Tiếng Việt | English

17/10/2021 - 09:45

Giá phân bón tăng, nông dân gặp khó

Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng trong khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến việc tiêu thụ nông sản khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

Người dân canh tác cần chủ động kết hợp áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất

Người dân canh tác cần chủ động kết hợp áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất

Nông dân “than trời” vì giá phân bón tăng

Đến thời điểm hiện tại, phần lớn diện tích lúa Hè Thu trên địa bàn tỉnh Long An đã thu hoạch xong, nông dân chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông Xuân năm 2021 - 2022. Dù chưa bắt đầu vào vụ nhưng giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón liên tục tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Minh Vương (xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng. Riêng 3 tháng trở lại đây, giá nhiều loại phân bón tăng thêm 50% khiến chúng tôi gặp khó khăn cho việc chuẩn bị gieo sạ. Như phân Urê, trước đây khoảng 330.000 đồng/bao, nay tăng lên hơn 600.000 đồng/bao”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đạt (xã Thạnh Trị, Thị xã Kiến Tường) cũng cho rằng, giá phân bón tăng “chóng mặt” khiến việc sản xuất gặp khó khăn. “Cuộc sống phụ thuộc vào cây lúa mà giá vật tư tăng “phi mã” như thế, trong khi đầu ra nông sản còn bấp bênh, thương lái ép giá, nếu vụ Đông Xuân sắp tới, giá lúa không cao, chắc chắn nông dân sẽ không có lãi để trang trải cuộc sống” - ông Đạt khẳng định.

Ngoài giá phân bón tăng cao, hiện nay, tại một số đại lý, lượng phân bón cũng khan hiếm. Ông Trần Văn Mong (xã Bình Tân, Thị xã Kiến Tường) cho biết: “Việc đặt cọc mua phân bón gặp khó, một số đại lý không nhận đặt cọc do giá phân tăng liên tục, có khi 2-3 ngày lên giá một lần, hàng hóa nhập về không nhiều, trong khi vụ Đông Xuân đang đến gần. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân”.

Vụ lúa Đông Xuân sắp tới, chi phí sản xuất sẽ tăng do ảnh hưởng từ giá vật tư nông nghiệp đầu vào

Vụ lúa Đông Xuân sắp tới, chi phí sản xuất sẽ tăng do ảnh hưởng từ giá vật tư nông nghiệp đầu vào

Cần giải pháp bình ổn giá phân bón

Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, hiện nay, nông dân chuẩn bị vụ lúa Đông Xuân. Do đó, trong thời gian qua, thị xã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra chủ yếu liên quan đến việc bảo đảm chất lượng hàng hóa và chấn chỉnh, yêu cầu các đơn vị kinh doanh thực hiện đúng việc niêm yết giá bán tại cửa hàng. “Riêng đối với phản ánh giá phân bón tăng cao, địa phương ghi nhận nhưng vấn đề này, địa phương không thể can thiệp được” - ông Vũ cho biết.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Nguyễn Văn Minh, với đặc thù là huyện thuần nông, giá vật tư nông nghiệp tăng đột biến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. “Nếu như vụ Đông Xuân trước, giá lúa nếp là 6.200 đồng/kg thì nay, giá thu mua còn hơn 4.000 đồng/kg, trong khi giá phân bón liên tục tăng, có loại đã tăng gấp đôi. Ngoài ra, chất lượng vật tư nông nghiệp hiện còn trôi nổi, khó kiểm soát cũng tác động lớn đến năng suất, sản lượng lúa. Mới đây, trên địa bàn huyện, lực lượng chức năng phát hiện một vụ bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng” - ông Minh khẳng định.

Lý giải về giá vật tư nông nghiệp tăng đột biến, nhất là giá phân bón, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đỗ Thanh Phương cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cước vận chuyển cũng tăng,... Trước thực trạng giá vật tư nông nghiệp tăng cao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đỗ Thanh Phương đề nghị người dân cần canh tác chủ động giảm lượng phân bón hóa học bằng các biện pháp khoa học - kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, IPM, tăng cường bón phân hữu cơ và NPK cân đối, ưu tiên áp dụng bón phân theo nguyên tắc “5 đúng” và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, hạn chế bón thừa phân đạm cũng như ứng dụng các gói kỹ thuật từ chương trình
chuyển đổi nông nghiệp bền vững trong sản xuất lúa nhằm giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất.

“Đồng thời, Sở chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản phối hợp tiếp tục kiểm tra các cửa hàng vật tư nông nghiệp về chất lượng hàng hóa, thực hiện niêm yết giá bán và sẽ kiên quyết xử phạt nếu phát hiện vi phạm” - ông Đỗ Thanh Phương nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương - Châu Thị Lệ, đối với việc bình ổn giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, hiện Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vật tư nông nghiệp. Trong đó, tập trung rà soát lại các doanh nghiệp phân bón trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ sớm đưa vào sản xuất sau thời gian giãn cách xã hội cũng như tăng công suất của các doanh nghiệp này, ưu tiên thẩm tra ngay phương án sản xuất sau khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Đồng thời, tiến hành đánh giá lại nhu cầu sử dụng phân bón để tuyên truyền người dân sử dụng hiệu quả, nhất là tăng tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ; tạo điều kiện trong lưu thông, cung ứng nguyên liệu cho sản xuất ngành hàng vật tư nông nghiệp cũng như theo dõi tình hình vật tư nông nghiệp để điều tiết cung - cầu kịp thời. Sở sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng cũng như vấn đề đầu cơ phân bón, vật tư nông nghiệp.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cũng cho biết, Bộ Công Thương đang tham mưu Chính phủ cân nhắc thực hiện một số biện pháp tự vệ đối với phân bón nhập khẩu, tăng lượng phân bón nhập khẩu trên tinh thần bảo vệ sản xuất phân bón trong nước, thực hiện hạn chế xuất khẩu phân bón và kiểm soát, hạn chế chi phí logistics nhằm sớm bình ổn giá vật tư nông nghiệp, trong đó có giá phân bón./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Cách sử dụng Phân bón hữu cơ