Tiếng Việt | English

26/02/2021 - 13:05

Giải quyết bài toán nước sinh hoạt, nước sản xuất trong mùa hạn, mặn

Với nhiều giải pháp công trình và phi công trình, mùa hạn, mặn năm nay, tình hình nước sinh hoạt và nước sản xuất phục vụ nhân dân sẽ không còn gay gắt như những năm trước.

Hạn, mặn năm 2020-2021 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường

Mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Long An cùng các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối mặt với đợt hạn, xâm nhập mặn lớn nhất trong lịch sử với mức độ gay gắt, phức tạp, khó lường. Mặc dù UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và các địa phương sớm nhận định tình hình và chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó với hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn nhưng thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp vẫn không thể tránh khỏi.

Theo thống kê, do ảnh hưởng của hạn, mặn mùa khô 2019-2020, tỉnh có khoảng 860ha lúa bị mất trắng, 1.900ha giảm năng suất từ 30-70%, cùng với đó, nhiều diện tích trồng chanh tại các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ và TP.Tân An bị thiệt hại do phèn, mặn và sốc nhiệt. Ước tổng kinh phí thiệt hại do hạn, mặn năm 2019-2020 tại tỉnh là 55 tỉ đồng, giảm sâu so với thiệt hại năm hạn, mặn lịch sử 2015-2016 là 194 tỉ đồng.

UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý Âu tàu Rạch Chanh phối hợp trong công tác vận hành công trình bảo đảm nguồn nước ngọt cho tỉnh Long An và Tiền Giang

Thông tin từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2020-2021 từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ĐBSCL ở mức thiếu hụt từ 20-35% so với trung bình nhiều năm, tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng diễn ra sớm và gay gắt trong mùa khô 2020-2021. Còn theo nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dòng chảy mùa khô năm 2020-2021 từ thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL có khả năng thuộc năm thủy văn ở mức thấp cực hạn nên xâm nhập mặn mùa khô trên ĐBSCL thuộc nhóm năm nghiêm trọng, đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng, kéo dài và gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Võ Kim Thuần cho biết: “Hiện nay, tình hình hạn, xâm nhập mặn sắp bước vào thời kỳ ảnh hưởng cao điểm cuối tháng 02, độ mặn 4,0g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 48-70km và từ 75-90km trên sông Vàm Cỏ. Dự báo ảnh hưởng của gió chướng mạnh có thể làm tăng mặn đột ngột trên các cửa sông Cửu Long, ảnh hưởng trực tiếp đến việc lấy nước, trữ nước, tích nước phục vụ sản xuất”.

Chủ động lấy nước, tích nước, trữ nước phục vụ sản xuất

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt trong những năm qua, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nhất là việc cung cấp nước sản xuất cho người dân, cử tri các địa phương liên tục phản ánh đến HĐND các cấp. Từ đó, HĐND tỉnh đã tổng hợp gửi đến UBND tỉnh để chỉ đạo các ngành chức năng liên quan và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân, không để tái diễn tình trạng thiếu nước trong mùa khô năm nay.

Các cống đầu mối trên tuyến Quốc lộ 62 được thi công cống, đập tạm ngăn mặn, bảo đảm tích nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp

Tại huyện Tân Trụ, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong mùa hạn, mặn năm 2019-2020, hiện mực nước trên các kênh nội đồng vẫn đầy ắp, chưa xảy ra thiệt hại do hạn, mặn. Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đỗ Huy Cường, so với các năm trước thì năm nay, huyện đã chủ động lấy nước, tích nước từ những tháng cuối năm 2020, về cơ bản, nước sản xuất sẽ phục vụ đủ nhu cầu của người dân.

“Năm trước, thời điểm này, trên các dòng sông, kênh, rạch của huyện đã khô cạn, không có nước sản xuất, người dân phản ánh liên tục nhưng năm nay, ngành Nông nghiệp huyện chưa ghi nhận phản ánh của người dân. Đồng thời, bằng các giải pháp tuyên truyền, người dân cũng ý thức hơn trong việc chủ động gieo sạ theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Năm nay, số người trồng lúa vụ 3 giảm hẳn, so với vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích gieo sạ của huyện giảm khoảng 1.200ha. Ngoài ra, để chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó với hạn, mặn, năm 2020, huyện tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy 8 công trình thủy lợi nội đồng, các xã tiến hành nạo vét 22 tuyến kênh nội đồng khoảng 8 tỉ đồng, đầu tư 2 cống ngăn mặn tại xã Đức Tân và Nhựt Ninh cũng như nâng cấp đoạn đê ven sông Vàm Cỏ Tây với chiều dài gần 7km, giúp huyện chủ động hơn trong công tác phòng, chống hạn, mặn” - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đỗ Huy Cường cho biết.

