Tiếng Việt | English

24/06/2022 - 09:45

Gia đình là 'điểm tựa' vững chắc của mỗi người

Ai sinh ra cũng có một gia đình để được yêu thương, chở che và được “trở về” sau những ngày vất vả của cuộc sống. Sau những mệt nhoài với công việc hay tuyệt vọng mỗi khi gặp thất bại, mọi người đều muốn quay về bên gia đình để được cha mẹ động viên, được tiếp thêm nguồn năng lượng và vực dậy tinh thần, bước tiếp trên con đường đã chọn.

Mỗi dịp lễ, tết, chị Phương Thảo đều tạo điều kiện để gia đình sum họp, tận hưởng những ngày đoàn viên

Mỗi dịp lễ, tết, chị Phương Thảo đều tạo điều kiện để gia đình sum họp, tận hưởng những ngày đoàn viên

Để con cảm nhận tình yêu thương từ gia đình

Mỗi khi nhắc đến gia đình, Tường Vi (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) vẫn luôn tự hào dẫu rằng gia đình không được vẹn tròn. Tường Vi kể: “Vì những mâu thuẫn không thể hàn gắn được, cha, mẹ ly hôn năm mình học lớp 7. Lúc đó mặc cảm lắm! Thời gian đầu, mình bỏ về ngoại ở và không muốn nói chuyện với cha, mẹ nữa. Một đứa học sinh lớp 7 lúc đó làm sao hiểu được mâu thuẫn của người lớn nên mình cứ trách cha, mẹ”.

Sau cú sốc đó, dần dần Tường Vi cảm nhận được sự quan tâm của cha, mẹ dù không còn được sống chung mái nhà với cha. Mỗi khi quyết định vấn đề quan trọng liên quan đến con, cha, mẹ Tường Vi đều ngồi lại bàn bạc với nhau. Ngày Tường Vi lên xe hoa về nhà chồng, cha mẹ cùng nắm tay Vi bước vào sân khấu. Với Tường Vi, đó là niềm hạnh phúc lớn bởi dù cha, mẹ không còn song hành cùng nhau trong cuộc sống nhưng cả hai đều quan tâm, chăm sóc và dành cho Vi những gì tốt đẹp nhất.

Chăm sóc, nuôi dạy các con, góp phần xây dựng một xã hội hạnh phúc.

Chăm sóc, nuôi dạy các con, góp phần xây dựng một xã hội hạnh phúc

Cũng không có được một gia đình trọn vẹn, phải mất mấy năm suy nghĩ, chị Phương Thảo (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) mới quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Điều quan tâm nhất của chị không phải là kinh tế mà là làm thế nào để chăm sóc, nuôi dạy 2 đứa con một cách tốt nhất. Bỏ qua mọi mâu thuẫn trước đó, anh chị cùng bàn bạc, phân chia thời gian hợp lý để chăm sóc con. Chị nhận trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng con. Cuối tuần, chị lại chở con về Đức Hòa chơi với cha. Bất cứ khi nào có thể, anh, chị đều thu xếp thời gian để đưa các con đi du lịch. Mặc dù chia tay nhưng các con của anh chị vẫn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cha, mẹ và gia đình nội, ngoại.

Theo chị Thảo, điều khó nhất là mỗi người phải bỏ bớt “cái tôi” mới có thể làm bạn vì con, bởi khi có nhiều mâu thuẫn không thể hàn gắn mới dẫn đến chia tay nên khoảng thời gian sau đó, để làm bạn với nhau rất khó. Lúc này, cả 2 người đều phải nghĩ về con và phải có sự hợp tác, chỉ cần 1 người không “nhượng bộ” thì rất khó để bàn bạc, thống nhất, tạo lại mối quan hệ bình thường. Và để cho con có được niềm vui trọn vẹn, không có cảm giác mặc cảm, tự ti khi cha mẹ ly hôn, mỗi khi con tham gia chương trình dã ngoại ở trường, cả anh và chị cùng sắp xếp thời gian đi cùng hoặc những dịp lễ, tết, anh, chị và các con cùng về quây quần bên gia đình, tận hưởng những ngày đoàn viên.

Ly hôn không phải là chấm hết mà chỉ là kết thúc cuộc sống chung không hạnh phúc và thiết lập mối quan hệ mới vì các con để những đứa trẻ sinh ra trong gia đình không trọn vẹn không bị hụt hẫng mà vẫn cảm nhận được sự quan tâm của cha, mẹ. Đó là cách các gia đình "khuyết" chăm sóc, nuôi dạy các con, góp phần xây dựng một xã hội hạnh phúc. Tuy nhiên, để làm được điều đó, người trong cuộc phải tự “thỏa hiệp” để đi đến sự thống nhất bởi vẫn còn nhiều gia đình khi cha mẹ không còn chung sống với nhau, các con mất đi sự quan tâm, chăm sóc, lớn lên trong hoàn cảnh thiếu sự chăm lo về vật chất lẫn tinh thần.

Câu chuyện về 2 đứa cháu của bà T.T.C. (huyện Thủ Thừa) khiến nhiều người phải suy nghĩ. Con trai bà đang chấp hành án tù vì tội buôn bán trái phép chất ma túy. Hoàn cảnh khó khăn, con dâu bà bỏ đi, để lại 2 đứa con. Ở tuổi xế chiều lại bị bệnh tai biến, đi lại khó khăn nhưng hàng ngày bà vẫn phải đạp xe từ huyện Thủ Thừa đến TP.Tân An để bán bánh, kiếm tiền trang trải cuộc sống của 3 bà cháu. Thương cháu sớm chịu thiệt thòi, bà cố gắng bù đắp nhưng làm sao có thể bằng tình cảm cha, mẹ chúng. Mong ước lớn nhất của bà là sau này 2 đứa cháu trở thành người có ích cho xã hội, đừng đi vào "vết xe đổ" của cha.

Trẻ em cần được chăm sóc, giáo dục từ gia đình để có thể phát triển toàn diện (Ảnh: Hữu Tuấn)

Trẻ em cần được chăm sóc, giáo dục từ gia đình để có thể phát triển toàn diện (Ảnh: Hữu Tuấn)

Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc

Gia đình là tế bào của xã hội, tổ ấm của mỗi người, nơi chúng ta được yêu thương, chia sẻ. Gia đình trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, hình thành nhân cách mỗi người, “góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính” (Văn kiện Đại hội XI của Đảng). Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là đặt những “viên gạch” đầu tiên để xây nên một xã hội hạnh phúc.

Nếu trẻ em được quan tâm, chăm sóc từ gia đình thì sẽ tạo được bước khởi đầu vững chắc cho tương lai, trong đó cha mẹ đóng vai trò là người giáo dục, định hướng, hình thành nên những đức tính tốt đẹp ở các con. Xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nhân tố quan trọng góp phần hình thành nên một xã hội tiến bộ, hạnh phúc. Phát huy vai trò của gia đình, cha mẹ phải là tấm gương về đạo đức để gia đình trở thành môi trường thuận lợi cho sự phát triển nhân cách của các con./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết