Theo trang Kitco News, chốt ngày giao dịch 13-10, giá vàng giao tháng 12 tới chạm mốc 1.922,50 USD/ounce.
Nhận định "các nhà đầu tư đang đổ xô trở lại với vàng" song ông Ole Hansen, Giám đốc chiến lược tài sản của Ngân hàng Saxo, cảnh báo cần phải thận trọng, bởi đây có thể chỉ là biến động ngắn hạn khi mà các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vẫn chưa mặn mà mua vàng.
Trong khi đó, ông Darin Newsom, nhà phân tích thị trường cấp cao của trang Barchart.com, phán đoán: "Năm 2024 sẽ chứng kiến nhiều bất ổn hơn khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới gần. Trong trường hợp đó, vàng có vẻ vẫn là lựa chọn tương đối tốt trong dài hạn".
Một kho dầu ở bang Oklahoma - Mỹ Ảnh: REUTERS
Cùng chiều với vàng, theo Reuters, giá dầu đã tăng gần 6% hôm 13-10; trong đó, giá dầu Brent có lúc đạt 90,89 USD/thùng, còn giá dầu WTI là 87,69 USD/thùng.
Dù biết rằng xung đột giữa Israel và Hamas không ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung, song các nhà đầu tư đều lo ngại kịch bản bạo lực lan rộng, tác động tiêu cực tới các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới trong khu vực. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji ngày 13-10 dự báo giá dầu có thể đạt 100 USD/thùng - theo hãng tin SHANA của nước này.
Nếu Mỹ xác định Iran có vai trò nào đó trong cuộc xung đột hiện nay và áp đặt trừng phạt, lượng dầu xuất khẩu của Iran sẽ giảm xuống.
Nguồn cung từ phía Ả Rập Saudi cũng có thể biến động. Nguồn tin của Reuters cho hay Riyadh đã tạm dừng kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Israel, dẫn đến lời hứa của Ả Rập Saudi với Nhà Trắng hồi đầu năm nay về việc tăng sản lượng dầu nhằm đổi lấy thỏa thuận trên có thể không được thực hiện.
Góp phần đẩy giá dầu lên là việc Mỹ áp đặt những biện pháp trừng phạt đầu tiên lên các chủ tàu chở dầu Nga - lượng dầu này có giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng mà nhóm G7 định ra trước đó.
Theo đài CNN, cả thị trường khí đốt châu Âu cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Giá khí đốt giao sau tại đây hôm 13-10 (giờ địa phương) có lúc tăng tới 5,7%, lên mức 56 euro/MWh. So với một tuần trước, mức giá đã tăng 44%.
Ông Massimo Di Odoardo, Phó Chủ tịch về nghiên cứu khí đốt của nhóm tư vấn Wood Mackenzie, cho biết bên cạnh lượng khí đốt tự sản xuất, Ai Cập còn nhập khí đốt từ Israel để xử lý thành khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và xuất ra nước ngoài.
Phần lớn trong số khoảng 3 triệu tấn LNG xuất đi từ Ai Cập trong mùa đông hướng tới châu Âu. Thế nhưng, Israel đầu tuần này đã phải tạm đóng cửa mỏ khí đốt vốn dùng để cung cấp cho Ai Cập và Jordan./.
Theo NLĐ
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gia-vang-dau-tang-vot-20231014220838743.htm