Sau 53 năm hy sinh trên vùng đất An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, đến ngày 02/11/2021, hơn 100 liệt sĩ quê tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 hy sinh trong trận Cầu Ván ngày 03/5/1968, đã có khu tưởng niệm, thờ cúng khang trang.
Sau nhiều tâm huyết, nỗ lực, được sự hỗ trợ của Trung ương, doanh nghiệp, tỉnh Long An đã tổ chức xây dựng, khánh thành Khu tưởng niệm, thờ cúng liệt sĩ Tiểu đoàn 263. Khu tưởng niệm này được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Lễ khánh thành khu tưởng niệm, thờ cúng liệt sĩ diễn ra hết sức long trọng, cảm động khi có mặt những cựu chiến binh Tiểu đoàn 263, nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, huyện Châu Thành và người dân xã An Lục Long - những người 53 năm qua đã có lúc âm thầm, rồi công khai thờ cúng các liệt sĩ. Những hoạt cảnh, thước phim, những nhân chứng tái hiện lại trận đánh Cầu Ván năm xưa đã lay động trái tim của những người có mặt trong buổi lễ như sợi dây nối liền quá khứ, truyền thống với hiện tại và hướng tới tương lai. Những chứng nhân của trận đánh trên vùng đất đầy bom đạn năm xưa không chỉ vui mừng gặp lại đồng chí, đồng đội, vui mừng vì những đồng đội đã hy sinh có nơi thờ cúng trang trọng dù không phải trên mảnh đất quê hương, mà còn chứng kiến màu xanh, sự phát triển, no ấm trên xã nông thôn mới An Lục Long anh hùng ngày nào.
Trong tâm trí của những bậc cao niên ở An Lục Long, huyện Châu Thành và cựu chiến binh Tiểu đoàn 263, trận đánh ác liệt, không cân sức và sự hy sinh của hơn 100 liệt sĩ tại Gò Trâm Bầu, khu vực Cầu Ván, xã An Lục Long, huyện Châu Thành là bản anh hùng ca bất tử về tinh thần yêu nước, bất khuất, dũng cảm của các anh hùng, liệt sĩ; đồng thời, là điểm nhấn quan trọng của truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, của nghĩa tình quân - dân trong kháng chiến lẫn thời bình...
Khánh thành khu tưởng niệm giữa lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An trong phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển KT-XH. Khi các hoạt động KT-XH trở lại trạng thái “bình thường mới” thì việc tôn vinh những cống hiến của các anh hùng, liệt sĩ, việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ vẫn luôn được quan tâm để nuôi dưỡng mạch nguồn yêu nước, đoàn kết...
Trong “cuộc chiến” chống đại dịch, truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” luôn được phát huy bằng phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi xã, phường là một pháo đài”. Trong kháng chiến, những vùng đất nông thôn như Cầu Ván - An Lục Long là những căn cứ địa cách mạng thì ngày nay trở thành xã nông thôn mới, là những “pháo đài” chống dịch. Cuộc sống đã, đang trở lại bình thường trên những địa chỉ đỏ. Mọi người dân đang hướng tới tương lai tốt đẹp hơn./.
Kim Quy