Tiếng Việt | English

15/07/2024 - 10:19

Giải phóng mặt bằng - 'đường băng' phát triển nhanh, bền vững

Hàng loạt công trình, dự án đã, đang và tiếp tục được triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh Long An. Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng mở ra nhiều cơ hội, tạo sự bứt phá trong phát triển KT-XH. Những năm gần đây, Long An được ví như một “ đại công trường” xây dựng.

Ngoài vị trí, cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng phát triển cũng là động lực, yếu tố quan trọng trong công tác thu hút đầu tư. Nhiều dự án FDI với nguồn vốn lớn đã “đổ bộ” vào tỉnh, tạo nguồn thu ngân sách và việc làm cho lao động địa phương. Và để có hạ tầng tốt phục vụ yêu cầu phát triển thì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phải được thực hiện tốt.

Tuy nhiên, GPMB sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của người dân nên phải thực hiện cẩn trọng, bài bản, khoa học, chính xác và bảo đảm hài hòa quyền lợi. Đây là một công việc khó, nhất là trong bối cảnh “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay. Nếu thực hiện không tốt hoặc sai sót sẽ dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng an ninh, trật tự,...

Xác định tầm quan trọng và những khó khăn, vướng mắc trong công tác này, ngày 04/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 25 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất.

Mục tiêu tỉnh đề ra trong giai đoạn 2021-2025 là sẽ giải quyết dứt điểm các dự án bồi thường còn tồn đọng; phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB khoảng 4.000ha đất để phát triển KT-XH; trong đó, tập trung các dự án trọng điểm, đột phá, tạo quỹ đất sạch và phát triển khu công nghiệp, khu đô thị mới giai đoạn 2026-2030, tỉnh phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB tối thiểu 5.000ha đất để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh và bền vững của tỉnh.

Qua thời gian thực hiện Nghị quyết số 25, công tác bồi thường, GPMB có nhiều bước chuyển. Năm 2022, tỉnh GPMB gần 500ha, năm 2023 GPMB hơn 1.000ha và 6 tháng đầu năm 2024 GPMB hơn 1.000ha (chỉ tiêu năm 2024 là 1.500ha), đạt 86,66% chỉ tiêu đăng ký và đạt 67,8% chỉ tiêu phấn đấu.

Nghị quyết số 25 đã tác động rất lớn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị với công tác bồi thường, GPMB, đặc biệt là người đứng đầu. Thông tin dự án, công trình được các cấp, các ngành công khai, minh bạch để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa; công tác kê biên, áp giá bồi thường được thông tin rõ ràng, ngày càng chặt chẽ, đúng quy định và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi; các cuộc đối thoại, lấy ý kiến, nắm tâm tư của người dân thực hiện đầy đủ, nghiêm túc;... Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” đã phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân được thực hiện xuyên suốt với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác GPMB tạo sức lan tỏa; nhiều đảng viên phát huy tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong việc đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để làm tốt công tác bồi thường, GPMB, việc TĐC cho người dân trong vùng dự án cũng phải đặc biệt được quan tâm.

Quan điểm của tỉnh, lãnh đạo tỉnh luôn khẳng định và nhấn mạnh yếu tố “người dân được TĐC phải hưởng lợi từ dự án và bảo đảm nguyên tắc “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”. Vì vậy, người dân mong muốn các khu TĐC phải bảo đảm về hạ tầng thiết yếu, xã hội.

Các chủ đầu tư “họ Hứa”, chây ì trong thực hiện TĐC, dự án hoặc làm mà hạ tầng dở dang, không bảo đảm phải xử lý nghiêm và có biện pháp giải quyết nhanh chóng, tránh để dây dưa, kéo dài.

Cùng với đó, để thực hiện tốt công tác bồi thường, GPMB, việc nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này cũng cần thực hiện thường xuyên. Các cấp, các ngành tăng cường thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, xử lý nghiêm các hành vi thổi giá đất cao, chênh lệch nhiều lần để trục lợi, gây “sốt đất” ảo làm ảnh hưởng đến GPMB, phá vỡ quy hoạch và sự phát triển bền vững của địa phương. Công tác tuyên truyền cần được cả hệ thống chính trị tích cực tham gia để tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Có thể khẳng định, với những cách làm “công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích hài hòa”, công tác GPMB ngày càng nhận được sự thấu hiểu, tin tưởng, đồng thuận của người dân trong vùng thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình. Công tác GPMB “trôi chảy” sẽ là “đường băng” cho KT-XH “cất cánh” nhanh, bền vững hơn./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết