Tiếng Việt | English

10/02/2024 - 09:13

Giữ gìn nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm  

Đi lễ chùa ngày đầu năm mới từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Người dân đi lễ chùa không chỉ cầu nguyện điều may mắn, bình an cho bản thân, gia đình trong năm mới mà còn bày tỏ tấm lòng thành kính với đức Phật, tổ tiên.

Từ sáng sớm ngày mùng 1 tết, nhiều người dân đến chùa đến thắp hương, vãn cảnh chùa

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất, lớn nhất của người Việt. Đây là dịp để mọi người hướng về nguồn cội, sum vầy và nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm làm việc nhọc nhằn, vất vả.

Tết cũng là cơ hội để lưu giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời mà cha ông đã truyền lại. Một trong những nét đẹp văn hóa rất đáng quý của người Việt đó là đi lễ chùa vào dịp đầu năm mới.

Nét đẹp này thể hiện ở chỗ du khách, phật tử cùng đến chùa trong dịp đầu năm mới và cầu mong những điều may mắn, tài lộc, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc.

Sau Giao thừa và từ sáng sớm ngày mùng 1 tết, có rất nhiều người dân đến các chùa để thắp hương, vãn cảnh. Trong tiết trời se lạnh của buổi sáng xuân, người đến chùa mỗi lúc một đông, già trẻ, gái trai đều có, ai nấy đều rạng ngời niềm vui xuân mới.

Đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu và được duy trì cho đến ngày nay

Người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện mà còn là khoảnh khắc để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau những vất vả, nhọc nhằn mưu sinh trong cuộc sống. Đây cũng là dịp để người dân du xuân, thưởng lãm cảnh đẹp.

Giữa không gian tĩnh lặng trang nghiêm, tiếng chuông chùa ngân vang cùng khói hương trầm ấm áp khiến cho bộn bề, lo toan dường như tan biến. Gác lại những lo toan, lòng người cảm thấy thư thái, an yên và hướng đến khát vọng một năm mới an lành, tốt đẹp.

Bà Trần Thị Phượng (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) chia sẻ: “Phong tục lễ chùa ngày tết quả thật là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, tôi cùng các con, cháu đi lễ chùa để cầu bình an và cầu năm mới mọi việc được suôn sẻ”.

Gác lại những lo toan, lòng người cảm thấy thư thái, an yên và hướng đến khát vọng một năm mới an lành, tốt đẹp.

Chùa Ân Thọ (phường 5, TP.Tân An) cũng được đông đảo người dân lựa chọn đến viếng thăm vào dịp đầu năm. Từ người già, người trẻ đến chùa đều thành tâm chắp tay cầu nguyện. Người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình. Cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, tĩnh lặng trong tâm hồn.

Nhiều năm qua, gia đình chị Huỳnh Thị Mỹ Phương (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) duy trì việc đi lễ chùa đầu năm. Chị Mỹ Phương chia sẻ: “Mỗi khi đi chùa, tôi thấy tâm hồn mình thanh thản, nhẹ nhàng, những muộn phiền, lo âu của cuộc sống thường ngày cũng vơi đi. Cũng như mọi khi, hôm nay, tôi đến đây để thắp nén nhang, thành kính cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình, con cái chăm ngoan, học giỏi và cầu cho năm mới mọi người, mọi nhà được bình an”.

Đi lễ chùa đầu năm còn là dịp để người dân du xuân, thưởng lãm cảnh đẹp ở những ngôi chùa

Với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu và được duy trì cho đến ngày nay, góp phần tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Phong tục này không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc mà còn vun đắp tinh thần để mỗi người dân thêm yêu và trân trọng những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết