Tiếng Việt | English

04/05/2016 - 11:27

Gia phả - Lưu giữ nguồn cội gia đình

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, nhiều gia đình không còn lưu giữ hoặc thất lạc gia phả vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, đáng quý biết bao khi nhiều họ tộc vẫn còn giữ gìn được truyền thống tốt đẹp ấy. Đây là cách để con cháu đời sau hiểu về nguồn cội, biết rõ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình.

Ông Trần Bá Tước, ngụ ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cũng vừa thống kê lại tên tuổi của các thành viên trong dòng họ mình qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, do trải qua thời gian dài, thông tin, lai lịch cũng có phần hạn chế.

Gia phả dòng họ Trần được ông đánh máy trang trọng, in ra và cẩn thận dán lên tường theo trình tự từng chi, từng “nhánh” theo từng thế hệ,… Theo ông, lưu giữ gia phả trong họ tộc là để con cháu đời sau biết cội nguồn, biết quý trọng tình cảm ruột rà, máu mủ.

Gia phả là minh chứng lịch sử về nguồn gốc tổ tiên, là đại diện cho mối tương quan giữa gia đình và dòng họ. Mỗi người sinh ra trong đời đều phải biết về nguồn cội, tổ tiên của mình.

“Con cái của tôi, dù là gái hay trai, tôi vẫn khuyên các con phải cố gắng duy trì truyền thống gia đình, trân trọng nguồn gốc, quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên” - ông Tước chia sẻ.

Tại huyện Bến Lức đến nay vẫn còn một dòng họ hiếu học khá nổi tiếng lưu giữ được gia phả, đó chính là dòng họ Huỳnh, ngụ ấp 1A, xã An Thạnh.

Ông Huỳnh Quốc Quang - Trưởng Ban Khuyến học, đồng thời cũng là người đang lưu giữ gia phả dòng họ Huỳnh, cho biết: “Hiện tại, dòng họ Huỳnh sinh sống tại xã An Thạnh có 40 hộ với 155 thành viên. Trước đây, gia phả của dòng họ là bản viết tay, sau này, cháu đời thứ 7 là Huỳnh Thanh Phong tập hợp và đánh máy lại để dễ dàng lưu trữ. Trong gia phả, chúng tôi vẽ sơ đồ và tông chi của kiến họ từ trên xuống để dễ hiểu và có hệ thống. Ngoài ra, gia phả còn có phần ghi chú bổ sung về nơi sinh sống, nghề nghiệp, việc mưu sinh của ông bà đời trước.”.

Được biết, dòng họ Huỳnh có 5 người là thạc sĩ, 1 người đang học cao học; 45 người tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định; 4 người học cao đẳng và 3 người học trung cấp. Trong đó, có 22 người tốt nghiệp Đại học Sư phạm, hiện là giáo viên đang giảng dạy tại các trường trong và ngoài huyện; 2 người là giảng viên Đại học An ninh - Bộ Công an,…

Bên cạnh truyền thống hiếu học, việc duy trì mối liên hệ, gắn kết giữa các thành viên luôn được gìn giữ. Người lớn bảo ban con cháu hiếu thuận ông bà, cha mẹ, biết kính trên, nhường dưới. Các anh chị lớn chăm lo học tập, đạt thành tích cao cho các em noi theo.

Ngoài việc kết nối hiện tại và quá khứ, gia phả cũng cung cấp những thông tin, dữ liệu về truyền thống, nếp sống, phong tục của ông bà, tổ tiên từ xa xưa và gắn kết tình thân, máu mủ trong dòng họ. Mối quan hệ giữa gia đình và dòng họ góp phần hình thành truyền thống gia đình, trong đó có cách ứng xử, giao tiếp giữa các cá nhân trong gia đình và ngoài xã hội./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết