Tiếng Việt | English

18/10/2024 - 12:31

Gia đình chính là nơi bảo vệ sự an toàn của học sinh khi tham gia giao thông

Trong lịch sử hình thành, phát triển của đất nước ta, gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là mạch ngầm hợp thành văn hóa, đánh dấu bản sắc dân tộc Việt Nam. Dẫu văn hóa gia đình có nhiều biến đổi nhưng những giá trị cốt lõi của gia đình vẫn được gìn giữ, trao truyền, lan tỏa,...

Gia đình có vai trò rất quan trọng! Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng bởi nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Gia đình thực hiện nhiều chức năng: Kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, tình cảm,... Gia đình có vai trò quan trọng trong gìn giữ, bảo toàn, phát triển các giá trị tốt đẹp của dân tộc. Từ các giá trị này sẽ ảnh hưởng, chi phối nhận thức của từng thành viên trong gia đình, đặt nền móng cho sự phát triển. Đối với gia đình Việt Nam, sự quan tâm, yêu thương chăm sóc, bảo ban lẫn nhau giữa các thành viên là vốn quý giá nhất.

Trong cuộc sống, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với gia đình và nghĩa vụ với đất nước. Điều đó phải luôn được giáo dục, trao truyền, lan tỏa, trở thành nếp nghĩ, tình cảm, văn hóa, chi phối hành vi của con người. Từ văn hóa gia đình sẽ trở thành nền tảng cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc. Trong quá trình xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, các giá trị cốt lõi của gia đình phải đồng hành cùng dòng chảy văn hóa của cả dân tộc, xã hội.

Nền văn hóa giàu tính nhân văn của dân tộc luôn đề cao các giá trị cộng đồng, sức khỏe (sức khỏe là vàng), tính mạng (người sống đống vàng),... Soi rọi lại các giá trị này, chúng ta thấy việc xây dựng, hình thành, lan tỏa văn hóa giao thông là hết sức quan trọng bởi nó hướng tới những giá trị tình cảm, an toàn, thịnh vượng, phát triển của gia đình Việt Nam. Tai nạn giao thông (TNGT) đã, đang gây ra rất nhiều sang chấn tâm lý, hệ lụy kinh tế, ảnh hưởng hạnh phúc và sự phát triển bền vững của gia đình các nạn nhân,… Muốn giảm thiểu những hệ lụy bi thảm này, mỗi người, gia đình, cộng đồng phải xây dựng, phát triển văn hóa giao thông, đề cao tính nhân văn: Sức khỏe, tính mệnh con người là trên hết, trước hết.

Một trong những hoạt động xây dựng văn hóa giao thông ở Long An là UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT”. Thông qua hoạt động này nhằm cảnh báo toàn xã hội về thảm họa TNGT, các nguyên nhân và nguy cơ gây TNGT trong tỉnh. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông, phòng tránh TNGT; góp phần thực hiện mục tiêu giảm TNGT trong năm 2024.

Cùng với đó, Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông”. Mục đích nhằm giáo dục, vận động gia đình (cha mẹ, người giám hộ) học sinh (HS) nâng cao hiểu biết góp phần ngăn chặn tình trạng giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” là thiết thực góp phần giảm TNGT nói chung và TNGT liên quan đến HS nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Trong thời kỳ hiện đại, trong mạch chảy văn hóa của từng gia đình phải có văn hóa giao thông bởi nó hướng tới sự an toàn, nhân văn, phát triển bền vững và thịnh vượng. Gia đình (cha mẹ, người giám hộ HS) đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lan tỏa, trao truyền các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa giao thông. Thực hiện điều này chính là giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân văn, là bảo tồn, lan tỏa chức năng tình cảm, kinh tế, văn hóa, tạo ra tương lai tốt đẹp cho con em mình.

Hiện nay, xã hội Việt Nam đã chuyển từ gia đình nhiều thế hệ sang gia đình hạt nhân 2 thế hệ, từ văn hóa gia đình sinh nhiều con sang quy mô gia đình ít con. Vì vậy, việc trang bị văn hóa giao thông, giữ gìn sự an toàn cho các thành viên trong gia đình là yêu cầu đặc biệt quan trọng. Trong quá trình xây dựng, hình thành, trao truyền các giá trị văn hóa giao thông, cha mẹ chính là tấm gương mẫu mực chấp hành pháp luật về giao thông cho con em noi theo. Trong đó, “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” vừa là lý trí, vừa là tiếng nói từ trái tim của cha mẹ./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết