kết quả như bố mẹ kỳ vọng. Tuy nhiên, em cũng mong muốn, nếu không đạt được kết quả cao thì bố mẹ cũng nên hiểu và động viên em, không nên mắng mỏ, chì chích hay so sánh với các bạn khác, bởi điều này sẽ khiến em cảm thấy mình “vô dụng” và mất tự tin vào bản thân.
Đừng tạo áp lực quá lớn cho con trẻ khi mùa thi đang đến gần (Ảnh minh họa)
Có cùng quan điểm và suy nghĩ như em Trần Hồng Hà, em Nguyễn Quang Minh (Hoàng Mai, Hà Nội), hiện đang học lớp 12 cho hay, không lâu nữa em sẽ phải bước vào kỳ thi quan trọng nhất đời người. Với lực học chỉ ở mức khá, em cảm thấy rất lo lắng và sợ rằng, sẽ không đạt được kết quả tốt và vào được một trường đại học theo nguyện vọng của mình.
Trong khi đó, bố mẹ Minh thì lại đặt rất nhiều hy vọng vào khả năng của con. Minh cho rằng, đây là một áp lực rất lớn đối với em trong kỳ thi tới đây.
“Để không phụ lòng bố mẹ, em cố gắng học ngày, học đêm, nhiều khi cảm thấy rất mệt mỏi, có lúc tưởng như kiệt sức. Em mong rằng, nếu kết quả thi không được như mong đợi thì bố mẹ hãy động viên em để em vượt qua và tiếp tục thử sức mình ở những kỳ thi sau. Bởi em luôn nghĩ, cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra”, Minh chia sẻ.
Các kỳ thi cuối cấp đang cận kề, nhịp sống, nếp sinh hoạt của các em học sinh cũng có nhiều thay đổi như: phải học nhiều, không có thời gian vui chơi, ăn, ngủ không đúng giờ... Nghĩ đến bố mẹ, một số em còn tự tạo áp lực cho chính mình với tâm trạng lo sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè dễ dẫn đến bị rối loạn cảm xúc.
Đáng nói, nhiều bậc cha mẹ vì quá quan tâm đến việc học của con mà không chú ý nhiều đến việc bổ sung dinh dưỡng cho con, không quan tâm đến sức khỏe, sự thay đổi hay tâm lý, sức chịu đựng của con.
TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong giai đoạn trẻ học hành, thi cử, cha mẹ, thậm chí chính các em, không thể nào áp đặt việc chỉ có thời gian học và thời gian ngủ, bởi nếu có bắt trẻ ngồi học trong nhiều giờ nhưng kết quả học tập có thể vẫn thấp. Bản thân các em học sinh hay nhiều gia đình nghĩ rằng, cứ ngồi học nhiều là tốt nhưng điều đó là không nên, ngoài thời gian học tập, ngủ nghỉ vẫn phải đan xen các hoạt động thư giãn cho các em.
Học sinh có thể ngồi học được 5 - 6 tiếng liên tục nhưng có em lại không thể ngồi học trong suốt một thời gian dài. Sức chịu đựng của mỗi em là khác nhau, vì vậy, cha mẹ cần giúp con lên kế hoạch học tập hợp lý. Thời gian rảnh rỗi, cha mẹ nên sắp xếp tham gia một số hoạt động cùng con như đi tập thể dục, đi mua sắm, đi ăn uống, đến khu vui chơi giải trí… Sau mỗi hoạt động như vậy, các em lấy lại được năng lượng tích cực, việc học sẽ hiệu quả hơn là chỉ ngồi ở nhà học và học.
Cha mẹ không nên đặt mục tiêu quá sức của trẻ
Cũng theo TS.BS Đỗ Minh Loan, cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào con, điều này có thể tạo áp lực cho con, nếu các con không đạt được như sự kỳ vọng đó có thể ảnh hưởng đến tâm lý, thậm chí đã có nhiều trường hợp xảy ra hậu quả đau lòng.
“Cha mẹ nên biết “con mình ở đâu”, năng lực của con như thế nào để đặt mục tiêu hợp lý với trẻ. Thực tế, có nhiều cha mẹ, dù năng lực của con chưa đạt nhưng vẫn đặt mục tiêu trường chuyên, lớp chọn, bắt con phải học giỏi là áp lực quá mức với trẻ. Đây là điều không nên, bởi kể cả các em có vào được trường như nguyện vọng của cha mẹ do kết quả thi tại thời điểm đó tốt, nhưng quá trình học trong suốt những năm sau sẽ rất áp lực với các em.
Về chăm sóc sức khỏe tâm thần của các em trong mùa thi đầy áp lực, theo TS. BS Đỗ Minh Loan, bên cạnh việc giảm bớt thời gian học, các em rất cần tham gia hoạt động thể dục thể thao; vì nó sẽ giúp cho trẻ có thể lực tốt hơn. Khi thể lực của các em tốt, sức khỏe tâm thần cũng tốt hơn. Đặc biệt, khi trẻ tập thể dục, thể thao, cơ thể sẽ tiết ra các loại hoóc môn tạo hưng phấn, làm cho đầu óc tỉnh táo hơn, học tập sẽ hiệu quả hơn.
Cha mẹ cũng không nên cho trẻ lạm dụng các chất kích thích để học tập như: Uống cà phê để tỉnh táo học bài hay sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng kích thích tăng trí nhớ, bổ não trong giai đoạn thi cử.
“Để đồng hành cùng con, các bậc cha mẹ cần quan tâm và hiểu những thay đổi, diễn biến tâm lý của các em ở mỗi lứa tuổi; cần nhận diện sớm những bất ổn tâm lý để điều chỉnh kịp thời… Nhất là trẻ ở giai đoạn vị thành niên, đây là giai đoạn khá đặc thù, có nhiều mốc quan trọng, cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con, hiểu những thay đổi của con trong giai đoạn này để có cách chăm sóc, hỗ trợ con phù hợp với lứa tuổi. Nếu làm tốt được điều này thì các rối loạn tâm lý ở trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên sẽ giảm đi rất nhiều”, TS.BS Đỗ Minh Loan khuyến cáo./.
Chung Thủy/VOV.VN