Những người yêu lúa
Nhiều người nhận xét, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh bây giờ như được “thay áo mới”. Gần cuối tuyến đường vành đai biên giới, giáp nước bạn Campuchia là nhà xưởng của Hợp tác xã (HTX) Hưng Phú (ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An). Ông Lưu Văn Hoài là người đặt “viên gạch” đầu tiên để xây dựng HTX. Ông Hoài hào hứng giới thiệu HTX do ông làm Giám đốc: “Chúng tôi mong muốn hợp tác với nhau tạo thành cánh đồng lớn, xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”. HTX hiện có 86 thành viên sản xuất lúa giống, thương phẩm và hữu cơ với diện tích trên 500ha trải dọc tuyến đường biên giới. Toàn bộ diện tích sản xuất của HTX sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận với lượng giống bình quân 80kg/ha. Từ khi thành lập, HTX mạnh dạn dùng vốn điều lệ đầu tư và sử dụng máy san bằng mặt ruộng bằng tia laser, máy đào kênh mương, máy cày, trạm bơm; sử dụng phân hữu cơ vi sinh để giảm phân hóa học trong sản xuất, sử dụng chế phẩm nấm xanh quản lý rầy nâu.
Chúng tôi có dịp đến tham quan cánh đồng sản xuất theo “Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” ở ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa. Khi chúng tôi thắc mắc, canh tác thông minh là gì, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Lạc - Trần Văn Ngấm nói, mọi người cứ đi một vòng ở các đám ruộng đi rồi tôi sẽ giải thích sau. Điều chúng tôi nhận thấy đầu tiên là cánh đồng lúa đẹp, từng bông trĩu hạt và sáng. Dưới rãnh nước, cá rô, cá lóc con bơi từng đàn. Ông Trần Văn Ngấm từng là Tổ trưởng Tổ Canh tác lúa thông minh, giải thích: “Canh tác lúa thông minh là giảm lượng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng tăng cường kỹ thuật canh tác để cho ra sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn với người dùng”.
Sản phẩm trưng bày tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III tại Long An
Người tiêu dùng phải biết gạo Việt
Nói về câu chuyện sản xuất và xuất khẩu gạo Việt, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Quốc Toản nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua đạt kết quả rất tích cực, cả về lượng và giá xuất khẩu cũng như cơ cấu chủng loại xuất khẩu. Gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng với đó là sự đa dạng các sản phẩm như gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản, gạo hữu cơ. Mặc dù xuất khẩu gạo gặt hái được những thành công nhất định, có truyền thống sản xuất từ lâu đời nhưng về sự nổi tiếng thì gạo Việt Nam còn thua kém nhiều nước trên thế giới và tiềm ẩn những biến động khó lường.
Tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III tổ chức tại Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Logo Thương hiệu gạo Việt Nam được giới khoa học, doanh nghiệp cho rằng, đây là bước ngoặt lớn, nhằm khẳng định giá trị thương hiệu gạo Việt Nam đối với các nước có thế mạnh về nông nghiệp lúa gạo trong khu vực và thế giới. Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Cao (TP.Cần Thơ) - Phạm Thái Bình, việc có Logo Thương hiệu gạo Việt Nam có ý nghĩa lớn, khi được gắn logo trên sản phẩm, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo phải làm cho người tiêu dùng biết đến gạo Việt Nam. DN phải khẳng định được gạo Việt Nam đã thay đổi về chất lượng, giá trị để người nước ngoài chấp nhận và tiêu dùng. Từ đó, thị trường thế giới nhận biết được gạo có xuất xứ Việt Nam, giúp gạo nước ta khẳng định được chất lượng, giá trị.
Tiết mục nghệ thuật công bố Logo Thương hiệu gạo Việt Nam tại Festival Lúa gạo lần thứ III
Một khi gạo Việt thay đổi từ hình thức đến chất lượng, có logo thương hiệu quốc gia sẽ mang đến nhiều giá trị lâu dài về giá cả và sức cạnh tranh. Từ đó tạo sức lan tỏa, doanh nghiệp và nông dân cùng bắt tay xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng, để “hạt ngọc” tạo nên từ sự chắt chiu của nông dân có thể vươn ra thế giới và làm giàu từ chính sức lao động của họ trên đồng ruộng./.
Thanh Bình