Tương tự, tại huyện Cần Giuộc - huyện đầu nguồn của xâm nhập mặn, năm nay, lượng nước phục vụ sản xuất đến thời điểm hiện tại vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Võ Kim Thuần, trước tình hình hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đang diễn ra trực tiếp vào hệ thống 2 sông Vàm Cỏ, do đó, hệ thống các cống đầu mối dọc theo hệ thống 2 sông đã được đóng ngăn mặn từ sớm. Ngoài ra, trên tuyến Quốc lộ 62 từ địa phận TP.Tân An đến huyện Thạnh Hóa với tổng cộng khoảng 32 cống và kênh cắt ngang đã được lắp đặt cống, đập tạm để ngăn mặn. Trong 2 năm 2019 và 2020, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi, Bộ NN&PTNT đã đầu tư và đang triển khai, thực hiện đầu tư cho tỉnh 5 cống tại kênh Bà Hai Màng, kênh Bà Định, kênh Thủ Cồn và kênh La Khoa bằng nguồn vốn kết dư của dự án Trạm bơm Xuân Hòa để tỉnh chủ động trong công tác ngăn mặn. Hiện tại, các vị trí kênh Bến Kè, kênh Bún Bà Của, kênh 1, kênh 2, kênh Cái Tôm, ngành Nông nghiệp thực hiện xong việc đắp đập tạm để phục vụ ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng từ sông Vàm Cỏ Tây. Đồng thời, UBND tỉnh cũng có văn bản gửi Ban Quản lý Âu tàu Rạch Chanh đề nghị phối hợp trong công tác vận hành công trình để bảo đảm nguồn nước ngọt cho 2 tỉnh Long An và Tiền Giang.

Để chủ động phòng ngừa và có giải pháp ứng phó kịp thời với tình hình hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021, bảo đảm cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2020-2021 và dân sinh an toàn, hiệu quả, hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương chủ động theo dõi diễn biến độ mặn, có kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, tranh thủ tích trữ đủ nước vào các kênh, rạch khi độ mặn giảm; đồng thời, kiểm tra, xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ để phủ bạt, thay thế các ron cửa cống bị hư hỏng để tránh tình trạng nước mặn xâm nhập vào bên trong nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân.

“Thời gian qua, ngành Nông nghiệp nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri về công tác phòng, chống hạn, mặn, bảo đảm phục vụ nước cho sản xuất, chúng tôi hy vọng với nhiều giải pháp được thực hiện quyết liệt trong thời gian qua, thiệt hại do hạn, mặn mùa khô năm nay sẽ được giảm ở mức thấp nhất, bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu nước sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hy vọng người dân tuân thủ theo đúng các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, không gieo sạ ngoài lịch để tránh những rủi ro trong sản xuất trong mùa hạn, mặn năm nay” - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Võ Kim Thuần cho biết.

Khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô

13 giờ, sau cú điện thoại của người dân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ - Lê Trung Hậu tất tả chạy đến điểm đấu nối đồng hồ cấp nước tại tổ để khắc phục sự cố cấp nước sinh hoạt cho người dân.

“Nhiều năm liền, cứ sau tết là bước vào cao điểm mùa khô, nhiều hộ dân trên địa bàn xã thiếu nước sinh hoạt. Xã Tân Phước Tây cũng là địa phương thường xuyên thiếu nước sinh hoạt và thiếu nhiều nhất trong địa bàn huyện Tân Trụ, thường kéo dài từ 2-3 tháng. Thời điểm này của năm trước, điện thoại của chúng tôi liên tục đổ chuông nhận những phản ánh của cử tri về vấn đề cấp nước. Trong ngày cuối cùng của tháng 02/2020, lực lượng quân sự đã phải xuống hỗ trợ cấp nước cho người dân trong xã. Tuy nhiên, năm nay, sau khi được đầu tư, lắp đặt hệ thống cấp nước mới, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô cơ bản được khắc phục, không còn gay gắt như mọi năm” - ông Lê Trung Hậu cho biết.

Ngoài ra, ghi nhận đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ chưa xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ trong mùa khô năm nay./.


Kiên Định

Chia sẻ bài viết